Tin tức >> Tin cao su trong nước

Hiệp hội Cao su Việt Nam nâng cao nhận thức về sản xuất cao su thiên nhiên bền vững để thâm nhập thị trường châu Âu

07/12/2020

Thông qua việc kết nối các nhà sản xuất cao su thiên nhiên Việt Nam với các công ty mua cao su toàn cầu, Hiệp hội Cao su Việt Nam kỳ vọng sẽ giúp nâng cao nhận thức về phát triển cao su bền vững tại Việt Nam, từ đó thúc đẩy sản xuất cao su bền vững tại các doanh nghiệp Việt Nam để thâm nhậpvào thị trường châu Âu đang còn nhiều tiềm năng.


Chiều 04/12/2020, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) tổ chức Hội thảo “Kết nối cung cầu: Hướng đến nguồn cao su thiên nhiên bền vững tại Việt Nam nhằm thiết lập kết nối ban đầu giữa các công ty lớn trên thế giới hiện đang tiêu thụ cao su thiên nhiên tại nhiều quốc gia khác nhau và công ty, hộ sản xuất cao su thiên nhiên tại Việt Nam về nhu cầu thế giới đối với cao su thiên nhiên bền vững.

Sự dịch chuyển của thị trường thế giới
Cao su hiện là một trong những ngành sản xuất nông lâm nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam về kim ngạch xuất khẩu. Đến nay diện tích cao su của cả nước đạt gần 1 triệu ha, với gần 70% trong đó là diện tích đang cho thu mủ với sản lượng khoảng 1,1 triệu tấn/năm.Theo VRA, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn thứ 3 trên thế giới. Mỗi năm, khoảng 80% cao su thiên nhiên từ Việt Nam, bao gồm lượng nhập khẩu từ Campuchia và Lào, được xuất khẩu. Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm 60% thị phần trong tổng lượng cao su xuất khẩu từ Việt Nam. Các thị trường khác, với lượng nhỏ hơn rất nhiều, bao gồm Ấn Độ, Malysia…Khoảng gần 20% trong tổng lượng cung, bao gồm cả từ lượng nguyên liệu nhập khẩu, được đưa vào chế biến sâu tại Việt Nam, với sản phẩm đầu ra chủ yếu bao gồm lốp xe, linh kiện ô tô, đế giày, sản phẩm thể thao và các sản phẩm khác. Các sản phẩm này được sử dụng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA – phát biểu khai mạc Hội thảo
Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA – đã chia sẻ Những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự dịch chuyển về nhu cầu của thị trường thế giới theo hướng các sản phẩm cao su bền vững. Thị trường đã đưa ra những tín hiệu rõ ràng về ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường và có trách nhiệm với cộng đồng. Các sản phẩm có chứng chỉ bền vững hứa hẹn đem lại giá trị gia tăng cao hơn và đảm bảo việc tiếp cận thị trường thế giới. Nhu cầu về cao su thiên nhiên có chứng chỉ bền vững ngày càng được ưa chuộng và mở rộng. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp cao su thiên nhiên của Việt Nam cũng phải nỗ lực thay đổi theo hướng phát triển bền vững để duy trì thị phần lâu dài và ổn định trong bối cảnh giá cao su luôn ở mức thấp trong nhiều năm qua. Việc thực hiện tốt phát triển bền vững sẽ tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng, cũng như cải thiện được năng suất và giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam.
Tại Việt Nam, từ năm 2012, Chính phủ đã đưa ra định hướng về phát triển bền vững trong Quyết định số 432/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020; Quyết định số 1393/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Tiếp đó, năm 2017, Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 419/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030; Quyết định số 622/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ đối với việc phát triển bền vững tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đến nay, sản xuất cao su bền vững vẫn còn tương đối mới mẻ với ngành cao su Việt Nam, đặc biệt là đối với một số công ty và đặc biệt đối với hàng trăm nghìn hộ cao su tiểu điền tham gia vào khâu sản xuất. Hiện tại Việt Nam chưa có chứng chỉ cao su bền vững cho cao su thiên nhiên, khiến cho giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa cao.Trước thực trạng đó, ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VRA cho biết, thời gian tới, VRA sẽ hỗ trợ và khuyến khích hội viên tuân thủ Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia. VRA cũng sẽ tích cực gia tăng nhận thức về phát triển bền vững và có trách nhiệm cũng như phổ biến các hướng dẫn về sản xuất cao su thiên nhiên bền vững cho các hội viên trong hiệp hội.
Châu Âu – thị trường còn tiềm năng
Chia sẻ tại Hội thảo “Kết nối cung cầu: Hướng tới nguồn cao su thiên nhiên bền vững tại Việt Nam” ngày 04/12, ông John Heath Giám đốc Thương mại, Phụ trách Cao su thiên nhiên của Công ty Corrie MacColl khẳng định: Hiện nay, tại châu Âu, Công ty đang phân phối mỗi tháng khoảng 500 tấn mủ nước và cao su được chứng nhận. Dù sản lượng chỉ chiếm thị phần nhỏ, nhưng tiềm năng vẫn còn rất lớn. Theo ông John Heath, thị trường châu Âu hiện đang dành nhiều sự quan tâm đến cao su có chứng chỉ FSC. Tất nhiên, sự quan tâm này không thể chuyển thành nhu cầu thực tế hay sản lượng tiêu thụ, nhưng cho đến khi có thêm nguồn cung, rất nhiều đơn vị tiêu thụ đã cam kết sẽ mua cao su có chứng chỉ FSC ngay khi sản phẩm được chứng nhận có mặt trên thị trường. Ông John Heath hy vọng sẽ có thêm 16.000 tấn cao su thiên nhiên (CSTN) được chứng nhận vào năm 2020.
Việt Nam chưa có chứng chỉ cao su bền vững
cho cao su thiên nhiên. Ảnh minh họa
Sở dĩ các doanh nghiệp nhập khẩu CSTN như Corrie MacColl quan tâm đến những sản phẩm đạt chứng chỉ FSC là do bền vững là chủ đề sôi nổi tại các quốc gia châu Âu nhiều năm nay. Riêng với ngành CSTN đồng thời cũng gây chú ý đến chính quyền, tổ chức phi chính phủ (NGOs) và người tiêu dùng, vì có thông tin tiêu cực cho rằng ngành này đang tồn tại một số vấn đề về quyền con người (chiếm đoạt đất, ngược đãi lao động nhập cư, thuê lao động trẻ em, trả lương thấp...) và về môi trường (phá rừng, gây tổn thất đa dạng sinh học...).Đây cũng là lý do việc gia tăng tham gia của luật pháp EU về lĩnh vực bền vững nhằm buộc các công ty phải chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền của châu Âu về vi phạm nhân quyền ở bất kỳ đâu trong chuỗi cung ứng CSTN, ngay cả khi vi phạm đó vượt quyền kiểm soát hoặc hiểu biết. Cụ thể ở Thụy Sĩ có sáng kiến “Konzern-verantwortungsinitiative” Sáng kiến doanh nghiệp có trách nhiệm” ràng buộc các công ty nước này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi vi phạm quyền con người hoặc có hoạt động kinh doanh gây thiệt hại đến môi trường dù ở bất kỳ đâu trên thế giới.Tại Đức cũng dự kiến sẽ sớm ban hành luật thẩm tra nhân quyền bắt buộc Luật Chuỗi cung ứng Lieferkettengesetz. Theo đó, các công ty đã đăng ký tại Đức với quy mô nhất định phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu có hành vi lạm dụng trong chuỗi cung ứng.
Ngoài áp lực từ pháp luật, sức ép ngày càng tăng và có tính cộng hưởng, đến từ tổ chức xã hội dân sự, NGOs, người tiêu dùng và phương tiện truyền thông, buộc các công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho toàn chuỗi cung ứng của họ.“Trước những yêu cầu này, nhiều công ty, bao gồm chúng tôi, chỉ có mục tiêu đơn giản là muốn “làm đúng”. Chúng tôi không muốn uy tín của mình bị gắn với với lao động trẻ em hoặc các vi phạm quyền con người khác trong chuỗi cung ứng CSTN; chúng tôi không muốn thu mua cao su từ khách hàng chặt phá rừng nhiệt đới nguyên sinh để trồng cao su” ông John Heath nêu quan điểm.
Chủ động đáp ứng các tiêu chí bền vững cho cao su
Mặc dù thị trường châu Âu được xem là có tiềm năng đối với cao su Việt Nam, tuy nhiên khả năng xâm nhập của ngành này tại châu Âu rất hạn chế. Điều này xuất phát từ nhu cầu của thị trường cần các chủng loại cao su cao cấp (SVR CV) và chủng loại SVR 10, SVR 20, đó là chưa kể doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng chứng chỉ rừng FSC.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tổng sản lượng xuất khẩu 1,1 triệu tấn cao su với giá trị 1,4 tỷ USD 9 tháng đầu năm nay, thị trường châu Âu chỉ chiếm 5,1% thị phần với sản lượng trên 57 ngàn tấn, trị giá trên 75,5 triệu USD. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là doanh nghiệp ngành ít quan tâm hơn đến thị trường châu Âu cũng như đáp ứng chứng chỉ FSC.
Trên thực tế tại Việt Nam từ nhiều năm qua ngành cao su đã có những hoạt động để thúc đẩy phát triển bền vững cho các sản phẩm từ cao su, từ đó nâng cao giá trị cao su xuất khẩu. Cụ thể, theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), ngành đã đưa ra các hoạt động như xây dựng thương hiệu ngành cao su Việt Nam; Xây dựng hướng dẫn quản lý sản xuất CSTN bền vững; Tăng cường trao đổi thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; Giới thiệu mô hình sản xuất cao su bền vững và có trách nhiệm… VRA cũng thực hiện quảng bá rộng rãi “Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” và hỗ trợ hội viên tuân thủ Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) cũng như tích cực gia tăng nhận thức về phát triển bền vững và có trách nhiệm cho doanh nghiệp.Riêng với những sản phẩm đạt chứng chỉ FSC, VRA đã khuyến cáo các hội viên một số nguyên tắc như: Tuân thủ theo pháp luật và các nguyên tắc nội bộ của FSC; Tuân thủ quyền trách nhiệm đối với với việc sử dụng và sở hữu; Mối quan hệ cộng đồng và quyền của người lao động; Các lợi ích từ rừng; Tác động về môi trường...
Về phía Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), theo ông Huỳnh Tấn Siêu Trưởng Ban Công nghiệp VRG, hiện tại VRG đang triển khai hoạt động tái kết nối hướng đến chứng chỉ rừng FSC và đã làm việc với Hội đồng Quản lý Rừng để cùng xây dựng, thực hiện Lộ trình tái kết nối trong năm 2020 2021. Bên cạnh đó, để phát triển bền vững các vùng cao su và đáp ứng yêu cầu của chứng chỉ rừng quốc tế, Tập đoàn đã cho khảo sát, điều tra diện tích có khả năng phục hồi rừng với cây bản địa và cây gỗ lớn tại các công ty cao su trong nước cũng như tại Campuchia và Lào. Tập đoàn cũng tiếp tục thực hiện đầu tư an sinh xã hội, ưu tiên cho các dự án tại Campuchia và Lào với kế hoạch phù hợp…
Mai Ca, nguồn: congthuong.vn và Nguyễn Hiền, nguồn: haiquanonline.com.vn, ngày 04/12/2020 (HV tổng hợp)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>