Tin tức >> Tin cao su trong nước

Lai Châu: Kiến nghị đầu tư nhà máy chế biến cao su đạt chuẩn xuất khẩu

18/05/2020

Năm 2020, các công ty cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu dự kiến khai thác khoảng 6.740 ha, ước sản lượng khoảng 7.500 tấn mủ quy khô.


 

Tỉnh Lai Châu đã thực hiện có hiệu quả phương thức liên kết giữa doanh nghiệp với người dân; tạo tiền đề quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá khác trên địa bàn.
Được biết, căn cứ quy hoạch phát triển cao su đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 3/6/2009, tỉnh Lai Châu đã tổ chức khảo sát, xây dựng và phê duyệt quy hoạch phát triển vùng cao su đại điền tỉnh Lai Châu đến năm 2020 tại Quyết định số 1109/QĐ-UBND ngày 22/9/2011, với định hướng quy hoạch trồng cao su khoảng 30.000 ha.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 3 công ty cổ phần cao su thuộc Tập Đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, 1 doanh nghiệp tư nhân và các hộ nông dân đầu tư phát triển cao su trong vùng quy hoạch với tổng diện tích cao su trên địa bàn tỉnh là 12.995,8 ha, trong đó, diện tích cây cao su đại điền 12.522,6 ha; diện tích cao su tiểu điền 473,2 ha.
Theo thống kê từ UBND tỉnh Lai Châu, sản lượng khai thác tăng đột biến theo thời gian, cụ thể: Năm 2016, Công ty CP Cao su Lai Châu đã mở cạo 71,1 ha, sản lượng đạt 31 tấn mủ quy khô. Đến năm 2019, các công ty đưa vào khai thác 5.057 ha, sản lượng đạt 4.871 tấn mủ quy khô. Trong năm 2020, các công ty cao su trên địa bàn dự kiến khai thác khoảng 6.740 ha, ước sản lượng khoảng 7.500 tấn mủ quy khô.
Lãnh đạo tỉnh Lai Châu nhận định, chương trình phát triển cây cao su đã góp phần tạo thu nhập ổn định cho trên 1.500 lao động với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn và chuyển đổi phương thức sản xuất từ quảng canh dựa vào tự nhiên sang sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, góp phần ổn định đời sống và sản xuất cho gần 10 nghìn hộ tái định cư các công trình thuỷ điện lớn trên địa bàn; góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nâng tỷ lệ che phủ rừng, chống xói mòn, rửa trôi đất đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất vùng hạ lưu. Mặt khác, đã thực hiện có hiệu quả phương thức liên kết giữa doanh nghiệp với người dân; tạo tiền đề quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá khác trên địa bàn.
Trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục tổ chức thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc, bảo vệ và khai thác diện tích gần 13.000 ha cao su hiện có, trong đó, mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm, định hướng những sản phẩm chủ lực, hướng tới xuất khẩu; phát triển cụm công nghiệp, các khu công nghiệp; nhiều chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, hỗ trợ hạ tầng sản xuất…
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng kiến nghị với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quan tâm sớm đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến đảm bảo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và bảo vệ môi trường để nâng thu nhập, tạo việc làm ổn định cho nhân dân trong vùng. Bên cạnh đó, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành trung ương có chính sách để khuyến khích, thúc đẩy chế biến sâu các sản phẩm cao su phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>