Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Cơ hội nào để Việt Nam hút vốn ngoại vào sản xuất ô tô điện?

06/02/2023

Trên hành trình xanh hóa ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam đang đối mặt với sức ép cạnh tranh quyết liệt đến từ các nền kinh tế trong cùng khu vực Đông Nam Á (ASEAN) như Thái Lan, Indonesia… về các chính sách ưu đãi xe điện hiện nay. 


Tín hiệu từ các doanh nghiệp nội địa
Thương hiệu ô tô thuần Việt VinFast vào những ngày cuối năm 2022 đã xuất khẩu lô ô tô điện đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ, đánh dấu bước tiến mới của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho biết bên cạnh nhóm khách hàng cá nhân, VinFast cũng nhận được sự quan tâm của nhóm khách hàng doanh nghiệp. Trong khi đó, Tập đoàn Hyundai đã tiết lộ kế hoạch lắp ráp mẫu xe thuần điện tại Việt Nam từ giữa năm nay khi liên doanh của TC Group và Hyundai khánh thành nhà máy sản xuất thứ 2 ở Ninh Bình. Nhà máy này vừa được khánh thành với công suất thiết kế 100.000 xe/năm, giúp nâng cao năng lực sản xuất của hãng tại Việt Nam lên 180.000 xe/năm. Trước khi lắp ráp xe điện, nhà máy lắp ráp thứ 2 của liên doanh này sẽ sản xuất bản hybrid của mẫu SUV Hyundai Santa Fe. Điều này cho thấy năng lực lắp ráp của nhà máy mới ở Việt Nam khi được đầu tư nhiều công nghệ hiện đại Còn Tập đoàn Geleximco vào tháng 9/2022 đã ký thỏa thuận thuê 50 ha đất, hạ tầng tại Khu công nghiệp Tiền Hải, tỉnh Thái Bình của Tổng công ty Viglacera để đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô. Theo kế hoạch của doanh nghiệp này, dự án nhà máy ô tô Geleximco có vốn 800 triệu đô la Hoa Kỳ sẽ hướng đến sản xuất dòng ô tô sử dụng nhiên liệu thân thiện trong tương lai là xe điện, xe pin nhiên liệu.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước dù quy tụ hầu hết các thương hiệu ô tô trên thế giới nhưng chiến lược phát triển xe điện của các hãng xe này ở Việt Nam chưa rõ ràng. Một số liên doanh đã bắt đầu giới thiệu các mẫu xe xanh đến người dùng trong nước nhưng còn “bỏ ngỏ” kế hoạch lắp ráp sản xuất xe điện ở Việt Nam. Các nhà nhập khẩu xe nguyên chiếc cũng đã mang xe điện đến Việt Nam phân phối nhưng khó có thể mơ việc họ sẽ lắp ráp ở Việt Nam vì những thương hiệu này chỉ nhập xe nguyên chiếc về bán.
Những cuộc đụng độ trên hành trình thu hút vốn ngoại
Bên cạnh các doanh nghiệp nội địa thì việc đầu tư sản xuất và lắp ráp ô tô điện của các nhà sản xuất ô tô thế giới sẽ giúp Việt Nam phát triển phương tiện vận tải này nhanh hơn. Tuy nhiên việc thu hút các hãng sản xuất ô tô vào thị trường gần 100 triệu dân được cho là gặp nhiều thách thức khi phải cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia. Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng nhận định Việt Nam đang nỗ lực bằng việc xây dựng chính sách ưu đãi cho người sử dụng lẫn nhà sản xuất xe điện để có thể phát triển ô tô xanh nhưng chính phủ ở các nước khác trong khu vực cũng nỗ lực không kém bằng những chính sách hấp dẫn trong khi nền tảng phát triển ô tô của họ hiện nay được đánh giá thuận lợi hoặc tốt hơn Việt Nam.
Ủy ban Đầu tư Thái Lan cho biết thời gian qua đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các công ty sản xuất xe điện và khuyến khích người dân sử dụng xe điện, với mục tiêu đến năm 2030, xe điện chiếm 30% tổng số phương tiện ở nước này. Chính phủ nước này hồi tháng 02/2022 đã thông qua gói các biện pháp ưu đãi nhằm đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng xe điện, bao gồm các chương trình giảm thuế cùng các khoản trợ cấp trong vòng ba năm. Cụ thể là, Thái Lan sẽ cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu đối với xe điện cũng như trợ giá từ 70.000 bạt (hơn 2.000 USD) tới 150.000 bạt (gần 5.000 USD) tùy theo loại và mẫu xe điện. Thái Lan cũng sẽ cắt giảm đáng kể thuế nhập khẩu đối với các bộ phận điện tử quan trọng để sản xuất xe điện như pin, động cơ kéo, máy nén, hệ thống quản lý pin, bộ điều khiển lái hay hộp số. Khoảng 40 tỉ bạt cũng sẽ được dành cho việc thúc đẩy việc sử dụng xe điện ở nước này trong khoảng thời gian từ năm 2023 – 2025. Những động thái này của Thái Lan được cho là đang nỗ lực để duy trì vị thế là trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Đáng chú ý hơn là Indonesia với lợi thế có nguồn tài nguyên niken phong phú, nguyên liệu quan trọng để sản xuất loại phương tiện vận hành này, đang nỗ lực chuyển mình trở thành trung tâm xe điện mới trong khu vực. Từng là quốc gia xuất khẩu niken hàng đầu, Indonesia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu kim loại này để đảm bảo đủ nguyên liệu cho các đơn vị đầu tư sản xuất pin ô tô. Hiện, Indonesia vẫn đang khá tích cực trong nỗ lực thu hút các khoản đầu tư vào mảng sản xuất pin và ô tô điện trong nước, nhằm tận dụng nguồn tài nguyên niken phong phú của mình. Và trên thực tế, một số hãng xe điện lớn thế giới cũng đang trong quá trình đến với đất nước đông dân nhất khu vực này. Cuối năm ngoái, nguồn tin từ Bloomberg tiết lộ Chính phủ Indonesia dự định trợ cấp 80 triệu rupiah (tương đương gần 5.300 USD) cho mỗi lần người dân mua ô tô thuần điện được lắp ráp, sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, khoản trợ cấp đối với mỗi ô tô hybrid là 40 triệu rupiah.
Phải xây dựng hạ tầng đồng bộ để ô tô điện có thể bán và
sử dụng rộng rãi hơn. Ảnh minh họa: VinFast
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, Indonesia và Thái Lan đều có chính sách ưu đãi cho người sử dụng và nhà sản xuất dòng xe điện. Trên thực tế, nền tảng hoạt động cho sản xuất ô tô của họ cũng vượt trội Việt Nam. “Việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ hai nước này của Việt Nam tăng cao qua mỗi năm đã chứng minh ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô của hai quốc gia này vượt nền kinh tế gần 100 triệu dân trong nước”, ông Đồng nhận định. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện tại chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có. Giá xe điện hiện vẫn ở ngưỡng cao so với xe xăng, dầu. Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, ở mức 15%, thấp hơn so với xe chạy xăng, dầu thông thường (35 – 50%). Mặt khác, Việt Nam hiện áp dụng các chính sách cho xe điện như: Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xuống còn 3% đến hết ngày 28/02/2027, miễn lệ phí trước bạ đến ngày cuối tháng 02/2025 và tiếp tục giảm 50% trong vòng 2 năm tiếp theo. So với xe xăng, Việt Nam đã có một số chính sách ưu đãi tích cực cho xe điện. Tuy nhiên, theo ông Đồng, so với các chính sách hỗ trợ xe điện tại các quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ, châu Âu… thì các chính sách ưu đãi của Việt Nam vẫn chưa thực sự nổi bật.
Trên thực tế thu nhập trung bình của người dân còn thấp, nếu giá của xe điện vẫn cao hơn so với dòng xe tương tự chạy xăng, mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt hoặc giảm phí là chưa đủ để đưa giá loại xe này về ngưỡng dễ chịu hơn để thu hút người tiêu dùng. Hơn nữa, để tiến tới phổ cập loại phương tiện này, thị trường xe điện Việt Nam cần thêm nhiều chính sách cho cả người mua lẫn nhà sản xuất, bên cạnh các ưu đãi về thuế, phí. Chính vì thế, sự hỗ trợ về chính sách của Chính phủ cho phát triển xe điện là rất cần thiết. Các hỗ trợ, ưu đãi về thuế, phí sẽ giúp kích cầu và ngoài ra cũng cần có chính sách hỗ trợ phát triển trạm sạc nhanh, trạm sạc tại các khu chung cư. “Để ô tô điện có thể bán, lưu hành và sử dụng rộng rãi thì cần phải xây dựng hạ tầng đồng bộ tại nhiều địa phương”, ông Đồng nói, và cho rằng: “Muốn khuyến khích doanh nghiệp xây dựng trạm sạc, Chính phủ cần có nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể hơn”. Các chuyên gia dự đoán, thị trường ô tô điện Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nếu có các chính sách khuyến khích phù hợp.

Hùng Lê, nguồn: https://thesaigontimes.vn/co-hoi-nao-de-viet-nam-hut-von-ngoai-vao-san-xuat-o-to-dien/, ngày 03/02/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>