Hoạt động >> Hỗ trợ Hội viên

Tham dự Hội thảo Giới thiệu những nội dung mới về lao động chưa thành niên trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019

10/07/2020

Ngày 12/6/2020, Văn phòng Hiệp hội đã cử đại diện tham dự Hội thảo Giới thiệu những nội dung mới về lao động chưa thành niên trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019.


Hội nghị do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức, trong khuôn khổ hợp tác với Dự án ENHANCE của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021. Bộ luật có 3 sửa đổi lớn: Một là: mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với cả người lao động (NLĐ) có quan hệ lao động và NLĐ không có quan hệ lao động, ở các khu vực chính thức và khu vực phi chính thức; Hai là, phù hợp hơn với các nguyên tắc của kinh tế thị trường; Ba là, bảo đảm phù hợp, tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, nhất là các tiêu chuẩn lao động cơ bản.
Hội nghị tập trung thảo luận 5 nhóm vấn đề mới về lao động chưa thành niên (LĐCTN) trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019. Đó là, (1) Mở rộng nhận diện LĐCTN không có quan hệ lao động, (2) Bổ sung nguyên tắc sử dụng LĐCTN, (3) Bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải tuân theo khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, (4) Quy định 1 điều mới về thời gian làm việc của người chưa thành niên, (5) Bổ sung, quy định công việc, nơi làm việc cấm sử dụng LĐCTN. Theo đó, mở rộng nhận diện LĐCTN thể hiện ở quy định độ tuổi lao động tối thiểu của NLĐ là đủ 15 tuổi, và định nghĩa NLĐ chưa thành niên là NLĐ chưa đủ 18 tuổi. Quy định này là cơ sở pháp lý cho trẻ em khi tham gia lao động. Nguyên tắc để sử dụng LĐCTN là dù có hay không có quan hệ lao động, chỉ được làm công việc phù hợp với sức khỏe và đảm bảo trí lực, thể lực, đồng thời phải có sự đồng ý của cha, mẹ/người giám hộ. Bên cạnh đó, LĐCTN còn phải được tạo cơ hội học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Ngoài ra, nếu sử dụng LĐCTN, trách nhiệm của người sử dụng LĐCTN là phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám chữa bệnh của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần. Người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh. Về thời gian làm việc của LĐCTN, Bộ luật quy định 4 giờ/ngày và 20 giờ/tuần, không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm (đối với người chưa đủ 15 tuổi); 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần, có thể làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm một số nghề theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành. Về nơi làm việc của LĐCTN, Bộ luật bổ sung thêm quy định LĐCTN không được làm ở những nơi sản xuất kinh doanh cồn, rượu bia, thuốc lá, chất tác động tinh thần/chất gây nghiện và các điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử.
Để cụ thể hóa các điều luật, Bộ trưởng sẽ ban hành 4 Thông tư quy định chi tiết về LĐCTN, trong đó quy định về một số nghề, công việc người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi được làm thêm giờ, làm việc ban đêm; Danh mục các công việc nhẹ cho người từ đủ 13 đến chưa đủ 15 tuổi được làm; Quy định việc sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc; Danh mục công việc và nơi làm việc cấm sử dụng LĐCTN. Tất cả các thông tư trên sẽ được ban hành trước ngày 15/10/2020.
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, Bộ Luật Lao động sửa đổi đã góp phần tạo khung pháp lý tốt hơn về việc làm và quan hệ lao động, cũng như các doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn các chính sách về trách nhiệm xã hội của nhiều tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt vấn đề về LĐCTN còn đang nhức nhối, để tiến đến một nền kinh tế tăng trưởng công bằng và bền vững.   
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Vân Quỳnh)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>