Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Doanh nghiệp đề xuất đầu tư khu công nghiệp ngành gỗ

27/11/2023
Gỗ là một trong những ngành sản xuất có giá trị xuất khẩu lớn với hàng ngàn doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề mặt bằng sản xuất đang là vấn đề rất khó khăn cho nhiều DN ngành gỗ ở Đồng Nai. Hiện chỉ một phần nhỏ các DN sản xuất đồ gỗ của tỉnh có nhà máy nằm trong các khu công nghiệp (KCN).

 


Thời gian qua, một số DN, Tập đoàn, Hiệp hội sản xuất gỗ đã đề xuất xây dựng các KCN chuyên ngành để giải quyết tình trạng trên, đồng thời tạo sự phát triển mới cho sản xuất đồ gỗ của tỉnh.
Thiếu khu vực lớn để quy tụ các DN sản xuất gỗ
Đồng Nai là “cái nôi” chế biến gỗ của cả nước. Điều đặc biệt so với các địa phương phát triển ngành gỗ khác là Đồng Nai có sự cân bằng giữa xuất khẩu và tiêu thụ thị trường nội địa. Dư địa phát triển ngành gỗ của tỉnh còn rất lớn, nhưng vì thiếu mặt bằng sản xuất nên vấn đề xây dựng KCN tập trung cho ngành gỗ đang được đặt ra hết sức cấp thiết. Theo Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa), chưa đến 30% DN ngành gỗ trên địa bàn tỉnh có nhà máy đặt trong KCN. Ngành gỗ đã cố gắng gắn Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng vào chuỗi tham quan, xúc tiến thương mại của các nước, tập đoàn lớn trên thế giới nhưng hiện tại Việt Nam chưa đủ quy mô tổ chức vì thiếu khu vực sản xuất tập trung quy mô lớn, chuỗi sản xuất liên ngành…
Ảnh minh họa
Căn cứ tình hình thực tiễn, Dowa cùng với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cùng Hiệp hội gỗ các tỉnh, thành trọng điểm trong cả nước mong muốn được địa phương ủng hộ đề xuất xây dựng một trung tâm sản xuất, triển lãm đồ gỗ liên vùng trên quy mô khoảng 1 ngàn ha tại huyện Xuân Lộc. Các đơn vị đã hợp tác thành lập một DN riêng để xúc tiến cho nhiệm vụ này và đang làm việc với huyện Xuân Lộc, các sở, ngành của tỉnh về các nội dung liên quan của đề xuất. Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các nhà đầu tư đề xuất dự án cần nghiên cứu kỹ chủ trương của tỉnh và các vấn đề liên quan như đất đai, quy hoạch để có phương án đề xuất hợp lý. UBND tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương liên quan sẵn sàng làm việc, phối hợp với DN để triển khai các nội dung tiếp theo một cách cụ thể.
Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Tân Mai, đơn vị chuyên trồng rừng, chế biến, sản xuất giấy, gỗ với diện tích quản lý, khai thác, sản xuất lớn ở Đồng Nai đã trình đề xuất xây dựng KCN tập trung lấy tên Mo Nang ở huyện Vĩnh Cửu. Theo đó, Tập đoàn Tân Mai đề xuất cho phép công ty nghiên cứu, thành lập một KCN quy mô hơn 200ha. Ý tưởng của chủ đầu tư là xây dựng KCN chuyên ngành gỗ phục vụ việc di dời các cơ sở chế biến gỗ tại TP. Biên Hòa và các địa phương lân cận ra khỏi khu dân cư hiện hữu. KCN sẽ được đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hình thành khu sản xuất, thương mại, dịch vụ tập trung theo mô hình chuỗi giá trị ngành gỗ. Bên cạnh nhà xưởng công nghiệp là khu nhà ở xã hội quy mô 71 ha liền kề cung cấp nhà ở và các dịch vụ tiện ích gồm: trường học, y tế, thể thao, khu vui chơi giải trí phục vụ cho chuyên gia và người lao động…
Nghiên cứu kỹ lưỡng các đề xuất
Một trong những vấn đề gặp phải hiện nay của ngành gỗ Việt Nam là mặc dù số lượng DN và giá trị xuất khẩu lớn song vẫn đang ở trình độ thấp. Nguyên nhân là đa phần các DN, cơ sở sản xuất còn ở quy mô nhỏ lẻ, việc hợp tác, liên kết với nhau chưa cao và thiếu phần tự chủ trong thiết kế kiểu dáng, mẫu mã, chủ yếu sản xuất gia công cho đối tác. Tuy nhiên, đối với Đồng Nai, theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập thì đây là tỉnh có quy mô gỗ nội địa lớn nhất trong cả nước, có chợ buôn bán gỗ tập trung duy nhất tính đến thời điểm hiện tại, do đó việc tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh cho ngành là rất cần thiết.
Tương tự, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, một trong những DN đầu đàn trong sản xuất gỗ của Việt Nam chia sẻ, Đồng Nai hội tụ các yếu tố để quy tụ nhân lực, công nghệ, mặt bằng để có thể tái cấu trúc, sắp xếp lại ngành gỗ trên phạm vi không chỉ của tỉnh mà còn của cả nước. Do đó, việc các DN phối hợp để xây dựng khu sản xuất lớn, tập trung là bước đi đầu tiên mà ngành đang nỗ lực thực hiện.
Chia sẻ với các đề xuất của DN, theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, về mặt chủ trương, tỉnh khuyến khích đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành gỗ theo hướng sinh thái, hiện đại để di dời các cơ sở sản xuất đang nằm xen trong các khu dân cư hiện nay. Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, Đồng Nai đang chuyển đổi mô hình phát triển, chỉ thu hút những ngành nghề, dự án sản xuất có công nghệ cao, có giá trị sản xuất lớn trên diện tích nhỏ. Hiện nay, tỉnh đang sắp xếp lại ngành gỗ. Do đó, ngành gỗ buộc phải chuyển đổi, sắp xếp lại theo hướng hiện đại, tạo giá trị mới góp phần thúc đẩy Đồng Nai phát triển.

Văn Gia, nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202311/doanh-nghiep-de-xuat-dau-tu-khu-cong-nghiep-nganh-go-6e35834/, ngày 23/11/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>