Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Xuất khẩu xanh: “Luật chơi” mới doanh nghiệp Việt cần nắm rõ

04/12/2023
Để không bị loại khỏi “cuộc chơi” bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các doanh nghiệp của Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.

 


Ngày 24/11/2023 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2023 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”.
Luật chơi mới về thương mại và đầu tư
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, vấn đề phát triển xanh, xuất khẩu xanh, bền vững không còn là chủ đề mới. Hiện nay, các cơ quan Chính phủ, tổ chức công và khối tư nhân trên thế giới đã đặt sự quan tâm lớn tới vấn đề liên quan tới chủ đề thương mại xanh. Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon và phát triển bền vững. “Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhìn nhận.
Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế chương trình như: Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (Carbon Border Adjustment Mechanism – CBAM); Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork); Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030… Chính vì vậy, theo Thứ trưởng, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.
Ứng phó với tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường nhập khẩu
Tại Diễn đàn, đánh giá các tác động từ xu hướng chuyển đổi xanh trong thương mại quốc tế xuất khẩu trong bối cảnh thực thi CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon), TS. Nguyễn Phương Nam, chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc (UNFCCC) cho rằng, mục tiêu của CBAM là nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến vấn đề “rò rỉ các-bon” của EU; giải quyết thách thức liên quan đến bất lợi trong khả năng cạnh tranh của một số ngành công nghiệp trong EU và đảm bảo mục tiêu phát thải ròng của EU không bị suy yếu.
Ở giai đoạn chuyển tiếp (từ tháng 10/2023 – 12/2025), 6 ngành hàng của Việt Nam sẽ chịu tác động từ CBAM, trong đó lớn nhất là sắt thép, xi măng, phân bón và nhôm, theo thiết kế chính sách, giai đoạn triển khai (2026 – 2030) sẽ loại bỏ dần phân bổ miễn phí và từ năm 2034 sẽ vận hành đầy đủ. Về cơ bản một số ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi CBAM cả trong ngắn và dài hạn. Đáng nói, không chỉ EU mà các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Canada… đã và sẽ áp dụng các quy định xanh trong xuất nhập khẩu. Do vậy, để ứng phó thích hợp với các tiêu chuẩn xanh trong xuất nhập khẩu, TS. Nguyễn Phương Nam khuyến nghị: Doanh nghiệp cần đa dạng hoá đối tác thương mại; đánh giá rủi ro và lập kế hoạch các kịch bản, xây dựng chiến lược giảm lượng các-bon; tham gia vào các dự án Bù đắp các-bon; đánh giá mức độ thâm dụng các-bon; đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ và tham gia vào các sáng kiến hợp tác công nghiệp.
Nắm chắc quy định về thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững
Nhấn mạnh tầm quan trọng của các tiêu chuẩn xanh trong mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam – EU, bà Mira Nagy, Trưởng Hợp phần, Dự án Hướng tới sự tuần hoàn (Go Circular), Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) nhận định: Việt Nam và EU là đối tác thương mại lớn, đặc biệt từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, kim ngạch thương mại hai chiều tăng rõ rệt. Một số mặt hàng của Việt Nam đang chiếm ưu thế tại thị trường EU như dệt may, da giày, thiết bị điện tử… Tuy nhiên, bà Mira Nagy cho hay, với Kế hoạch hành động phát triển nền kinh tế tuần hoàn của EU lần 2 (CEAP) nêu rõ danh sách đầy đủ các biện pháp đầy tham vọng dự kiến sẽ có tác động sâu rộng ở cấp độ toàn cầu và đối với các nước thứ ba ngoài EU, trong đó có xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, sẽ tác động đến quy trình sản xuất nguyên liệu và sơ chế, bao gồm quy trình sản xuất.
Bên cạnh đó, quy định về thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR) có thể được áp dụng cho hầu hết mọi mặt hàng trên thị trường EU. Quy định này xây dựng dựa trên các chỉ thị thiết kế sinh thái và dán nhãn năng lượng cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Để làm được điều này, bà Mira Nagy khuyến nghị, doanh nghiệp cần tham gia vào khóa đào tạo hành động khí hậu được thiết lập để giảm thiểu rủi ro môi trường tại công ty; liên hệ với bộ phận hỗ trợ kinh doanh có trách nhiệm (RBH) với tư cách là phòng “một cửa” về quy tắc ứng xử kinh doanh có trách nhiệm áp dụng các công ty trong nước.
Tạo dựng văn hoá xanh
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã xây dựng và ban hành lộ trình, kế hoạch hành động chuyển đổi xanh, tuần hoàn. Đề cập đến cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp và thương mại xanh của Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất, tiêu dùng bền vững; sử dụng hiệu quả giá trị tài nguyên, nguồn nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phổ biến và phù hợp; khai thác hiệu quả tiềm năng về đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn, tạo dựng văn hoá trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, tiến tới hình thành xã hội tuần hoàn vật chất.
Mục tiêu đến năm 2030 đó là sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu, phát triển năng lượng tái tạo; kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế phát thải tác động đến môi trường. Theo đó, một số ngành, lĩnh vực ưu tiên dựa trên đánh giá mức độ sẵn sàng, thách thức và tiềm năng để chuyển đổi xanh như: Nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến gỗ, thuỷ sản; năng lượng, khai thác khoáng sản, chế biến khoáng sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, hoá chất, quản lý chất thải, lĩnh vực hỗ trợ thực hiện kinh tế tuần hoàn… Với vai trò là cầu nối doanh nghiệp đến các thị trường xuất khẩu, theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, vì thế Bộ Công Thương đã và đang thực hiện 3 nhóm công việc cần phải làm để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng, các địa phương thực hiện.
“Chúng tôi tăng cường các hoạt động tuyên truyền của sự cần thiết chuyển đổi xanh tới cộng đồng doanh nghiệp. Đề xuất kiến nghị các chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp ngành hàng, địa phương để đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi của chuyển đổi xanh; hoàn thiện chính sách về chuyển đổi xanh trong thương mại, công nghiệp, nhằm khuyến khích các ngành hàng chuyển đổi sản xuất, đáp ứng các yêu cầu. Cuối cùng, Bộ Công Thương hướng đến nâng cao hiệu quả thực thi cơ chế chính sách về chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, ngành hàng, địa phương mà Chính phủ, các Bộ ngành đề ra”, ông Vũ Bá Phú cho hay.

Nguồn: http://tapchicaosu.vn/2023/11/28/xuat-khau-xanh-luat-choi-moi-doanh-nghiep-viet-can-nam-ro/, ngày 28/11/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>