Tin tức >> Tin cao su trong nước

Cao su Tây Nguyên nỗ lực để thích ứng trong tình hình mới

28/03/2022

Lao động ổn định và chủ động thực hiện các giải pháp kỹ thuật, các công ty khu vực Tây Nguyên được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc về hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2022.


 

Chủ động đốt lá phòng chống cháy nhằm đảm bảo
an toàn cho vườn cây vào mùa khô
Chủ động tổ chức sản xuất trong bình thường mới
Ngay những ngày đầu năm, các đơn vị khu vực Tây Nguyên đang tập trung các nguồn lực để thực hiện phun phòng bệnh phấn trắng trên vườn cây và nỗ lực thực hiện tốt công tác phòng chống cháy. Ông Trương Minh Tiến – TGĐ Cao su Mang Yang cho hay: “Kết quả của cả một vụ sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào việc giữ gìn vườn cây được an toàn trong mùa khô, phun thuốc phòng phấn trắng hiệu quả và chủ động trang bị vật tư tốt cho vườn cây khai thác. 100% người lao động (NLĐ) của công ty được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 và chuẩn bị tổ chức cho NLĐ tiêm mũi tăng cường. Bên cạnh đó, Công ty đã chủ động xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp NLĐ ở công ty, nông trường hoặc đội sản xuất bị phong tỏa tạm thời, ngừng sản xuất… nên chúng tôi tin tưởng rằng hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) sẽ không bị gián đoạn”.
Trao đổi với lãnh đạo các nông trường, tổ sản xuất của Cao su Kon Tum chúng tôi được biết, hiện nay việc phòng chống dịch COVID-19 ở các địa phương đã có sự nới lỏng, ai bị F0, F1 thì cách ly ở nhà, F2 thì vẫn đi làm bình thường. Tất cả đều có phương án, con người để thay thế những người phải cách ly. Ông Ngô Văn Mân – Phó TGĐ Cao su Kon Tum cho biết: “Hiện nay toàn công ty đang tập trung cao độ vào công tác phun phòng phấn trắng, chống cháy và công tác chuẩn bị trang bị vật tư tốt nhất cho vườn cây. Đối với vườn cây khai thác, chúng tôi tập trung phun và giữ những vườn chủ lực, có năng suất từ 1,5 tấn/ha trở lên, kể cả những vườn của các hộ nhận khoán, liên kết đều tiến hành phun và quyết tâm giữ được bộ lá xanh tốt ngay lần đầu cây ra lá”.
Theo dõi diễn biến của bệnh phấn trắng để có kế hoạch
phun phòng hiệu quả là giải pháp quan trọng
để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ
Tìm hiểu tại một số nhà máy chế biến của các công ty trên địa bàn tỉnh Gia Lai cho thấy, hoạt động chính trong thời gian này đang được đội ngũ kỹ thuật tập trung bảo trì máy, kiểm tra kỹ thuật để đảm bảo an toàn khi mùa vụ sản xuất bắt đầu. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể cũng đang nỗ lực, tích cực triển khai chương trình hành động nhằm chăm lo tinh thần và vật chất cho NLĐ đang gặp khó khăn do nghỉ cạo, do ảnh hưởng COVID-19. Theo anh Hồ Xuân Bắc – Bí thư Đoàn Cao su Mang Yang cho biết: “Hiện nhu cầu lao động toàn công ty năm 2022 khoảng 260 lao động, đến hết tháng 02/2022 công ty đã tuyển được 210 người. Mặt khác, tổ chức cho Đoàn cơ sở tiến hành rà soát, kiểm tra lại tay nghề đoàn viên để tổ chức huấn luyện, đào tạo lại”.
Ông Phạm Duy Vương – Phó TGĐ Cao su Chư Mom Ray cho hay: “Năm 2022, Công ty không phải đi tuyển lao động như các năm trước, hiện nhu cầu lao động của công ty cho cả nhà máy và vườn cây khoảng 210 lao động, đến thời điểm này chúng tôi đã tuyển dụng đủ và đang tiến hành mở 4 lớp đào tạo tay nghề cho anh chị em. Tất cả những lao động mới được tuyển dụng đều được trung tâm y tế huyện tiến hành test nhanh, kiểm tra sức khỏe và cho tự theo dõi tại nơi ở 5 ngày, sau đó mới cho đi học cạo”. Trước sự diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thời tiết các công ty không thể chủ quan, lơ là trong mọi lĩnh vực hoạt động. Tất cả đều có phương án đối phó cũng như sẵn sàng ra quân thu hoạch mủ với niềm tin sẽ tiếp tục gặt hái được những kết quả như kỳ vọng.
Nỗ lực nâng cao thu nhập cho người lao động
Chị Trần Thị Thanh – Công nhân Tổ 1 thuộc Đội sản xuất Tân Lập, Cao su Mang Yang chia sẻ: “Tôi đã đi cạo 16 năm, sau đó vườn cây thanh lý và trở thành công nhân chăm sóc 4 năm. Nay đội tiến hành mở mới vườn cây khai thác và chúng tôi được yêu cầu đi “ôn lại” tay nghề mới cho nhận vườn cây”. Đó là chia sẻ của một trong số gần 20 lao động đang được cán bộ kỹ thuật Cao su Mang Yang tổ chức huấn luyện lại tay nghề trước khi bố trí phần cây cạo.
Hầu hết các đơn vị Tây Nguyên đang nỗ lực để xây dựng đội ngũ công nhân có chất lượng, tay nghề và ý thức kỷ luật cao, nhất là chú trọng nâng cao tay nghề cho lao động đồng bào dân tộc thiểu số. Giữ chân lao động lành nghề và “trải thảm đỏ” mời gọi thanh niên đồng bào dân tộc vào làm công nhân bằng nhiều chế độ, chính sách ưu đãi như lương cao và các chế độ đãi ngộ khác khi đi làm tại dự án ở Campuchia và vùng sâu vùng xa… Đồng thời, các đơn vị chú trọng việc xây dựng và củng cố hơn nữa mối quan hệ với chính quyền địa phương các cấp, với các già làng thôn trưởng, chức sắc tôn giáo nhằm thực hiện tốt công tác dân vận, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn có cao su đứng chân.
Xác định năm 2022 vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách tuy nhiên các công ty khu vực Tây Nguyên vẫn có cơ sở để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép, đó là lao động ổn định, 100% NLĐ được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, giá mủ tăng đã tạo động lực, niềm tin để NLĐ gắn bó với vườn cây. Chính vì thế, các đơn vị đều đặt mục tiêu sẽ khai thác vượt từ 5 – 10% kế hoạch Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giao. Phát huy kết quả của năm trước, năm 2022 các đơn vị khu vực Tây Nguyên đặt mục tiêu nâng cao thu nhập cho NLĐ cao hơn năm 2021. Cụ thể, Cao su Sa Thầy phấn đấu thu nhập cho NLĐ đạt 9,5 triệu đồng/ người/tháng, Cao su Kon Tum 9,2 triệu đồng, Cao su Chư Mom Ray, Chư Păh, Chư Sê, Ea H’leo…đều nỗ lực để đạt mức thu nhập cho NLĐ từ 7,5 – 8 triệu đồng/người/tháng trở lên. Với những tín hiệu lạc quan ngay từ đầu năm, các đơn vị khu vực Tây Nguyên có cơ sở để kỳ vọng vào một năm nhiều khởi sắc.
Văn Vĩnh, nguồn: http://tapchicaosu.vn/2022/03/22/no-luc-de-thich-ung-trong-tinh-hinh-moi/, ngày 23/3/2022 (QĐ trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>