Tin tức >> Tin cao su trong nước

Cao su thiên nhiên góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu (tiếp theo)

21/03/2022

Các hoạt động dựa vào sử dụng đất như lâm nghiệp và nông nghiệp, là trọng tâm để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (Sustainable Development Goals, SDGs). Những ngành này cũng rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.


 Ảnh: Vũ Phong

Khoảng 13 triệu gia đình nông hộ nhỏ (40 triệu người) sống phụ thuộc vào việc trồng cây cao su ở vùng nhiệt đới. Các hộ sản xuất nhỏ sản xuất 90% cao su thiên nhiên (CSTN), một nguyên liệu thô chiến lược. Sự thiếu hụt CSTN sẽ dẫn đến sự gián đoạn vận tải và hàng hóa. Do đó, việc thích ứng với biến đổi khí hậu là điều bắt buộc. IRSG cùng với FTA/CIFOR, IRRDB và CIRAD đã tổ chức hội thảo để lưu trữ các kết quả nghiên cứu và khoảng trống kiến thức cũng như cung cấp thông tin về các hành động khí hậu trong lĩnh vực cao su. Bài báo này trình bày những kết quả chính thu được từ hội thảo: về tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất CSTN, các phương tiện tiềm năng thích ứng với biến đổi khí hậu và đóng góp của CSTN đối với khả năng phục hồi sinh kế.
Tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống CSTN: Hầu hết các vườn cao su hiện nay đều nằm ở những khu vực có nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26°C 28°C và lượng mưa lớn hơn 1.500 mm, với điều kiện ở các vùng biên là mát hơn hoặc khô hơn, hoặc cả hai. Theo dự báo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change, IPCC), nhiệt độ toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2°C 3°C vào năm 2050. Giới hạn khí hậu của việc trồng cao su chủ yếu được xác định bởi nhiệt độ và lượng mưa, do đó cao su hiện đang được canh tác sẽ bị ảnh hưởng khác nhau bởi sự thay đổi của khí hậu ở các khu vực khác nhau. Một số khu vực truyền thống sẽ trở nên kém thuận lợi hơn vì hạn hán, trong khi một số khu vực ven biên sẽ trở nên thuận lợi hơn do ấm lên. Biến đổi khí hậu có thể mang lại lợi ích cho sản xuất cao su trong tương lai ở các khu vực trồng ven biên hiện có khí hậu ẩm, mát hơn, như các tỉnh miền bắc Thái Lan, Lào, Vân Nam và Hải Nam của Trung Quốc, miền nam Brazil, Gabon và đông nam Cameroon. Cũng có thể mở rộng cao su lên cao độ và vĩ độ cao hơn. Những thay đổi cũng có thể có lợi cho việc trồng cao su thay thế cọ dầu ở những khu vực đang trở nên khô hạn hơn. Các nghiên cứu về sự thích nghi với điều kiện khô hạn ở các khu vực ven biên, cho thấy rằng hạn hán có thể làm chậm sự phát triển, kéo dài thời kỳ chưa trưởng thành. Tuy nhiên, lượng mưa có thể tăng lên ở một số khu vực, dẫn đến đất bị chảy và úng. Các đợt mưa thường xuyên hơn cũng làm giảm số ngày khai thác và do đó làm giảm năng suất.
Cho đến nay, người ta biết rất ít về ảnh hưởng trực tiếp của nhiệt độ cao đối với sinh lý cây cao su. Người ta còn biết ít hơn về tác động đối với năng suất trong các kịch bản biến đổi khí hậu khác nhau. Nhiệt độ cao hơn sẽ làm giảm dòng chảy mủ và do đó giảm năng suất mủ. Dòng chảy mủ sau khi cạo (đặc biệt là thời gian chảy) được liên kết với áp suất bên trong các vòng ống mủ. Cây cao su được khai thác vào ban đêm hoặc sáng sớm, khi nhiệt độ thấp và áp suất trong vòng ống mủ cao. Ngoài các vấn đề liên quan đến mô hình mưa không đều, nhiệt độ cao hơn có thể sẽ làm giảm dòng chảy mủ và do đó giảm năng suất. Nhiệt độ ban đêm dự đoán cao hơn có thể đặc biệt bất lợi. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc hiểu biết về thủy lực, điều tiết nước và các mô hình sinh trưởng của cây cao su. Thiệt hại do gió cũng là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là với sự gia tăng tần suất xuất hiện và cường độ của các cơn bão. Tỷ lệ cao gãy thân và gãy cành trong thời gian ngắn có thể gây ra thiệt hại không thể phục hồi cho vườn cây.
Biến đổi khí hậu cũng mang lại rủi ro cao hơn về sâu và bệnh hại do điều kiện ẩm ướt hơn – những thay đổi về mức độ nghiêm trọng và điển hình đã xảy ra. Nghiên cứu về sự bùng phát của bệnh rụng lá Pestalotiopsis trên cao su ở Nam Sumatra cho thấy một trong những nguyên nhân là do những mùa mưa gần đây ẩm ướt hơn và kéo dài hơn. Bệnh Pestalotiopsis được phát hiện lần đầu tiên ở Indonesia vào năm 2016 và là nguyên nhân làm giảm năng suất mủ hơn 30%. Nó cũng đã lan sang Malaysia, Thái Lan và Sri Lanka. Ngược lại, mùa khô kéo dài và bất thường do El Nino gây ra vào năm 2019 đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh. Tuy nhiên, mùa khô kéo dài cũng khiến cây sinh trưởng còi cọc, giảm sản lượng mủ.
Sự thích ứng của hệ thống cao su: Có rất nhiều kết quả hữu ích từ nghiên cứu được thực hiện trong 10 15 năm qua với những phát hiện quan trọng để thích ứng. Hai loại chiến lược bổ sung có sẵn để canh tác cao su thích ứng với biến đổi khí hậu: thực hiện các thực hành nông học thích ứng với khí hậu và phát triển các giống có năng suất cao, thích ứng với khí hậu thông qua chọn giống và chọn lọc dựa trên chỉ thị hệ gen. Một số thực hành đã được đề xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống cao su. Nên che nắng cho cây trong vườn ươm và trong 2 năm đầu trên vườn cây. Ví dụ, có thể đạt được điều này bằng cách trồng xen với chuối. Ở các khu vực biên khô hơn, có thể phủ đất để duy trì độ ẩm đất hoặc tưới tiêu cho các cây chưa trưởng thành. Duy trì lớp phủ bề mặt bằng cách cho phép một số thực vật cỏ dại tự nhiên, trồng xen với cây họ đậu hoặc để lại một phần hoặc toàn bộ sinh khối cây trong các hàng có thể giảm thiểu nước chảy, giảm xói mòn đất, tăng chất lượng đất và sự sẵn có của chất dinh dưỡng. Quản lý dinh dưỡng hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn đầu có thể có tác động tích cực mạnh mẽ đến hoạt động của vườn cao su. Có sự khác biệt rõ rệt giữa giai đoạn cây non và trưởng thành của cao su, với chất lượng đất dần dần được cải thiện trong giai đoạn trưởng thành.
Lượng mưa gia tăng có thể được giải quyết bằng cách quản lý thích ứng việc cạo mủ và sử dụng các máng chắn mưa để bảo vệ vỏ cây. Quản lý thu hoạch mủ có thể bao gồm thời gian nghỉ không cạo và cạo nhịp độ thấp, do đó giảm số ngày cạo và các chi phí liên quan, đồng thời bảo toàn năng suất hàng năm.
Nhân giống và tuyển chọn các giống có năng suất cao, kháng sâu bệnh: Một cách tiếp cận khác là phát triển giốngcó khả năng chống chịu với khí hậu, năng suất cao, kháng sâu bệnh thông qua chọn giống và chọn lọc dựa trên chỉ thị hệ gen. Ngành CSTN được thành lập trên một nền tảng di truyền rất hẹp, những cây cao su hiện trồng trên khắp châu Á, chủ yếu phát xuất từ 22 cây non do Henry Wickham thu thập ở lưu vực sông Amazon ở Brazil vào thế kỷ 19. Hạt giống từ những cây này đã trở thành yếu tố tiên phong của sản xuất cao su thương mại, đầu tiên là ở Malaysia và sau đó là ở các nước trồng cao su khác. Sau đó, các cuộc thám hiểm đến Amazon đã được thực hiện để tìm ra các nguồn gen mới nhằm mở rộng sự đa dạng di truyền và nâng cao năng suất. Mở rộng cơ sở di truyền của cao su trồng cũng mang lại cơ hội thích nghi, vì các nguồn gen hoang dã tạo thành một kho lưu trữ các gen quan tâm để nhân giống chống chịu những sang chấn do biến đổi khí hậu gây ra. Nghiên cứu gần đây ở Thái Lan cho thấy có một sự biến đổi di truyền đầy hứa hẹn giữa các dòng thương mại hiện có để chọn lọc các giống chịu hạn. Nghiên cứu có thể phát triển thêm khả năng sử dụng nguồn gen cao su để thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách sử dụng các chỉ thị SNP (đa hình nucleotide đơn) để chọn lọc di truyền mới từ các loài Hevea khác nhau như H. nitida, H. spruceana và H. brasiliensis. Việc sử dụng các công nghệ hiện đại có thể thúc đẩy quá trình tạo tuyển nhanh chóng. Hợp tác quốc tế là chìa khóa cho các trao đổi giống đa quốc gia để thử nghiệm. (Lược dịch từ báo cáo “Natural rubber contributions to mitigation of climate change” do IRSG tổng hợp từ các báo cáo trong hội thảo trực tuyến về hệ thống cao su thiên nhiên và biến đổi khí hậu vào ngày 23 – 25/6/2020. Báo cáo này sẽ được trình bày tại Đại hội Lâm nghiệp Thế giới lần thứ 15 (The XV World Forestry Congress) tổ chức vào tháng 5/2022 tại Seoul, Hàn Quốc).
(xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Anh Nghĩa, (Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam), nguồn: http://tapchicaosu.vn/2022/03/14/cao-su-thien-nhien-gop-phan-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau/, ngày 14/3/2022 (VQ trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>