Hoạt động >> Hoạt động khác

Tham gia khóa đào tạo cơ bản để trở thành chuyên gia về Hiệp định EVFTA (UKVFTA) và các FTA thế hệ mới

07/11/2024
 

Từ ngày 08 – 12/10/2024, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đã tham gia khóa đào tạo cơ bản để trở thành chuyên gia về Hiệp định EVFTA (UKVFTA) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới dành cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành hàng do Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương thuộc Bộ Công Thương tổ chức. Khóa đào tạo tháng 10/2024 tại TP.HCM có sự tham gia của 42 học viên là đại diện các cơ quan quản lý, DN, hiệp hội ngành hàng, các viện, trường, trung tâm trên địa bàn TP.HCM và nhiều tỉnh, thành lân cận. 


Thông qua khóa đào tạo, các hiệp hội, DN nắm được các thông tin cập nhật, các đầu mối, quy trình kết nối, từ đó chủ động hoạch định chiến lược, kế hoạch kinh doanh theo hướng gia tăng giá trị, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam tại các thị trường FTA thế hệ mới, cũng như sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh trên thực tế tại các thị trường này trong quá trình tận dụng các FTA thế hệ mới. Đồng thời giúp các giảng viên, nhà nghiên cứu tại các Viện, Trường cập nhật kiến thức phục vụ nhu cầu công việc giảng dạy cũng như công tác nghiên cứu về các FTA thế hệ mới của Việt Nam.
Thông tin chung về FTA
Theo Bà Nguyễn Sơn Trà – Trưởng phòng WTO và đàm phán thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương chia sẻ, tính đến tháng 9/2024, đã có 373 FTA hiệu lực giai đoạn 1975 – 2024.Nguyên nhân chính dẫn tới gia tăng số lượng FTA đến từ hệ thống thương mại đa biên bị đình trệ, khó đạt được đồng thuận giữa 166 nước thành viên và các nước không muốn bị tụt hậu, bị phân biệt đối xử. Đến năm 2023, Việt Nam đã có 15 Hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực, trong đó gồm có 3 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA). Các FTA thế hệ mới cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 100% biểu thuế và có cam kết về nguyên tắc không áp dụng thuế xuất khẩu.
Sau nhiều năm thực hiện các FTA, Việt Nam đã ghi nhận những kết quả tích cực, các DN có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu, cải thiện cán cân thương mại, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá hối đoái và các chỉ số vĩ mô khác. Đồng thời, DN Việt Nam có cơ hội mở rộng phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh; người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận hàng hóa và dịch vụ chất lượng, giá thành hợp lý, góp phần nâng cao vị thế của đất nước. DN, Hiệp hội, Trường, Viện, cơ quan liên quan, có thể chủ động tìm hiểu thêm thông qua truy cập cổng thông tin điện tử chính thức về các FTA của Việt Nam tại https://fta.gov.vn/. Trang web bổ sung thêm tính năng tra cứu cam kết về hàng hóa và dịch vụ trong các FTA.
Phòng vệ thương mại trong FTA
Bà Nguyễn Thị Thúy – Phòng Xử lý Phòng vệ thương mại (PVTM) nước ngoài, Cục PVTM – Bộ Công Thương cho biết, tính đến tháng 6/2024, Việt Nam đã phải đối mặt với 252 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường với đa dạng các mặt hàng. Các biện pháp PVTM bao gồm: chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ, áp dụng với đối tượng là hàng nhập khẩu. Trong 3 biện pháp PVTM, biện pháp chống bán phá giá và biện pháp chống trợ cấp là biện pháp PVTM có thể được gia hạn với số lần không xác định. Theo bà Thúy, để chuẩn bị ứng phó các vụ việc PVTM, các DN cần chủ động theo dõi bản tin cảnh báo sớm của Cục PVTM hoặc nhờ bạn hàng theo dõi tình hình thị trường nước bạn. Các vụ việc điều tra PVTM mang tính chất hành chính, vì vậy khi một DN bị khởi tố điều tra cần bình tĩnh và tìm phương hướng giải quyết. Một số bước ứng phó với các biện pháp PVTM mà một DN sẽ phải thực hiện như tham vấn tiền khởi xướng, trả lời bảng câu hỏi điều tra, chuẩn bị tài liệu thẩm tra, chuẩn bị tài liệu phản biện kết luận điều tra chính thức.
Xúc tiến thương mại trong FTA
Theo Ths. Nguyễn Thị Thu Thuỷ – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại (XTTM) – Bộ Công Thương, các hoạt động XTTM giúp phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo lợi thế cạnh tranh. Một số hoạt động XTTM điển hình được triển khai như đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ DN trong hoạt động XTTM; nghiên cứu, phát triển thị trường và sản phẩm; tổ chức, hướng dẫn và hỗ trợ DN tham gia hội chợ, triển lãm thương mại; tổ chức đoàn XTTM, khảo sát thị trường, giao thương, kết nối cung cầu… Khi có nhu cầu XTTM vào một thị trường mới, DN cần xây dựng kế hoạch marketing rõ ràng, đặc biệt cần phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức về những khía cạnh như thị trường, đối thủ cạnh tranh và năng lực của DN. Ngoài ra, việc định giá và tính chi phí xuất khẩu cũng là 2 yếu tố không thể bỏ qua.
Sở hữu trí tuệ trong FTA
Bà Đỗ Thị Hạnh – Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, vấn đề sở hữu trí tuệ, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý, được đánh giá là một trong những vấn đề khó đàm phán nhất trong EVFTA vì EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ hàng đầu thế giới, do đó có nhu cầu tăng cường bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ. EU cũng có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền sở hữu trí tuệ này. Về phía Việt Nam, thông qua Hiệp định này, các DN, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận các sản phẩm sở hữu trí tuệ phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, khoa học, xã hội với chi phí thấp nhất có thể.
Vấn đề lao động trong một FTA
Sau khi bị đưa ra khỏi chương trình nghị sự thương mại toàn cầu từ Hội nghị Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Seattle từ năm 1999, các yếu tố về lao động đã bất ngờ quay trở lại và dần hiện diện trong các bản FTA gần đây là do quan niệm người lao động (NLĐ) là người trực tiếp làm ra sản phẩm ngày càng được đề cao. Việc nâng cao chất lượng lao động sẽ giúp tận dụng cơ hội và giảm thiểu thách thức từ các FTA thế hệ mới. Việc hiểu rõ các “luật chơi” về lao động trong quá trình tham gia sâu vào thương mại toàn cầu sẽ giúp cho Việt Nam xử lý, điều chỉnh các chính sách vĩ mô cũng như vi mô cho phù hợp để chủ động hội nhập, tận dụng được các ưu đãi của các FTA, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của DN và của NLĐ.
Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 05/7/2020. Mục tiêu Việt Nam đặt ra khi tham gia vào Công ước này nhằm tạo nền tảng thiết yếu cho quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, đóng góp cho công cuộc phát triển bền vững bằng cách trao quyền cho NLĐ và người sử dụng lao động tự tìm ra các giải pháp thông qua đàm phán tự nguyện.
Ở góc độ DN, do các cam kết về lao động của Việt Nam cơ bản đã được nội luật hóa xong, các DN chỉ cần tập trung thực hiện tốt pháp luật của Việt Nam. Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện những hoạt động trách nhiệm xã hội của DN (CSR), nhất là thực hiện các bộ quy tắc đã giúp DN phát triển tốt trong thời gian qua. Ngoài ra, DN nên tìm hiểu luật về thẩm định chuỗi cung ứng (due diligence law) của các nước nếu đó đang hoặc có thể sẽ là thị trường tiềm năng của DN. Đồng thời, trao đổi với đối tác bạn hàng để triển khai các hoạt động cụ thể tại doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của luật.
Văn phòng HHCSVN (Thanh Ngân)


  



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>