Tin tức >> Chính sách có liên quan

Điểm tin Văn bản pháp luật mới ban hành

11/04/2018

 Phạt đến 20 triệu đồng nếu lập không đủ các báo cáo tài chính

Đây là điểm nổi bật tại Nghị định 41/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập. 
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp lập không đầy đủ các báo cáo tài chính sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

 Ngoài ra, mức phạt đối với tổ chức khi thực hiện các hành vi vi phạm trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính có một số thay đổi cụ thể như sau:

- Không lập báo cáo tài chính theo quy định: phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu (hiện nay mức phạt là 10 triệu đến 20 triệu).
- Thông tin, số liệu công khai báo cáo tài chính sai sự thật: phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu (hiện nay mức phạt từ 40 đến 60 triệu).
- Giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính: phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu (hiện nay phạt tiền lên đến 60 triệu).
Xem nội dung chi tiết tại Nghị định 41/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/5/2018).
Hướng dẫn mới về khoản chi không được trừ khi tính thuế TNDN
Đây là nội dung nổi bật được đề cập tại Thông tư 25/2018/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 146/2017/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung Thông tư 78/2014/TT-BTC, Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định về các khoản chi được trừ, không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), cụ thể:
- Bổ sung thêm các khoản trích khấu hao tài sản cố định không được trừ đối với trường hợp doanh nghiệp nhận chuyển nhượng (một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp).
- Khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động vượt định mức quy định hoặc không ghi cụ thể điều kiện được hưởng trong hồ sơ sẽ không được trừ khi tính thuế TNDN.
- Tăng mức chi được trừ khi tính thuế TNDN đối với các khoản trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động,… lên tối đa 03 triệu đồng/tháng/người; nhưng phải đảm bảo yêu cầu sau: 
+ Được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
+ Doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về nghĩa vụ bắt buộc cho người lao động (kể cả trường hợp nợ tiền bảo hiểm bắt buộc);
Thông tư 25/2018/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2018.
Thay đổi điều kiện cấp bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ
Chính phủ ban hành Nghị định 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng (Quỹ BLTD) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, quy định mới về điều kiện cấp BLTD như sau:
- Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay.
- Dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh được Quỹ BLTD thẩm định và quyết định bảo lãnh theo quy định của Nghị định này.
- Có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% (quy định cũ tối thiểu 15%) tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh tại thời điểm Quỹ BLTD thẩm định để xem xét cấp bảo lãnh.
- Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, doanh nghiệp không có các khoản nợ thuế từ 01 năm trở lên.
Trường hợp nợ thuế do nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp phải có xác nhận của cơ quan quản lý thuế trực tiếp.
- Có biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.
Như vậy, quy định mới này đã bỏ yêu cầu đối tượng được bảo lãnh phải có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại TCTD tối thiểu bằng 15% giá trị khoản vay.
Nghị định 34/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 08/3/2018 và thay thế Quyết định 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013.
03 trường hợp phải giải ngân vốn cho vay không dùng tiền mặt
Thông tư 21/2017/TT-NHNN quy định phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng được ban hành ngày 29/12/2017.

Theo đó, bắt buộc phải giải ngân vốn vay theo phương thức không dùng tiền mặt vào tài khoản thanh toán (TKTT) của khách hàng (KH) trong các trường hợp:
- KH thanh toán, chi trả (TT) cho các mục đích sử dụng vốn vay mà pháp luật quy định phải thực hiện thông qua TKTT;
- KH là bên thụ hưởng có TKTT tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã ứng vốn tự có để TT các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phục vụ đời sống được TCTD cho vay quyết định cho vay;
- KH trực tiếp TT tiền mua sản phẩm nông nghiệp từ cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hộ kinh doanh và tổ hợp tác có hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) trên địa bàn nông thôn để SXKD, phù hợp với mục đích vay.
Thông tư 21/2017/TT-NHNN có hiệu lực 02/4/2018.
Sửa đổi một số hướng dẫn về thu nhập chịu thuế TNCN 2018
Đây là nội dung đáng chú ý được đề cập tại Thông tư 25/2018/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành vào ngày 16/3/2018.
Theo đó, sửa đổi hướng dẫn liên quan đến thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.
Cụ thể, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân, bao gồm:
- Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán. 
- Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật chứng khoán và Điều 120 của Luật doanh nghiệp.
Như vậy, so với hướng dẫn hiện hành tại Thông tư 111/2013/TT-BTC thì Thông tư 25/2018 dẫn chiếu cụ thể đến quy định tại “khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán”, “Điều 6 của Luật chứng khoán”, “Điều 120 của Luật doanh nghiệp”.
Đồng thời, cụm “…thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần” được sửa đổi thành “…Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ phần…”.
Thông tư 25/2018/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2018.
Đảng đề ra 07 mục tiêu phát triển công nghiệp đến năm 2030
Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2030 phát triển công nghiệp sẽ đạt được 07 mục tiêu, cụ thể như sau:
- Tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%, trong đó công nghiệp chế tạo đạt trên 20%;
- Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%;
- Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm;
- Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm;
- Chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN;
- Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%;
- Xây dựng được một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Xem thêm tại Nghị quyết số 23-NQ/TW (được ký ban hành vào ngày 22/3/2018).
Ban hành 24 biểu mẫu mới về hoạt động hòa giải thương mại
Ngày 26/02/2018, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 02/2018/TT-BTP hướng dẫn một số biểu mẫu về tổ chức và hoạt động hòa giải thương mại.
Theo đó, ban hành 24 biểu mẫu trong hoạt động hòa giải thương mại, đơn cử như:
- Giấy đề nghị đăng ký làm hòa giải viên thương mại vụ việc;
- Giấy đề nghị thành lập Trung tâm hòa giải thương mại;
- Giấy đề nghị bổ sung hoạt động hòa giải thương mại cho Trung tâm trọng tài;
- Sổ theo dõi hoạt động hòa giải thương mại;
- Sổ theo dõi hòa giải viên thương mại;
- Sổ theo dõi thù lao hòa giải thương mại…
Ngoài ra, Thông tư còn đưa ra quy định về chế độ báo cáo hoạt động hòa giải thương mại như sau:
- Hàng năm, tổ chức hòa giải thương mại, chi nhánh, văn phòng đại diện tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại VN thực hiện việc báo cáo về tổ chức và hoạt động hòa giải thương mại cho Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở.
- Báo cáo năm được tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12, trong đó:
+ Số liệu thực tế được lấy từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/10;
+ Số liệu ước tính được lấy từ ngày 01/11 đến hết ngày 31/12.
- Thời hạn gửi báo cáo trước ngày 15/11 hàng năm.
Thông tư 02/2018/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 20/4/2018.
Xem chi tiết tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Nghi-dinh-24-2018-ND-CP-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-trong-linh-vuc-lao-dong-359065.aspx?ac=emailss
Hướng dẫn mới về cách xác định xuất xứ hàng hóa
Ngày 03/4/2018, Bộ Công Thương ban hànhThông tư 05/2018/TT-BCT quy định về xuất xứ hàng hóa.
Theo đó, nguyên tắc chung để xác định xuất xứ hàng hóa là hàng hóa có xuất xứ tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện quy trình sản xuất cuối cùng làm thay đổi cơ bản hàng hóa đó.
Cụ thể, việc xác định xuất xứ hàng hóa sẽ dựa vào quy tắc xuất xứ hàng hóa ưu đãi và hàng hóa không ưu đãi được quy định cụ thể tại Điều 5, 6 Thông tư này.
Ngoài ra, thương nhân đề nghị cấp C/O thực hiện việc kê khai, cam kết xuất xứ hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí xuất xứ ưu đãi hoặc tiêu chí xuất xứ không ưu đãi theo các mẫu ban hành kèm theo phụ lục II, III, IV, V, VI, VII, VIII, IX Thông tư này.
Trường hợp thương nhân đề nghị cấp C/O không phải là nhà sản xuất thì có trách nhiệm yêu cầu nhà sản xuất kê khai, cam kết theo những mẫu nêu trên.
Thông tư 05/2018/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Văn phòng Hiệp cao su Việt Nam (Danh Võ) tổng hợp


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>