Trung Quốc dẫn đầu dự án đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần
Báo cáo Hoạt động của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành Gỗ năm 2024 – sản phẩm hợp tác của Nhóm nghiên cứu thuộc Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) và các Hội Gỗ địa phương vừa công bố cho thấy bức tranh toàn cảnh về FDI ngành Gỗ. Năm 2025, ngành gỗ Việt Nam tiếp tục chứng kiến làn sóng chuyển dịch đầu tư giữa các khu vực và quốc gia trên thế giới với vai trò ngày càng tăng của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi các nhà sản xuất tìm cách phân tán rủi ro và nắm bắt cơ hội tại các thị trường mới.
Trong số 61 dự án đầu tư mới, Trung Quốc
có 25 dự án. Ảnh minh họa: ITN
Theo Báo cáo, tính đến hết năm 2024, số dự án FDI đầu tư mới tăng 7% về số lượng và 73,2% về số vốn đầu tư so với năm 2023, tương tự số lượt góp vốn mua cổ phần tăng 27,8% về số lượt góp vốn và giảm nhẹ 0,5% về số vốn góp, trong khi số dự án điều chỉnh vốn và số vốn điều chỉnh tăng mạnh lần lượt ở mức 34,4% về số lượt và 143,4% về số vốn điều chỉnh. Đáng chú ý, năm 2024 các DN đến từ Trung Quốc đang dẫn đầu về số dự án đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần.Theo đó, trong tổng số 16 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư 61 dự án mới thì Trung Quốc có 25 dự án với vốn đầu tư 185,3 triệu USD, chiếm 41% về số dự án và chiếm 35,7% về tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ, tập trung vào chế biến gỗ, mặt hàng giường tủ, bàn, ghế, sofa,… Đài Bắc (Trung Quốc) có 5 dự án mới, với số vốn 129,62 triệu USD, chiếm 8,3% về số dự án và 24,9% về tổng vốn đầu tư. Năm 2024, các dự án có 46 lượt góp vốn mua cổ phần, đạt 139,1 triệu USD về số vốn góp, tăng 27,8% về số lượng và giảm 0,5% về số vốn so với năm 2023.
Về góp vốn mua cổ phần, năm 2024 các dự án có 46 lượt góp vốn mua cổ phần, đạt 139,1 triệu USD về số vốn góp, tăng 27,8% về số lượng và giảm 0,5% về số vốn so với năm 2023. Trong tổng số 17 quốc gia/vùng lãnh thổ có các dự án góp vốn mua cổ phần trong ngành gỗ, Trung Quốc có 19 lượt góp vốn mua cổ phần với số vốn góp đạt 20,2 triệu USD; Đài Bắc (Trung Quốc) có 7 lượt với số vốn góp đạt trên 75,84 triệu USD; Hồng Kông (Trung Quốc) có 2 lượt, với số vốn góp đạt 25 triệu USD.Về điều chỉnh vốn, năm 2024, số lượt điều chỉnh vốn là 47 lượt, với số vốn điều chỉnh đạt 139,35 triệu USD tăng 34,3% về số lượt và 143,4% về số vốn so với năm 2023. Trong số 14 quốc gia/ vùng lãnh thổ điều chỉnh vốn đầu tư vào các dự án ngành gỗ, Trung Quốc chỉ đứng sau Singapore với 11 lượt điều chỉnh vốn, với số vốn tăng đạt 31,72 triệu USD (Singapore có 10 lượt điều chỉnh vốn, với số vốn tăng 34,2 triệu USD). Theo nhận định của các chuyên gia ngành gỗ, sự gia tăng mạnh trong các hoạt động đầu tư của các DN FDI cho thấy định vị ngày càng tăng của ngành gỗ Việt Nam, nhất là ảnh hưởng của các chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ 4 năm tới.
Bình Dương dẫn đầu về thu hút và xuất khẩu của khu vực FDI
Mặc dù trong những năm gần đây có các địa phương mới nổi lên trong thu hút đầu tư vào ngành gỗ như Bình Phước, nhưng Bình Dương vẫn là tỉnh dẫn đầu về thu hút đầu tư khối FDI cũng như giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ trên cả nước. Năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của tỉnh này đạt gần 6,6 tỷ USD, tăng 23,9% so với năm 2023, chiếm 41,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, gồm: khối DN FDI (4,68 tỷ USD, chiếm 71%) và DN nội địa (1,91 tỷ USD, chiếm 29,9%).
Doanh nghiệp FDI chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành
Cũng theo Báo cáo được công bố, năm 2024, trong số trên 4.200 DN xuất khẩu trực tiếp gỗ và sản phẩm gỗ đạt trị giá 15,89 tỷ USD, thì khu vực FDI có 777 DN tham gia, chiếm 18,5% số lượng, nhưng kim ngạch xuất khẩu đạt 7,67 tỷ USD, chiếm tới 48,3% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của các DN FDI có vốn đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Quần đảo Virgin thuộc Anh, Singapore và Nhật Bản vẫn dẫn đầu. Tổng kim ngạch xuất khẩu của các DN FDI thuộc 5 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên đạt 5,87 tỷ USD, chiếm 76,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của khối FDI, gồm: Trung Quốc (2,78 tỷ USD, tăng 34,4%, chiếm 36,3%), Đài Bắc (Trung Quốc) (1,14 tỷ USD, tăng 18,8%, chiếm 14,9%), Quần đảo Virgin (1,03 tỷ USD, tăng 17,1%, chiếm 13,5%).
Về thị trường xuất khẩu, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã xuất khẩu sang 168 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các DN FDI sang 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, thị trường xuất khẩu chính của khối DN FDI tập trung ở 5 thị trường chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc. Giá trị xuất khẩu của các DN FDI sang 5 thị trường này trong năm 2024 đạt 7,05 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch gỗ vừa sản phẩm gỗ của các DN FDI.Theo chuyên gia Forest Trends, trong bối cảnh chiến tranh thương mại ngày càng leo thang từ các chính sách thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ của Chính phủ mới cũng như các chính sách “trả đũa” tương ứng hay “có đi có lại” của các đối tác thương mại, xu hướng gia tăng các dự án FDI vào ngành gỗ Việt là khó có thể tránh khỏi sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn xen lẫn những thách thức, nguy cơ tiềm tàng đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam phải hợp tác chặt chẽ giữa hai khối DN FDI và DN Việt.
FDI từ Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực nào?
25 dự án do Trung Quốc đầu tư mới vào ngành gỗ năm 2024, chủ yếu tập trung đầu tư vào lĩnh vực sau: 17 dự án về chế biến gỗ, đầu tư vào sản xuất mặt hàng giường tủ, bàn, ghế, sofa..., với vốn đầu tư 134,79 triệu USD, chiếm 72,7% tổng vốn đầu tư FDI Trung Quốc vào ngành gỗ; 1 dự án đầu tư vào sản xuất các sản phẩm từ gỗ, phục vụ sản xuất ván sàn gỗ với vốn đầu tư 27,2 triệu USD, chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư FDI Trung Quốc; 2 dự án sản xuất các vật liệu bằng gỗ phục vụ cho thanh nẹp, cầu thang, đồ gỗ dùng trong xây dựng với vốn đầu tư 17,5 triệu USD, chiếm 9,4%; 3 dự án đầu tư vào thương mại buôn bán sản phẩm đồ gỗ với tổng vốn đầu tư 3,21 triệu USD, chiếm 1,7%; 1 dự án sản xuất pallet gỗ với số vốn đầu tư 2,5 triệu USD, chiếm 1,3% tổng vốn FDI Trung Quốc đầu tư vào ngành gỗ; 1 dự án đầu tư vào sản xuất đồ chơi bằng gỗ với vốn 0,1 triệu USD.
Đề xuất giãn thuế đối với sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Hoa Kỳ
Cho đến thời điểm này, chưa có động thái cụ thể nào từ phía Hoa Kỳ liên quan trực tiếp đến việc tăng các mức thuế nhập khẩu đối với đồ gỗ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Tuy vậy, theo ông Ngô Sỹ Hoà – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, trong văn bản mới đây gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, VIFOREST đề xuất các bộ “Khẩn trương xem xét và hành động kịp thời để giãn thuế suất đối với sản phẩm gỗ (đồ gỗ) nhập khẩu từ Hoa Kỳ nhằm tránh thuế đối ứng đối 25%, có hiệu lực từ 02/4”.
Lý do của đề nghị giảm thuế trực tiếp này xuất phát từ Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2024 khoảng 9,05 tỉ USD (chiếm 54,2% tổng giá trị xuất khẩu của gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam và chiếm 37% tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ). Các sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ thuộc nhóm sản phẩm tinh chế (đồ mộc nội ngoại thất) với thuế suất 0%. Còn ở chiều nhập khẩu từ Hoa Kỳ, năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 323,7 triệu USD gỗ và các sản phẩm gỗ, trong đó 300 triệu USD chủ yếu là gỗ nguyên liệu (gỗ tròn và gỗ xẻ) với mức thuế suất là 0%. Nhưng hơn 23 triệu USD nhập khẩu còn lại là một số sản phẩm đồ gỗ, hiện Việt Nam đang áp thuế suất 20 – 25%. Xuất phát từ cán cân xuất – nhập khẩu với phía Hoa Kỳ chênh lệch như trên, VIFOREST đề nghị các bộ có hành động kịp thời như giảm thuế đối với sản phẩm gỗ (đồ gỗ) nhập khẩu từ Hoa Kỳ) nhằm bảo vệ giá trị xuất khẩu 9 tỉ USD, nếu phía Hoa Kỳ áp thuế 25%.
.png)
L.Nhi, Thanh Thanh, nguồn: https://thesaigontimes.vn/nganh-go-va-nhom-viet-nam-phan-ung-ra-sao-voi-thue-doi-ung, https://nhadautu.vn/thay-gi-qua-buc-tranh-fdi-nganh-go-d94271.html, ngày 05, 09/3/2025 (HG & HV trích dẫn)