Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 30/5/2025, Ủy ban Quản lý quốc tế Nam Phi (ITAC – Cơ quan điều tra Phòng vệ thương mại của Nam Phi) đăng Công báo về Kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh (CLT) thuế chống bán phá giá đối với lốp xe ô tô, xe buýt và xe tải có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, ngày 20/9/2024, ITAC đã khởi xướng điều tra vụ việc theo đề nghị của nguyên đơn – Hiệp hội các nhà sản xuất lốp xe Nam Phi. Hàng hóa bị điều tra: lốp xe ô-tô, xe buýt và xe tải thuộc mã HS 4011.10.01, 4011.10.03, 4011.10.05, 4011.10.07, 4011.10.09, 4011.20.16, 4011.20.18 và 4011.20.26. Thời kỳ điều tra chống bán phá giá từ 01/11/2022 - 31/5/2024; thời kỳ điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá từ 01/8/2022 – 31/7/2024.
.png)
Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong quá trình điều tra, có 6 doanh nghiệp Việt Nam gửi phản hồi bản câu hỏi ban đầu, song chỉ 3 doanh nghiệp tiếp tục nộp thông tin bổ sung theo yêu cầu từ ITAC. Trong đó, hai doanh nghiệp đã được ITAC tiến hành thẩm tra tại chỗ vào tháng 2/2025. Ngành công nghiệp lốp xe của Liên minh Thuế quan Nam Phi (SACU) – bao gồm Nam Phi, Botswana, Lesotho, Eswatini và Namibia – được xác định là ngành chịu thiệt hại trong vụ việc. Căn cứ vào số liệu nhập khẩu, ITAC nhận định có sự thay đổi đáng kể trong mô hình thương mại giữa Trung Quốc, Việt Nam và khu vực SACU. Cụ thể, lượng nhập khẩu từ Trung Quốc sụt giảm trong khi lượng từ Việt Nam tăng mạnh giai đoạn 2021–2024. Nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 6% tổng khối lượng vào SACU, đứng thứ hai sau Thái Lan. Theo ITAC, điều này đã làm suy giảm hiệu lực của biện pháp chống bán phá giá đang áp dụng với Trung Quốc. Kết luận sơ bộ cho thấy Việt Nam có hành vi bán phá giá, với biên độ lên tới 78,9%.
Trong số ba doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, hai công ty được ITAC xác định không có hành vi lẩn tránh do không liên quan đến vụ việc điều tra ban đầu với Trung Quốc. Một doanh nghiệp còn lại bị áp thuế tạm thời ở mức 8,78%. Các doanh nghiệp không cung cấp đầy đủ thông tin bị áp mức thuế toàn quốc tương đương Trung Quốc là 41,47%. Tại Thông báo Kết luận sơ bộ, ITAC đã quyết định áp thuế chống lẩn tránh thuế tạm thời đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng bị điều tra của Việt Nam do có tình trạng doanh nghiệp Nam Phi chịu thiệt hại trong thời kỳ điều tra. Mức thuế tạm thời sẽ được áp dụng trong thời gian 6 tháng cho đến khi có Kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra này. Trong vòng 14 ngày kể từ ngày đăng Công báo về Kết luật sơ bộ, các doanh nghiệp có thể gửi Bình luận bằng văn bản đối với Kết luận sơ bộ của ITAC. Tuy nhiên, các bên không phản hồi đầy đủ và đúng thời hạn trong các giai đoạn đầu của cuộc điều tra sẽ phải nêu rõ lý do và thuyết phục ITAC về việc vì cần phải xem xét bình luận của họ. ITAC sẽ tiếp tục điều tra và ban hành Kết luận cuối cùng dự kiến vào tháng 9/2025. Sau đó, Cơ quan điều tra Nam Phi sẽ trình Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp để xem xét áp dụng biện pháp chống lẩn tránh chính thức.
Nhằm tiếp tục xử lý các giai đoạn tiếp theo của vụ việc, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung Kết luận sơ bộ của ITAC, gửi bình luận bằng văn bản tới ITAC nếu cần thiết; theo dõi chặt chẽ diễn biến vụ việc và hợp tác đầy đủ với ITAC trong giai đoạn điều tra tiếp theo. Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Nam Phi sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống lẩn tránh cao cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nghiên cứu trước việc đề nghị ITAC rà soát để điều chỉnh mức thuế chống lẩn tránh trong tương lai trong trường hợp muốn duy trì xuất khẩu vào khối SACU. Mặt khác, thường xuyên phối hợp, cập nhật thông tin cho Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời; chủ động đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu để tránh bị ảnh hưởng trong trường hợp vụ việc dẫn tới kết luận cuối cùng áp thuế cho doanh nghiệp.