Với hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động vì quyền lợi của các hộ tiểu điền và các đơn vị quản lý rừng ở Đông Nam Á, Chương trình chứng nhận rừng (PEFC) – thành viên mới của Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG) và đơn vị ủng hộ sự thành lập của Nền tảng toàn cầu về cao su thiên nhiên bền vững (GPSNR) – hiện đang thúc đẩy cam kết mạnh mẽ hơn đối với phát triển bền vững trong sản xuất cao su nhằm giúp ngành cao su toàn cầu phục hồi tốt hơn hậu đại dịch COVID-19 và phát triển phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững trong nhiều năm tiếp theo.
Với mục tiêu trên, ngày 07/7/2021, PEFC đã tổ chức Sự kiện trực tuyến Khởi động Chiến dịch Hỗ trợ cao su bền vững với sự tham gia từ các chuyên gia trong ngành, với các nội dung thảo luận nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của cao su bền vững. Chiến dịch này được triển khai nhằm tăng cường sự hiện diện của PEFC trong ngành cao su đối với 2 sản phẩm chính bao gồm cao su thiên nhiên (CSTN) và gỗ cao su, thông qua các hoạt động: Xây dựng, nâng cao độ nhận biết, mức độ tham gia và nhu cầu về chứng chỉ PEFC; Đa dạng hóa các cơ hội mới và mở rộng cơ hội hiện có cho ngành; Tăng cường khả năng hiển thị của PEFC và quy trình chứng nhận sản phẩm.
Ông Richard Laity, Quản lý khu vực Đông Nam Á của PEFC, cho biết, PEFC đã tìm hiểu về những thách thức của hộ tiểu điền trồng cao su. Bên cạnh việc duy trì thu nhập, các hộ tiểu điền còn phải đối mặt với trở ngại do giá cả và biên lợi nhuận biến động; thiếu kỹ năng kinh doanh; năng suất cây cao su thấp. Đây cũng là đối tượng khá tách biệt khỏi quy trình cung ứng do thiếu tiếp xúc với bên mua và sử dụng sản phẩm khai thác từ vườn cao su. Ông Richard cũng chia sẻ về phương thức mà PEFC có thể đồng hành cùng các bên liên quan trong ngành để tìm ra giải pháp cho các thách thức trong chuỗi cung ứng. Bằng cách đáp ứng các quy chuẩn để đạt chứng chỉ Quản lý rừng PEFC, năng suất vườn cây có thể được cải thiện nhờ quản lý theo hướng bảo vệ rừng, đảm bảo lợi ích về xã hội và kinh tế. Đối với doanh nghiệp, việc tuân thủ và đạt chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất theo hướng bền vững, hợp pháp, minh bạch về truy xuất nguồn gốc. Điều này cũng giúp doanh nghiệp đảm bảo an toàn, lợi ích của người lao động. PEFC cũng đang phát triển các chứng nhận mà hộ tiểu điền có thể đạt được một cách dễ dàng và thuận lợi hơn. PEFC là một đối tác chiến lược cung cấp khuôn khổ cho việc xây dựng năng lực và phát triển các tiêu chuẩn cho chứng nhận Thương mại rừng bền vững tại khu vực hạ lưu sông Mê Kông do Chương trình hợp tác Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng của Liên hợp quốc (UN-REDD) và Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (Norad) triển khai. PEFC cũng đang triển khai Chứng nhận nhóm và Chứng nhận Cây không thuộc rừng (Trees outside Forests – ToF). Chứng nhận ToF được cấp tại các quốc gia nơi các vườn cao su không được chỉ định là rừng, là một khuôn khổ cái tiến để chứng chỉ Quản lý rừng PEFC trở nên thiết thực hơn với các hệ thống sản xuất cao su.
Ông Richard Laity cũng chia sẻ về tình hình các sản phẩm đạt chứng chỉ PEFC trong khu vực như sau:
Sản phẩm
|
Quốc gia
|
Diện tích/DN
|
Sản lượng/Thị trường
|
CSTN được chứng nhận
|
Việt Nam
|
50.000 ha
|
70.000 tấn
|
Gỗ cao su được chứng nhận
|
Việt Nam
|
50.000 ha
|
300.000 m3
|
Malaysia
|
18.000 ha
|
Từ năm 2030 trở đi
|
Nguồn cung được kiểm soát
|
Malaysia
Thái Lan
Việt Nam
|
Nhiều công ty dùng chứng nhận PEFC cho gỗ cao su; một số công ty dùng chứng nhận PEFC cho CSTN
|
Thị trường châu Âu
|
Số liệu tính đến tháng 6/2021 của PEFC
Sự kiện cũng bao gồm phiên thảo luận với chủ đề “Làm cách nào để các bên trong ngành cao su có thể tận dụng chứng nhận như một công cụ?” và những câu hỏi về định hướng phát triển bền vững, các hành động có thể được triển khai trong tương lai.
Bà Pimjai Leeissaranukul, Chủ tịch điều hành của Công ty đại chúng Cao su Inoue (IRC) tại Thái Lan đã chia sẻ các hoạt động của IRC trong quá trình hợp tác với tiểu điền. Được thúc đẩy bởi yêu cầu của các đối tác sản xuất sản phẩm cao su và quy định về bảo vệ môi trường, IRC đã hỗ trợ việc sản xuất cao su tiểu điền bền vững tại miền Nam Thái Lan. Với sự trợ giúp từ IRC, sản phẩm của các hộ tham gia dự án đã đạt chứng chỉ ISO; năng suất và chất lượng tăng; sinh kế của hộ cũng được đảm bảo. IRC được hưởng lợi khi có được nguồn cung cao su bền vững. Kết hợp với các hoạt động giáo dục người tiêu dùng, công ty nhận được sự tin cậy ngày càng gia tăng của các đối tác và thương hiệu lớn. Quan trọng hơn hết là hoạt động sản xuất từ dự án này không ảnh hưởng tới rừng và môi trường.
Ông Salvatore Pinizzotto, Tổng Thư ký IRSG chia sẻ, phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu; và các chứng nhận bền vững không chỉ nên được xem là công cụ tạo yếu tố cạnh tranh, giúp đạt được mức giá tốt hơn; mà nên được xem là một bước để tiến lên trên hành trình này. Không có một giải pháp chung cho bài toán về bền vững; bởi mỗi quốc gia, mỗi khu vực đều có nhu cầu và đặc điểm khác nhau. Doanh nghiệp cần hợp tác với tiểu điền, mạng lưới trung gian (như thương lái, đại lý) và chính quyền để mở rộng mạng lưới thông tin; thúc đẩy tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc. Tuy là một chặng đường dài, nhưng với việc đặt mục tiêu theo từng bước, các bên liên quan trong ngành sẽ dần đạt được sự bền vững trong sản xuất và phát triển.
Văn phòng HHCSVN tổng hợp (Hương Giang)