Hoạt động >> Hoạt động khác

Hội thảo “Công bố báo cáo thường niên ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam

07/03/2019

 Chiều ngày 21/2, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kết hợp với các tổ chức nghiên cứu về rừng tổ chức Hội thảo: "Công bố báo cáo thường niên ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam". Hội thảo sẽ là tiền để cho Diễn đàn Ngành công nghiệp chế biến, XK gỗ, lâm sản diễn ra ngày mai (22/2).


 Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2018 được đánh dấu là một năm thành công rực rỡ của ngành chế biến gỗ XK của Việt Nam. Kim ngạch XK các mặt hàng gỗ của Việt Nam đạt 8,476 tỉ USD, tăng 14,5% (tương đương 1,07 tỉ USD) so với năm 2017.

Ngành gỗ đang có những bước chuyển dịch tích cực ở khâu nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, nhập khẩu gỗ nguyên liệu "sạch" tăng, gỗ có nguồn gốc rủi ro giảm. Tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào Việt Nam năm 2018 đạt 2,34 tỉ USD, tăng 7,6% so với 2017. Ba nhóm mặt hàng nhập khẩu quan trọng nhất bao gồm gỗ tròn, gỗ xẻ và các loại ván. Năm 2018, giá trị nhập khẩu 3 nhóm mặt hàng này khoảng 2,2 tỉ USD, chiếm gần 93,6% trong tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu tất cả các mặt hàng gỗ nhập vào Việt Nam trong cùng năm.
Mặc dù đang tăng trưởng mạnh, nhưng ngành chế biến gỗ vẫn còn một số tồn tại cản trở sự phát triển bền vững. Các yếu tố tạo nên sự chưa bền vững của ngành thể hiện trên các khía cạnh về chủng loại mặt hàng XK và nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào trong sản phẩm XK. Việt Nam tiếp tục XK gỗ tròn và gỗ xẻ trong bối cảnh ngành đang phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu, điều đó cho thấy các động lực trong nước vẫn chưa đủ mạnh để giữ lại nguồn nguyên liệu này phục vụ chế biến sâu. Ngoài ra, một số doanh nghiệp (DN) trong ngành vẫn đang tiếp tục XK một số loài gỗ xẻ là gỗ rừng nhiệt đới được nhập khẩu từ các quốc gia có nền quản trị rừng yếu kém.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Chính phủ Việt Nam ký FLEGT VPA với EU tạo cơ hội mở rộng XK. Tuy nhiên, XK sẽ chỉ bền vững khi các rủi ro hiện tại về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào trong chuỗi cung ứng được loại bỏ hoàn toàn.
Ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho biết, nhìn chung, các sản phẩm XK của Việt Nam vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc đáp ứng tốt các quy định về tính hợp pháp của sản phẩm. Mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất vào các thị trường này thường được làm từ gỗ keo, cao su, là gỗ rừng trồng trong nước và từ gỗ nhập khẩu từ các nguồn cung sạch.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện còn tồn tại các rủi ro về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào trong một số chuỗi cung XK đi các thị trường khác, và đặc biệt trong chuỗi cung gỗ cho tiêu dùng nội địa. Các rủi ro này hình thành do việc duy trì sử dụng các loài gỗ tự nhiên, bao gồm một số loại gỗ quý được nhập khẩu từ các quốc gia có nền quản trị rừng yếu kém. Tuy lượng nhập khẩu các loài gỗ từ nguồn rủi ro giảm, trong 15 quốc gia cung gỗ tròn lớn nhất cho Việt Nam năm 2018 có 7 quốc gia có nền quản trị rừng yếu kém. Lượng cung từ 7 quốc gia này lên tới 0,94 triệu m3, tương đương 40% tổng lượng gỗ tròn nhập khẩu vào Việt Nam trong năm. Ngoài ra, khoảng 64% lượng gỗ xẻ XK từ Việt Nam là các loài gỗ quý có nguồn gốc nhập khẩu từ nguồn rủi ro cao.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo ra những lợi thế cho Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường, tuy nhiên đã có bằng chứng về gian lận thương mại với Việt Nam là quốc gia trung chuyển, cũng như nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp từ sự bùng nổ làn sóng đầu tư, và điều này có thể dẫn đến các tác động tiêu cực đến ngành gỗ Việt Nam.
Năm 2019 sẽ chứng kiến việc Vương quốc Anh tách ra khỏi EU. Sẽ không có nhiều biến động trong việc XK các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào thị trường này. Sự gia tăng đột biến một số mặt hàng gỗ XK sang Mỹ từ Việt Nam có thể làm phát sinh những cuộc điều tra mới của Chính phủ Mỹ về gian lận thương mại, thậm chí là chống bán phá giá và trợ cấp trong năm 2018. Bên cạnh các dự báo trên, vấn đề mấu chốt vẫn là kiểm soát chặt chẽ tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, về chiến lược dài hạn, ngành gỗ Việt Nam cần thay đổi để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Thay đổi cần đi theo hướng chuyển đổi từ các sản phẩm thô sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Tăng trưởng không nên chỉ chú trọng vào mở rộng về kim ngạch thông qua việc gia tăng lượng XK. Đã đến lúc ngành cần chú trọng thúc đẩy tăng trưởng về chất lượng. Điều này đòi hỏi ngành cần có sự thay đổi đồng bộ trong tất cả các khâu khác nhau của chuỗi cung, đặc biệt  trong các khâu như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển mẫu mã thiết kế, xây dựng hình ảnh, thương hiệu.
Ông Nguyễn Tôn Quyền nhấn mạnh, việc thay đổi cần tiến hành ngay và bây giờ. Đây không chỉ đơn thuần là trách nhiệm của bản thân DN mà cần phải có môi trường thể chế thông thoáng, tạo điều kiện cho các bên liên quan phát huy hết tiềm năng và hiệu quả của mình. Chính phủ cũng cần tập trung ưu tiên đầu tư vào các khâu như đào tạo tay nghề, xúc tiến thương mại, kết nối các khâu trong chuỗi cung theo hướng tạo sự chuyển đổi đột phá trong mô hình phát triển.
Ông Tô Xuân Phúc nhấn mạnh, việc kiểm soát chặt chẽ tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, đặc biệt nguyên liệu từ các nguồn rủi ro cao. Để làm được điều này Chính phủ cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu nhập khẩu. Chính phủ phối hợp với các cơ quan chức năng của các quốc gia cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam nhằm tiếp cận với các thông tin về gỗ nhập khẩu. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản cần thu thập thông tin từ các DN nhập khẩu về thực trạng của nguồn cung gỗ nguyên liệu đầu vào, chia sẻ các thông tin này với cộng đồng DN ngành gỗ, các cơ quan quản lý, và khuyến khích các DN nhập khẩu thực hiện trách nhiệm giải trình nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng gỗ sạch.
Theo bản tin “Đầu tư nước ngoài trong ngành gỗ Việt Nam: Bức tranh thực trạng”, dự án FDI đầu tiên trong ngành gỗ xuất hiện năm 1989. Nhưng phải từ những năm 2000 cho đến gần đây thì số doanh nghiệp FDI trong ngành này mới thực sự tăng trưởng mạnh. Tính đến hết năm 2018, tổng số dự án FDI đăng kí trong ngành gỗ là 984. Có tới 117 doanh nghiệp đã đóng cửa, nhưng số doanh nghiệp còn lại đang hoạt độnglà867. Tổng số vốn đầu tư đăng kí của các doanh nghiệp đến hết năm 2018 là khoảng 5,5 tỷ USD. Tuy có sự đa dạng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, song các doanh nghiệp FDI vẫn chủ yếu hoạt động trong mảng chế biến đồ gỗ xuất khẩu, tiếp đến là mảng công nghiệp phụ trợ và sản xuất ván. Trong số 867 doanh nghiệp FDI iện đang hoạt động chỉ có 61% (529 doanh nghiệp) trực tiếp có hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên theo đánh giá của Bản tin, điểm đáng chú ý trong đầu tư FDI của ngành gỗ, là có sự mất cân đối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa.
Cụ thể, ngay trong năm 2018, trong tổng số 3.200 doanh nghiệp ngành gỗ trực tiếp có các hoạt động xuất khẩu với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 8,47 tỷ USD, số doanh nghiệp FDI là 529, chiếm gần 20% trong tổng số doanh nghiệp xuất khẩu và kim ngạch gần 4 tỷ USD, chiếm gần 47% trong tổng kim ngạch. Trong khi đó, trên 80% số doanh nghiệp Việt Nam lại chỉ chiếm khoảng 53% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Một số chuyên gia nêu quan điểm, động lực mở rộng đầu tư FDI trong ngành gỗ vẫn đang được duy trì. Tuy nhiên, trong thời gian tới, kỳ vọng đặt ra là Chính phủ sẽ thực sự có những thay đổi về các cơ chế chính sách về thu hút vốn đầu tư FDI, để thu hút đầu tư về công nghệ cao, lao động chất lượng, nhấn mạnh vào hiệu quả giá trị gia tăng của vốn đầu tư…
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam tổng hợp (Hồng Vân)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>