1. Đối với ngành hàng cao su thiên nhiên
Về chế biến:
- Giữ ổn định diện tích cao su ở mức 900.000 – 950.000 ha. Phát triển cao su mang tính bền vững, tự nhiên. Sử dụng giống cây cao su vừa lấy mủ vừa lấy gỗ phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ. Giảm tỷ lệ sản phẩm SVR 3L và tăng tỷ lệ SVR CV50, 60 (đối với cao su đại điền), chuyển đổi SVR 3L sang RSS và SVR 10, 20 (cao su tiểu điền).
- Khuyến khích đầu tư phát triển trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ cao su trong mối liên kết chuỗi để hình thành những tập đoàn, doanh nghiệp cao su tiên tiến, hiện đại, cụ thể:
- Đầu tư, nâng công suất chế biến cao su mủ quy khô đạt 1,2 – 1,5 triệu tấn/năm;
- Đầu tư cơ sở chế biến cao su sơ chế thành các sản phẩm cao su công nghiệp (săm lốp, găng tay, đệm mút...); thiết bị sấy theo công nghệ sấy bằng sóng cao tần;
- Dự án đầu tư xây dựng phòng phân tích, kiểm chứng chất lượng cao su thiên nhiên đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Về thị trường:
- Phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ANRPC để điều tiết lượng cung cao su thiên nhiên phù hợp với nhu cầu tăng trưởng của thế giới, hạn chế thấp nhất rủi ro về sự sụt giá giao dịch trên thị trường toàn cầu.
- Tiếp tục duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Đa dạng hóa thị trường, mở rộng sang các thị trường tiềm năng, nhất là Nhật Bản.
2. Đối với ngành hàng gỗ
Về chế biến
- Đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu: Đẩy mạnh việc trồng rừng nguyên liệu gõ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững để đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu hợp pháp, chất lượng cao, đảm bảo đủ cho công nghiệp chế biến gỗ.
- Thiết kế và chuyển giao các mẫu sản phẩm đồ gỗ mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, tiết kiệm nguyên liệu, tạo ra thương hiệu riêng biệt cho sản phẩm gỗ Việt Nam.
- Áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa để giảm chi phí lao động, tiết kiệm và tận dụng nguyên liệu đưa vào chế biến, đồng thời tạo ra độ đồng đều và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
- Đầu tư các nhà máy chế biến gỗ có công nghệ tiên tiến và công suất phù hợp với từng vùng nguyên liệu rừng trồng. Khuyến khích đầu tư phát triển trồng rừng, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gỗ trong mối liên kết chuỗi để hình thành những tập đoàn, doanh nghiệp chế biến gỗ tiên tiến, hiện đại. Cụ thể:
- Đầu tư nhà máy sản xuất ván sợi MDF có công suất từ 120.000 m3/năm trở lên.
- Dự án sử dụng phế phụ phẩm từ chế biến gỗ, sản xuất keo dán gỗ và phụ kiện cho công nghiệp chế biến gỗ.
Về thị trường:
- Hợp tác, liên kết doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài tạo ra những sản phẩm nội với chất lượng ngoại, đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.
- Xây dựng hệ thống thông tin điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến gỗ về thông tin thị trường, các quy định pháp lý về gỗ hợp pháp của các quốc gia; tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng như: Úc, Nga, Canada, Ấn Độ, châu Phi và Nam Mỹ.
- Đẩy nhanh việc ký kết, phê chuẩn và thực hiện các thỏa thuận song phương và đa phương về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ với các nước nhập khẩu.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 16/01/2019. Vui lòng xem nội dung hoàn chỉnh tại website Hiệp hội, mục Thông tin – Văn bản pháp quy.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (tổng hợp)