Ông Lê Thanh Hưng, Chủ tịch VRA, chủ trì cuộc họp
Tại cuộc họp, ông Võ Hoàng An – Tổng Thư ký Hiệp hội – đã báo cáo tổng kết hoạt động năm 2024 và Kế hoạch năm 2025 của VRA. Một trong những kết quả nổi bật trong năm qua của VRA là phối hợp với tổ chức Forest Trends tổ chức Hội thảo: “Chuỗi cung ngành cao su Việt Nam: Chuẩn bị để đáp ứng quy định chống phá rừng châu Âu” vào ngày 17/5/2024 tại TP.HCM nhằm góp phần giúp các doanh nghiệp ngành cao su chuẩn bị đáp ứng với các yêu cầu của EUDR. Ngoài ra, VRA tiếp tục phối hợp với Forest Trends và một số tổ chức khác (Oxfam, Hiệp hội Cao su Lào, Viện Môi trường toàn cầu) đồng tổ chức Hội thảo “Hướng tới sản xuất, thương mại và đầu tư cao su bền vững tại khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc” vào ngày 14 - 15/11/2024 tại Lào nhằm chia sẻ thông tin và tăng cường kết nối giữa các quốc gia sản xuất cao su về phát triển bền vững và đầu tư có trách nhiệm. Nổi bật là, VRA đã thực hiện thành công các chương trình Xúc tiến thương mại cấp quốc gia năm 2024, bao gồm tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại thị trường Úc và New Zealand do ông Trương Minh Trung – Phó Chủ tịch VRA làm Trưởng đoàn và triển khai công tác tổ chức chuỗi sự kiện gồm: Hội thảo chuyên ngành cao su, Hội nghị quốc tế kết hợp Họp mặt Doanh nhân Cao su Việt Nam (VRA Anuual Dinner).
Về phương hướng kế hoạch năm 2025, VRA đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể là: Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng các chương trình đa dạng, hiệu quả, tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các hoạt động hỗ trợ Hội viên; Đẩy mạnh công tác phát triển Hội viên; tăng cường kết nối, thăm hỏi trao đổi nhằm nắm bắt tình hình khó khăn của đơn vị; Đẩy mạnh công tác kiến nghị chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho Hội viên; Tiếp tục tăng cường kết nối, quan hệ Bộ, ngành; Phối hợp thực hiện bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho Hội viên; Phát triển Thương hiệu ngành cao su Việt Nam thông qua việc cấp và quản lý sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”; Thực hiện đề xuất giải pháp quản lý và nâng cao chất lượng cao su Việt Nam, tham gia góp ý các dự thảo tiêu chuẩn cơ sở và quốc gia; Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin, số liệu và tham gia đóng góp ý kiến với các nước và tổ chức cao su quốc tế; Tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế; Tổ chức các đoàn khảo sát thị trường.
Bà Nguyễn Thị Kiều Nương – Giám đốc Quỹ BHXKCS – đã trình bày Báo cáo hoạt động năm 2024 và kế hoạch tài chính năm 2025 của Quỹ BHXKCS. Theo đó, trong năm 2024, Quỹ đã chi hỗ trợ tài chính cho các đơn vị thành viên, với tổng số tiền trên 21,7 tỷ đồng với các nội dung: Hỗ trợ 30% chi phí thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại ngành; Hỗ trợ 30% phí sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận; Hỗ trợ một phần lãi suất vay vốn ngân hàng phục vụ cho tái đầu tư, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh xuất khẩu cao su; Hỗ trợ một phần chi phí ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chế biến cao su; Hỗ trợ một phần chi phí xử lý dịch bệnh hại nặng lan rộng trên vườn cây cao su; Hỗ trợ một phần thiệt hại vườn cây cao su do thiên tai nắng hạn gay gắt kéo dài trong những tháng đầu năm 2024.
Trong cuộc họp, Quỹ BHXKCS đề xuất mức thu kinh phí đóng góp Quỹ từ các đơn vị Thành viên năm 2025 vẫn giữ mức thu bằng năm 2024; Dự toán hỗ trợ Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam một phần chi phí thực hiện công tác nghiên cứu phát triển giống cây cao su năm 2025; Dự toán hỗ trợ đơn vị Thành viên trong hoạt động XTTM năm 2025; Dự toán hỗ trợ đơn vị Thành viên một phần chi phí ứng dụng KHKT vào sản xuất chế biến cao su năm 2025; Phương án hỗ trợ Thành viên một phần chi phí thực hiện các chương trình chứng nhận về phát triển sản xuất kinh doanh bền vững.
Quang cảnh cuộc họp
Các đại biểu tham dự họp đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến về tình hình và kế hoạch hoạt động của VRA. Ông Nguyễn Viết Tượng - Phó Chủ tịch VRA, cho biết: Năm 2025, cần tổ chức Hội nghị Hội viên tại các khu vực miền Trung – Tây Nguyên và miền núi phía Bắc; mở rộng đối tượng hội viên. Về chính sách, cần tiếp tục kiến nghị giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong 2023 - 2024; bổ sung kiến nghị với Chính phủ để minh bạch chuỗi cung ứng và tránh rủi ro pháp lý khi việc quản lý nguồn mủ từ Lào, Campuchia về Việt Nam chưa chặt chẽ. Về nhãn hiệu, cần khảo sát hiệu quả sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”, điều chỉnh quy chế quản lý và tiêu chuẩn theo xu hướng thị trường. Ông Huỳnh Văn Bảo - Phó Chủ tịch VRA cho biết: Tuy VRA đã đề xuất kiến nghị lên Bộ ngành nhưng thực trạng chính sách vẫn chưa được tháo gỡ. Trong thời gian tới, VRA vẫn sẽ tiếp tục cố gắng kiến nghị, phản ánh xử lý các vướng mắc của Hội viên. Ủng hộ cao kế hoạch năm 2025 của Quỹ BHXKCS, hỗ trợ các chương trình phát triển bền vững, nghiên cứu giống, lưu ý chi phù hợp và đúng quy định. Cần tìm cách hỗ trợ Hội viên kịp thời, xác đáng đúng với chức năng của Quỹ để tiếp tục xây dựng và nuôi dưỡng nguồn thu cho Quỹ sau này.
Kết luận cuộc họp, ông Lê Thanh Hưng – Chủ tịch VRA, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ BHXKCS – đã nhấn mạnh các định hướng trọng tâm cho năm 2025 của VRA và Quỹ BHXKCS. Hiệp hội sẽ tiếp tục rà soát những bất cập trong cơ chế chính sách và kiến nghị gửi đến các bộ, ngành chưa được xử lý, đồng thời xây dựng chính sách liên quan đến phát triển bền vững và EUDR. Về hoàn thuế GTGT, VRA sẽ tổng hợp ý kiến của tất cả hội viên để tác động đến Tổng cục thuế. Ngoài ra, Hiệp hội sẽ triển khai các công tác phát triển bền vững, tăng cường làm việc với các tổ chức quốc tế và bộ ngành để nắm bắt thông tin kịp thời, hỗ trợ hội viên vượt qua khó khăn trong việc đáp ứng EUDR. Cuối cùng, VRA sẽ đề xuất với bộ, ngành về việc xem xét mức xét khen thưởng doanh nghiệp xuất khẩu uy tín phù hợp với từng ngành nghề.
Ngoài ra, các vấn đề về hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ mặt hàng cao su; chuỗi cung ứng sản phẩm; khảo sát đánh giá lại nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”; điều chỉnh lại các quy định tiêu chí phù hợp với bộ tiêu chí đánh giá về chứng nhận nhãn hiệu “Cao su Việt Nam”, VRA cần ghi nhận quá trình phát sinh thực tế, nghiên cứu lại, có thông báo kết luận trình Ban Chấp hành để tiếp tục thực hiện và có những hoạt động phù hợp với các quy chế đặc biệt là đánh giá nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”. Đối với Quỹ BHXKCS, tiếp tục thực hiện các công tác hỗ trợ tài chính hiệu quả và kịp thời cho các Thành viên; nghiên cứu trên cơ sở ý kiến của cuộc họp rà soát lại, kêu gọi thêm các doanh nghiệp có xuất khẩu cùng tham gia, đồng thời rà soát lại và có báo cáo xin ý kiến để phù hợp với quy định, nếu cơ chế cho phép thì nghiên cứu, nếu chưa thì dự thảo và xin ý kiến.
Văn phòng HHCSVN (Diệu Bùi)