Hoạt động

KỲ HỌP LẦN 1 NĂM 2018 CỦA BAN CHẤP HÀNH, BAN KIỂM TRA HIỆP HỘI CAO SU VIỆT NAM VÀ HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ QUỸ BẢO HIỂM XUẤT KHẨU CAO SU

08/06/2018

 Ngày 16/5/2018, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã tổ chức cuộc họp lần 1 năm 2018 của Ban Chấp hành(BCH), Ban Kiểm tra (BKT) Hiệp hội và Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu cao su (HĐQL Quỹ). 


 Cuộc họp có sự tham dự của 23/30 thành viên BCH,BKT, HĐQL Quỹ; 6 đại biểu của Hội đồng thẩm định Nhãn hiệu chứng nhận; Ban Tư vấn phát triển ngành cao su (Ban Tư vấn). Cán bộ Văn phòng Hiệp hội và Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu cao su (Quỹ BHXKCS) đã có mặt để hỗ trợ công tác tổ chức cuộc họp và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, công việc.

Tại cuộc họp, Ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội, Giám đốc Quỹ BHXKCS – đã trình bày tóm tắt báo cáo hoạt động năm 2017 và kế hoạch năm 2018 của Hiệp hộivà Quỹ BHXKCS. Năm 2017, Hiệp hội đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch đề ra. Một số kết quả nổi bật như đề cử Bộ Công thương xét chọn danh hiệu “Doanh nghiệp Xuất khẩu uy tín năm 2017” cho 18 Hội viên; Tổ chức Đoàn giao dịch thương mại tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và Ý thuộc chương trình XTTM quốc gia với sự tham gia của 14 đại biểu thuộc 12 đơn vị; Tổ chức thành công Họp mặt Doanh nhân Cao su Việt Nam tại Đà Nẵng với sự tham dự của trên 800 đại biểu trong và ngoài nước; Phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) tổ chức thành công Hội nghị Cao su thường niên và các cuộc họp của ANRPC với chủ đề “Tái cơ cấu chuỗi giá trị nhằm phục hồi sản xuất ngành cao su”; Thực hiện tốt công tác cung cấp thông tin cho cơ quan Bộ, ngành và Hội viên, đặc biệt lần đầu tiên Hiệp hội tổng hợp, biên soạn ấn phẩm Số liệu thống kê cao su Việt Nam từ năm 2007-2017, dự kiến phát hành trong quý 2/2018.
Về công tác xây dựng và phát triển thương hiệu ngành, Hiệp hội đã đăng ký bảo hộ thành công Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” tại thị trường Trung Quốc, bên cạnh Đài Loan và Ấn Độ. Điều này đem lại thuận lợi cho việc sử dụng Nhãn hiệu này đối với Hội viên các sản phẩm cao su xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam. Đến 31/12/2017, có 59 sản phẩm của 24 nhà máy thuộc 13 Hội viên được Hiệp hội cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu Cao su Việt Nam. Công tác Quảng bá các Hội viên đã được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận cũng được triển khai tích cực trên các ấn phẩm Hiệp hội và tại các sự kiện mà Hiệp hội tổ chức hoặc tham gia.
Một kết quả nổi bật trong năm 2017 về hoạt động quản lý chất lượng cao su thiên nhiên là Hiệp hội đã tổ chức Hội thảo “Nhu cầu cao su thiên nhiên của các nhà sản xuất lốp xe hiện nay” nhằm đánh giá nhu cầu thực tế của thị trường tiêu thụ nội địa và chia sẻ kinh nghiệm về thực trạng sản xuất, quản lý chế biến và tiêu chuẩn chất lượng cao su thiên nhiên, qua đó, thảo luận về giải pháp quản lý và nâng cao chất lượng mủ cao su nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu các nhà tiêu thụ trong nước. Hội thảo này sẽ là tiền đề cho các hoạt động kết nối Hội viên sản xuất và tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị cho chuỗi cung ứng cao su Việt Nam trong năm 2018.
Trong năm 2017, Hiệp hội đẩy mạnh công tác phát triển bền vững thông qua phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước có uy tín thực hiện khảo sát doanh nghiệp, tổ chức hội thảo chuyên đề, tham gia góp ý vào các đề án, kết nối doanh nghiệp với các dự án triển khai mô hình và tăng nguồn lực cho phát triển bền vững.
Năm 2018, bên cạnh việc duy trì hiệu quả những hoạt động thường xuyên, Hiệp hội tiếp tục thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm như sau:
- Phát triển Thương hiệu ngành cao su Việt Nam thông qua Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” thông qua việc mở rộng đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận tại Hoa Kỳ, Lào, Campuchia và nghiên cứu thủ tục cấp quyền sử dụng NHCN đối với các Hội viên tại Lào và Campuchia; Nghiên cứu điều chỉnh các điều khoản, tiêu chí của Quy chế và Quy trình thẩm định quyền sử dụng NHCN; Đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá.
- Nghiên cứu và đề xuất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phối hợp với Hiệp hội, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam để quản lý chất lượng cao su thiên nhiên; xây dựng Dự án “Cao su thiên nhiên Việt Nam chất lượng cao” đưa vào Chương trình sản phẩm quốc gia.
- Hợp tác với các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước để thực hiện phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam; xây dựng tài liệu hướng dẫn quản lý rừng trồng cao su bền vững theo chứng chỉ rừng quốc tế; Đề xuất Bộ ngành thành lập Ban Điều phối ngành hàng cao su.
- Tăng cường kết nối Bộ, ngành nhằm đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho Hội viên thông qua cải thiện chính sách; tận dụng hiệu quả các điều kiện ưu đãi thuế quan trong các FTA; tích cực tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các hoạt động hỗ trợ Hội viên của Hiệp hội.
- Quan hệ hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin, số liệu và tham gia đóng góp ý kiến với các nước và tổ chức cao su quốc tế; Phối hợp chặt chẽ thực hiện vai trò Chủ tịch ANRPC của Việt Nam trong nhiệm kỳ 2017 – 2018;
Về hoạt động của Quỹ BHXKCS trong năm 2017, dù tiếp tục không thu kinh phí đóng góp từ các đơn vị thành viên nhưng Quỹ vẫn thực hiện tốt chức năng hỗ trợ chi phí tài chính trong lúc khó khăn do thiên tai, dịch bệnh và lỗ kinh doanh, bên cạnh đó hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại ngành, mở rộng mục đích sử dụng Quỹ để hỗ trợ một phần lãi suất vay vốn ngân hàng cho các đơn vị thành viên trong tái đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất và đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến cao su. Ngoài ra, Quỹ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các hoạt động Hiệp hội, đặc biệt là hỗ trợ cho chương trình xây dựng Thương hiệu Cao su Việt Nam và quan hệ hợp tác quốc tế. Năm 2017, Quỹ BHXKCS đã được Bộ Tài chính, Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Hiệp hội và các Thành viên thống nhất bổ sung mục đích sử dụng Quỹ trong Quy chế quản lý tài chính: Hỗ trợ Thành viên một phần chi phí trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chế biến cao su; một phần chi phí đào tạo, tập huấn, tư vấn, kiểm định… trong việc áp dụng các giải pháp quản trị tiên tiến để đạt các chứng nhận về chất lượng sản phẩm, phát triển SXKD bền vững; Hỗ trợ các trường hợp khác theo quy định của Điều lệ Hiệp hội và pháp luật hiện hành. Đây là một bước tiến quan trọng của Quỹ BHXKCS nhằm tích cực hỗ trợ Thành viên trong bối cảnh ngành cao su còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian sắp tới. Năm 2018, Quỹ BHXKCS sẽ tập trung vào công tác hỗ trợ tài chính cho hoạt động Xúc tiến thương mại của các thành viên tự tổ chức, đặc biệt thực hiện phương án hỗ trợ thành viên một phần chi phí về kỹ thuật, chuyển giao kỹ thuật, giải pháp trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến cao su theo quy định.
BCH, BKT Hiệp hội và HĐQL Quỹ đánh giá cao kết quả hoạt động năm 2017 của Hiệp hội và Quỹ BHXKCS, đồng thời đóng góp ý kiến định hướng hoạt động cho năm 2018. Cụ thể là, đối với việc đề xuất tháo gỡ khó khăn cho Hội viên thông qua cải thiện chính sách và các điều kiện ưu đãi, Hiệp hội nên tổ chức các hội thảo chuyên đề, đối thoại với Bộ ngành sẽ đạt hiệu quả hơn; Nghiên cứu, nắm bắt và phổ biến những thông tin về ứng dụng khoa học kỹ thuật như cơ giới hóa nhằm mục đích giảm công lao động, tăng năng suất; Tích cực kết nối Hội viên chế biến và Hội viên tiêu thụ nguyên liệu cao su; Hỗ trợ Hội viên phát triển thương hiệu và hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện phát triển bền vững…
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hiệp hội Trần Ngọc Thuận đã biểu dương những kết quả đạt được trong năm của Hiệp hội và Quỹ BHXKCS, từ đó, đề nghị tiếp tục nâng cao trách nhiệm, phát huy tính chuyên nghiệp và kịp thời trong thực hiện những nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi Hội viên, cung cấp thông tin thị trường kịp thời và hữu ích, hỗ trợ các Hội viên trong việc tiếp cận các chính sách, chương trình của những Bộ ngành và tổ chức quốc tế cũng như kiến nghị tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong phát triển ngành cao su Việt Nam. Bên cạnh làm tốt vai trò cầu nối, đại diện quyền lợi hợp pháp của Hội viên và cho ngành cao su trong quan hệ với các Bộ ngành và các tổ chức quốc tế, Hiệp hội cần tăng cường đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tổ chức chính phủ và phi chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Hội viên phát triển bền vững; Tích cực trong công tác truyền thông, quảng bá nhằm giữ vững và nâng cao vai trò vị thế của Hiệp hội nói riêng, ngành cao su nói chung.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng nâng cao, thời gian sắp tới, Hiệp hội sẽ cần nỗ lực chú trọng hơn nữa vào chất lượng nội dung hoạt động. Vì vậy, Hiệp hội rất mong sẽ nhận được tích cực hỗ trợ, đóng góp ý kiến, chia sẻ thông tin từ Ban Chấp hành và Hội viên giúp Hiệp hội hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hiệp hội Cao su Việt Nam
 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>