Hoạt động

Tham dự cuộc họp lần thứ 6 của ban chuyên gia ổn định giá cao su thiên nhiên thuộc ANRPC

26/04/2019

 Từ ngày 06 – 08/3/2019, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cử đại diện tham dự cuộc họp lần thứ 6 của Ban Chuyên gia ổn định giá cao su thiên nhiên do Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) tổ chức tại Bangkok, Thái Lan. 


 Tham dự cuộc họp gồm các đại diện đến từ 9 nước thành viên của ANRPC và Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích – Tổng Thư ký ANRPC – được bầu làm Chủ tịch của cuộc họp. Cuộc họp Ban chuyên gia tạo cơ hội trao đổi thông tin giữa các nước sản xuất cao su thiên nhiên, xem xét các khuyến nghị nhằm ổn định giá cao su được đưa ra trong các cuộc họp trước, dự báo tình hình cao su thiên nhiên trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Thái Lan còn chia sẻ kinh nghiệm thực tế thông qua chuyến đi thực địa tại hợp tác xã và bảo tàng cao su.

Tại cuộc họp, đại diện các quốc gia thành viên chia sẻ về các biện pháp trọng tâm, nổi bật nhằm thực hiện các khuyến nghị của Ban chuyên gia và tính hiệu quả trong việc hỗ trợ giá và giúp đỡ tiểu điền.
Đại diện Campuchia cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục phổ biến việc xen canh trong vườn cây cao su, xúc tiến sử dụng các giống năng suất cao và tổ chức các buổi hội thảo về kỹ thuật cạo, chế độ cạo nhịp độ thấp, đưa ra các khuyến nghị về giống cho nông dân. Trong năm nay, Campuchia xúc tiến thành lập thị trường giao ngay theo vùng và phổ biến giá giao ngay cho nông dân hàng ngày thông qua hệ thống tin nhắn SMS. Gần đây, Chính phủ Campuchia đang cân nhắc xóa hoặc giảm thuế xuất khẩu cao su.
Đại diện Ấn Độ cho biết hiện đang thực hiện các biện pháp quản lý nguồn cung bằng hình thức tái canh, áp dụng hoãn cạo; tăng nhu cầu bằng cách sử dụng cao su thiên nhiên trong xây dựng và hỗ trợ nông dân các phương pháp toàn diện để có vườn cây bền vững.
Để ổn định giá cao su, Indonesia chia các chiến lược thành 3 giai đoạn: quản lý nguồn cung trong dài hạn, tăng cường tiêu thụ nội địa trong trung hạn và hạn chế xuất khẩu trong ngắn hạn. Trong chương trình tái canh, Indonesia tập trung vào xen canh, tạo thu nhập từ các nguồn cây trồng khác và chỉ tái canh 60% diện tích cao su, còn lại là để trồng cà phê và ca cao. Bên cạnh đó, Indonesia tăng cường tiêu thụ cao su thiên nhiên.
Tại Malaysia, áp dụng các biện pháp như thực hiện Chương trình Trợ cấp sản xuất cao su, tăng tính hiệu quả của chuỗi marketing, trợ cấp chương trình tái canh, tăng vị thế của các hộ tiểu điền bằng cách bán hàng trực tuyến, thực hiện Thỏa thuận hạn ngạch xuất khẩu (AETS) của các nước trong Hội đồng Cao su quốc tế ba bên (ITRC), áp dụng e-Rubber là một ứng dụng trên điện thoại để có thể kiểm soát được giá tại vườn.
Papua New Guinea tập trung vào sản phẩm nội địa cao su hóa và hạn chế xuất khẩu cao su nguyên liệu thô. Philippines có chương trình nâng cao chất lượng bằng giống cao su sản lượng cao, giảm tỷ lệ xuất khẩu mủ chén. Sri Lanka tập trung sản xuất sản phẩm cao su là lốp đặc. Thái Lan quản lý nguồn cung bằng cách chuyển đổi cây trồng và tăng nhu cầu bằng cách phổ biến các giải pháp sử dụng cao su vào nhiều ứng dụng mới.
Đại diện Việt Nam cho biết các biện pháp được thực hiện ở VIệt Nam trong giai đoạn giá cao su thấp bao gồm: giảm chi phí sản xuất, phân bón trong các vườn cao su cho thu hoạch, hệ thống cạo giãn ngày để giảm lao động; tăng năng suất cây cao su bằng cách áp dụng các kỹ thuật tiên tiến (máng che mưa, chất kích mủ, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, v.v…); áp dụng tái canh sớm bằng các giống cao su cho mủ - gỗ, giống cao su năng suất cao; tham gia vào các dự án sản xuất sản phẩm gỗ cao su như MDF, HDF, đồ gỗ cao su,…; cải thiện chất lượng cao su thiên nhiên để tăng khả năng cạnh tranh; tăng hiệu quả sử dụng đất và đa dạng hóa thu nhập bằng cách trồng xen hoặc canh tác nông nghiệp trong các vườn cây cao su; các hoạt động trồng xen, chăn nuôi và phi nông nghiệp đã được áp dụng để đa dạng hóa thu nhập.
Về triển vọng thị trường cao su thiên nhiên trong năm 2019 và xa hơn, ANRPC cho biết các yếu tố quyết định sản xuất từ năm 2019 trở đi bao gồm: diện tích cao su dự kiến mở miệng cạo, tỷ lệ tái canh và chặt bỏ dự kiến, phản ứng của nông dân với giá hiện hành (Tần suất khai thác, hoãn cạo), tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu... Theo dữ liệu được báo cáo chính thức, nguồn cung cao su thế giới trong năm 2018 đã thiếu hụt. Tuy nhiên, nguồn cung có tiềm năng tăng đáng kể nếu giá trở nên hấp dẫn và khả năng dư thừa cung có thể sẽ tiếp tục đến cuối năm 2023.
Nhằm tạo điều kiện cho đại biểu các nước tìm hiểu thêm về tình hình ngành cao su Thái Lan, Cơ quan Quản lý Cao su Thái Lan tổ chức chuyến tham quan hợp tác xã cao su & nhà máy STR 20. Hợp tác xã Ban-Khaosok có 688 hội viên là các nông dân cao su với diện tích hơn 5.000 ha. Hiện hợp tác xã đang mua lại 205 ha để xây dựng một nhà máy lốp cao su. Bên cạnh đó, đoàn ANRPC cũng tham quan Bảo tàng cao su Rubberland tọa lạc tại Pattaya, Thái Lan, gồm phòng giới thiệu quy trình sản xuất, sơ chế cao su. Bảo tàng cũng trưng bày một số sản phẩm làm từ cao su như đế giày, bóng cao su, khu vui chơi làm từ cao su cho thiếu nhi.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Hiền Bùi, Ngọc Thúy)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>