Tổ chức giao thương kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Úc tại Sydney
Ngày 03/6/2024, chương trình giao thương, kết nối doanh nghiệp đã được tổ chức thành công với sự tham dự của Bà Nguyễn Thu Hường – Lãnh sự Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Úc, Quỹ STB Partners, Tập đoàn Tài chính BMYG, Tập đoàn ACCA, Tập đoàn Parthenon, Axion International, Goldent JJ Wu Brothers, Kingsland Group Pty, X-Five Aus Pty Ltd…
Phát biểu chào mừng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Úc nhấn mạnh quan hệ tốt đẹp giữa hai nước đang ngày càng phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực. Ngày 15/3/2018, Việt Nam và Úc chính thức nâng cấp quan hệ lên thành quan hệ đối tác chiến lược, mở ra trang mới cho quan hệ song phương. Năm 2023, thương mại song phương giữa hai nước đạt 13,8 tỷ USD. Hiện Úc là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác lớn thứ 10 của Úc. Việt Nam đã ký kết 3 Hiệp định với Úc gồm Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Úc-New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Điều này giúp tăng trưởng xuất khẩu giữa Việt Nam và Úc luôn ở mức cao. Thương vụ đánh giá cao sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam, khẳng định khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ngày càng mạnh. Với tiềm năng của thị trường rất lớn, Thương vụ mong muốn các doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội để chinh phục được thị trường rất khó tính nhưng đầy tiềm năng này.
Các doanh nghiệp trong Đoàn đã trao đổi thông tin với các doanh nghiệp tham dự buổi làm việc. Có thể thấy, việc liên kết và xây dựng quan hệ đối tác với doanh nghiệp Úc rất quan trọng và mang tính chiến lược. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm cánh tay nối dài cả về thông tin thị trường, mạng lưới liên kết chuỗi cung ứng, dữ liệu khách hàng. Đặc biệt, ở giai đoạn đầu, khi mới tiếp cận thị trường này, việc có đối tác với doanh nghiệp địa phương sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xuất khẩu, đầu tư trước khi doanh nghiệp Việt Nam có thể tự thiết lập được pháp nhân độc lập tại thị trường này
Làm việc với hai tổ chức đại diện ngành lốp xe của Úc tại Melbourne
Ngày 05/6/2024, Đoàn đã có buổi làm việc với Hội đồng Lốp xe Úc (ATIC) và Cơ quan quản lý Lốp xe Úc (TSA) tại Melbourne. Tham dự buổi làm việc có ông Silvio de Denaro – Chủ tịch ATIC và bà Lina Goodman – Giám đốc điều hành TSA.
Theo giới thiệu của ông Silvio, Hội đồng Lốp xe Australia (ATIC) là cơ quan công nghiệp chủ chốt chuyên thúc đẩy và nâng cao lợi ích của ngành lốp xe tại Australia. ATIC đại diện cho lợi ích chung của các nhà sản xuất lốp xe, nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ và nhà tái chế, nỗ lực đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững của ngành. ATIC tích cực tham gia với các cơ quan chính phủ, cơ quan quản lý và các bên liên quan trong ngành để ủng hộ các chính sách và tiêu chuẩn hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết các thách thức của ngành. Còn TSA là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập theo các nguyên tắc của Chương trình Quản lý Sản phẩm Lốp xe của Chính phủ Úc nhằm thúc đẩy việc quản lý, tái chế và tái sử dụng lốp xe đã qua sử dụng một cách bền vững. Hoạt động của TSA rất đa dạng, tập trung vào việc tạo ra nền kinh tế tuần hoàn cho lốp xe. Một trong những sáng kiến quan trọng là chương trình chứng nhận việc tuân thủ các thực hành có trách nhiệm nhằm đảm bảo lốp xe hết tuổi thọ được quản lý theo cách tối đa hóa việc phục hồi tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường. Ngoài hoạt động chứng nhận, TSA còn tài trợ cho các dự án nghiên cứu và phát triển nhằm tìm kiếm những ứng dụng mới cho vật liệu lốp tái chế như sử dụng cao su vụn giúp tăng cường độ bền và hiệu suất của nhựa đường hay kết hợp cao su tái chế vào vật liệu xây dựng, bề mặt sân chơi và các sản phẩm công nghiệp khác nhau.
Đoàn đã trao đổi và thảo luận với hai đại diện của ngành lốp xe Úc về năng lực sản xuất và chủng loại sản phẩm của từng thành viên Đoàn. Những thông tin được chia sẻ tại buổi làm việc đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về xu hướng bền vững của ngành lốp xe Úc trong dài hạn, từ đó giúp Đoàn xác định những ưu tiên cần chuyển đổi trong việc sản xuất cao su thiên nhiên để đáp ứng với nhu cầu này. Ngoài ra, các hoạt động thúc đẩy bền vững và xử lý lốp hết hạn sử dụng của Úc còn là kinh nghiệm cho các doanh nghiệp sản xuất lốp xe Việt Nam trong quá trình chuyển đổi để xanh hóa việc sản xuất.
Tổ chức Tọa đàm thúc đẩy hợp tác, xúc tiến thương mại sản phẩm cao su sang New Zealand tại Wellington
Ngày 07/6/2024, buổi tọa đàm thúc đẩy hợp tác, xúc tiến thương mại sản phẩm cao su Việt Nam sang thị trường New Zealand đã được tổ chức thành công tại thành phố Wellington với sự tham dự của Tham tán Thương mại Trần Diệu Oanh, Tùy viên thương mại Đỗ Hữu Tùng (Thương vụ Việt Nam tại New Zealand), bà Mahi Tangaere – Nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ASEAN-NZ (ANZBC), đại diện các doanh nghiệp New Zealand gồm Rubber Solutions Ltd, Pararubber NZ, Repco Ltd, Golden Pine Trading Ltd, Rubberbits Ltd.
Theo bà Trần Diệu Oanh, tháng 3/2024, Việt Nam và New Zealand đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược. Từ đó đến nay, hai nước Việt Nam và New Zealand duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp. Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand, chiếm 1,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của New Zealand. Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,3 tỷ USD. New Zealand được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận. Bà cũng đánh giá cao việc doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại hoặc các chương trình giao thương nhằm tìm kiếm đối tác, quảng bá các sản phẩm chất lượng của Việt Nam tại thị trường này.
Thông qua buổi Tọa đàm, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế của New Zealand đặc biệt quan tâm và chia sẻ đối với các sản phẩm như gỗ cao su, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển xanh, bền vững trong việc trồng, chế biến các sản phẩm từ cây cao su. Ngoài ra, New Zealand là đất nước có thể mạnh về công nghệ hiện đại trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, Đoàn đã nhận được nhiều chia sẻ kinh nghiệm về việc sử dụng lao động, tiềm năng về hợp tác công nghệ trong sản xuất các sản phẩm cao su của các doanh nghiệp hai nước nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cao su của Việt Nam. Trong chương trình, Đoàn cũng đã đến tham quan cơ sở cung cấp các sản phẩm cao su tại New Zealand là Bunning Warehouse. Tại đây, Đoàn được giới thiệu các sản phẩm từ cao su trong lĩnh vực gia dụng.
Chiều cùng ngày, Đoàn đã thăm văn phòng làm việc của Thương vụ Việt Nam tại New Zealand. Tại đây, Đoàn đã được Tham tán Thương mại Trần Diệu Oanh chia sẻ thêm về đặc điểm thị trường New Zealand. Theo đó, việc Việt Nam và New Zealand cùng tham gia các FTA đa phương là lợi thế lớn giúp hàng hóa Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh với hàng hóa từ các nước khác. Trong bối cảnh xung đột thương mại trên thế giới, ngày càng có nhiều doanh nghiệp New Zealand quan tâm đến việc tìm kiếm hàng hóa từ Việt Nam thay thế cho hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, thách thức tiếp cận thị trường sẽ rất lớn. New Zealand là nước có rào cản kỹ thuật cao đối với việc nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản, thực phẩm. Mặt khác, do khoảng cách địa lý xa xôi, hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này phải chịu chi phí vận chuyển cao, thời gian vận chuyển kéo dài khiến giá thành khó cạnh tranh so với các sản phẩm của một số quốc gia khác. Trước thực tế cơ hội và thách thức đan xen, theo Thương vụ Việt Nam tại New Zealand, việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường này cần được thực hiện theo một chiến lược bài bản, dài hạn.
Làm việc với Hội đồng Doanh nghiệp Auckland
Ngày 10/6/2024, Đoàn đã có buổi làm việc với Hội đồng Doanh nghiệp Auckland (ABC) tại thành phố Auckland. Đây là một tổ chức nổi tiếng chuyên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh doanh tại Auckland. Ngoài việc vận động và kết nối doanh nghiệp, ABC còn cung cấp một loạt các dịch vụ hỗ trợ được thiết kế để giúp các doanh nghiệp thành công. Điều này bao gồm việc cung cấp quyền truy cập vào nghiên cứu thị trường, dịch vụ tư vấn kinh doanh và các chương trình đào tạo nhằm trang bị cho doanh nghiệp những công cụ và thông tin cần thiết để điều hướng bối cảnh cạnh tranh và đạt được sự tăng trưởng bền vững.
Đại diện Đoàn cũng có chia sẻ thông tin cập nhật về tình hình phát triển ngành cao su Việt Nam, chức năng và hoạt động của Hiệp hội Cao su Việt Nam, đồng thời đề xuất các hoạt động hợp tác tiềm năng giữa hai bên. Buổi làm việc là tiền đề cho các hợp tác tiếp theo giữa VRA và ABC để nâng cao vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối giao thương và tăng cường quan hệ thương mại song phương giữa hai nước.
Nhìn chung, Đoàn giao dịch thương mại tại Úc và New Zealand đã đạt được những mục tiêu đề ra khi xây dựng đề án. Doanh nghiệp hai bên đã có cơ hội gặp gỡ và trao đổi thông tin, giới thiệu sản phẩm, thảo luận với khách hàng, tiếp cận trực tiếp với thị trường Úc và New Zealand để quảng bá hình ảnh, thương hiệu cao su Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu kinh tế thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và hai thị trường tiềm năng mới nổi này. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận thông tin cập nhật về nhu cầu sản phẩm từ doanh nghiệp Úc và New Zealand, từ đó có những cải tiến về chủng loại sản phẩm và phương thức sản xuất phù hợp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Văn phòng HHCSVN (Hồng Vân)