Thông tin hội viên

CÔNG TY CP CAO SU TÂY NINH – Tích cực xây dựng Thương hiệu ngành cao su Việt Nam

06/07/2018

 Công ty CP Cao su Tây Ninh tiền thân là đồn điền cao su của Pháp. Năm 1975, Đồn điền được cách mạng tiếp quản lấy tên là Nông Trường Quốc doanh Cao su Tây Ninh. 


 Năm 1981, Nông Trường được nâng cấp lên thành Công ty với tên gọi Công ty Cao su Tây Ninh, và từ ngày 28/12/2006, Công ty chuyển đổi thành Công ty CP Cao su Tây Ninh cho đến nay (1).
Tháng 07/2007, Công ty CP Cao su Tây Ninh bắt đầu giao dịch trên Thị trường giao dịch chứng khoán TP.HCM với mã chứng khoán là TRC, có hoạt động chính là trồng, chăm sóc, khai thác chế biến cao su nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm cao su thiên nhiên và gỗ cao su. Công ty có diện tích vườn cây khoảng 6.000 ha, thuộc nhóm quy mô tương đối nhỏ so với các công ty khác thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, nhưng nhờ áp dụng các biện pháp tái canh, khai thác thích hợp nên năng suất tăng nhanh và luôn đạt mức cao trong ngành và đạt năng suất bình quân 2,14 tấn/ha năm 2017.
Năm 2017, Công ty báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh đạt và vượt kế hoạch như sau: Sản lượng khai thác 9.838,64 tấn (đạt 111,8%); sản lượng cao su chế biến 14.321 tấn (115%), trong đó, mủ thu mua là 171 tấn và gia công là 4.400 tấn. Sản lượng tiêu thụ đạt 9.454 tấn cao su các loại; tổng doanh thu 503,96 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 170,30 tỷ đồng, nộp ngân sách 44,55 tỷ đồng, mức lương bình quân 9.458.000 đồng/người/tháng (2). Với tổng lợi nhuận sau thuế năm 2017 là 144,81 tỷ đồng, Công ty chia cổ tức 23%/vốn điều lệ cho cổ đông (1).
Năng suất vườn cây của Công ty luôn đạt cao nhờ chăm sóc tốt, tỉa chồi, bón phân, và phòng trị bệnh kịp thời. Công ty cũng áp dụng cơ giới hóa bằng phương pháp cày sâu không lật đất thay cho công tác phúp bồn, tủ gốc chống hạn mùa khô trên toàn bộ diện tích, phun thuốc diệt cỏ bằng máy, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động. Nhờ biết vận dụng, tiết giảm hợp lý các chi phí, nên việc chăm sóc không vượt suất đầu tư quy định mà vẫn duy trì chất lượng vườn cây phát triển tốt và đồngđều (2).
Cơ cấu sản phẩm của Công ty đa dạng với nhiều chủng loại gồm SVR 3L, SVR 10, SVR 20, SVR CV60, RSS, Latex cô đặc… Chất lượng sản phẩm cao su sơ chế của Công ty không chỉ được xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài mà còn đáp ứng được yêu cầu của các nhà chế biến sản phẩm cao su tại Việt Nam như: Merufa (Y tế), VRG Khải Hoàn, Duy Hàng, White Glove, Nam Long (Găng tay), Nam Động lực (Bóng đá), nệm Vạn Thành, giày Á Châu...
Năm 2017, Công ty đăng ký quyền sử dụng Nhãn hiệu Cao su Việt Nam thuộc sở hữu của Hiệp hội Cao su Việt Nam cho một số sản phẩm chủ lực. Trong buổi thẩm định thực địa, Công ty đã lắng nghe và tích cực triển khai nghiên cứu thực hiện những góp ý của Tổ Chuyên gia nhằm cải tiến hệ thống quản lý chất lượng ngày một tốt hơn. Cuối năm 2017, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu Cao su Việt Nam cho 04 sản phẩm SVR 3L, SVR CV60 (Nhà máy chế biến cao su Bến Củi), SVR 10, Latex HA (Nhà máy chế biến cao su Hiệp Thạnh) do đáp ứng tốt các tiêu chí chất lượng, uy tín, môi trường và xã hội.
Để từng bước đạt được mục tiêu phát triển bền vững, Công ty đã có một chính sách cam kết thực hiện phát triển bền vững và tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể CB. CNVC – LĐ (3). Nội dung của chính sách còn được đăng tải trên website, được xem là châm ngôn hoạt động như: Đề cao hình ảnh thương hiệu, giữ vững uy tín với khách hàng thông qua chất lượng sản phẩm và dịch vụ; Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, đặc biệt về bảo vệ môi trường; Chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; Không ngừng cải tiến hệ thống quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặt quyền lợi của cổ đông ở vị trí cao nhất. Công ty đã thường xuyên công bố giá thu mua mủ cao su trên website để thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần hạn chế nạn tranh mua tranh bán và ép giá đối với hộ dân (4).
Công ty nhận thức được lợi thế và sự khác biệt trong ngành chủ yếu phụ thuộc vào các yếu tố như khí hậu, thổ nhưỡng, tay nghề và kinh nghiệm của đội ngũ kỹ thuật và công nhân khai thác mủ cao su. Do đó, với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động, bên cạnh thường xuyên rèn luyện nâng cao tay nghề cho công nhân, Công ty còn thực hiện tốt chính sách chăm lo đời sống cho người lao động như tiền ăn giữa ca, bồi dưỡng độc hại, khám sức khỏe định kỳ, du lịch, khen thưởng, chế độ trợ cấp cho công nhân nữ...; tiền lương, thu nhập được cải thiện giúp tâm lý người lao động phần nào ổn định hơn và có ý thức trong việc thực hiện khai thác mủ, góp phần cho thắng lợi của Côngty (2).
Năm 2018, với phương châm tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, Công ty nhận thức rõ ràng các nguy cơ, thách thức trong công tác quản lý và trong hoạt động sản xuất kinh doanh để xây dựng nhiều phương án thích nghi hiệuquả hơn; Giữ vững và nâng cao uy tín thương hiệu, không ngừng mở rộng thị trường, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới theo xu hướng đa dạng hóa, nâng dần tỷ trọng sản phẩm có giá trị kinh tế cao và tiến đến cơ cấu sản phẩm hợp lý đáp ứng kịp thời yêu cầu thịtrường; Tiếp tục ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào quản lý và sản xuất, phát huy tinh thần sáng tạo của đội ngũ trẻ. Ngành cao su đang từng bước chuyển mình hướng đến phát triển bền vững, vì vậy Công ty CP Cao su Tây Ninh luôn chú trọng việc thường xuyên đào tạo và bồi dưỡng năng lực cán bộ các cấp cũng như tích cực chăm lo đến đời sống và điều kiện làm việc cho người laođộng để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới (2).
Hiệp hội Cao su Việt Nam (Vân Quỳnh, Hoa Trần)
Tài liệu tham khảo:
(1)   Công ty CP Cao su Tây Ninh, 2017. Giới thiệu Công ty – http://www.taniruco.com.vn/
(2)   Công ty CP Cao su Tây Ninh, 2017. Báo cáo tổng kết thực hiện sản xuất kinh doanh năm 2017 và phương hướng kế hoạch năm 2018
(3)   Công ty CP Cao su Tây Ninh.Chính sách phát triển bền vững  http://www.taniruco.com.vn/article.php?cid=27
(4)   Công ty CP Cao su Tây Ninh. Giá thu mua –http://www.taniruco.com.vn/article.php?id=4731
 
Tổ Chuyên gia đánh giá cao su thiên nhiên kiểm tra hệ thống xử lý nước thảiđạt cột A theo QCVN 01- MT:2015/BTNMT tại Công ty CPCS Tây Ninh, tháng11/2017
Kiểm tra thực địa tại trạm thu mủ của Công ty CPCS Tây Ninh
Lưu trữ mủ đông đã cán vắt nước để sản xuất SVR 10 tại Nhà máy Hiệp Thạnh
Bảng hướng dẫn cấp cứu tai nạn lao động cho công nhân Nhà máy chế biến


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>