Tin tức

Đồng Yen có thể “thủng mốc’’ quan trọng

09/10/2023

Theo các chuyên gia, nếu mốc 150 Yen đổi 1 USD bị phá vỡ mà vẫn chưa có động thái chính thức nào từ nhà chức trách, thì giới hạn tiếp theo sẽ là 151,94 Yen đổi 1 USD.
 


Tính từ đầu năm đến nay, đồng Yen của Nhật Bản đã giảm khoảng 16% giá trị so với đồng USD. Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (03/10/2023) vừa qua, có thời điểm đồng tiền này đã để thủng mất mốc 150 Yen đổi 1 đồng bạc xanh. Tuy nhiên quan sát thị trường ngay sau đó, đồng Yen Nhật đã quay đầu tăng mạnh, lên mức 147 Yen đổi 1 đồng USD. Những diễn biến trên khiến thị trường tài chính đang đặt ra câu hỏi: Liệu Bộ Tài chính Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương (BOJ) đã có động thái can thiệp vào thị trường ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ? VTV Money đã phỏng vấn Giáo sư, chuyên gia kinh tế Yasuhiro Doi, từ Đại học danh tiếng Nagoya, để phân tích về những diễn biến của đồng Yen cũng như tác động tới kinh tế Nhật Bản sắp tới.
Từ đầu năm đến nay, đồng Yen của Nhật Bản
đã giảm khoảng 16% giá trị so với đồng USD.
Ảnh: istock
Việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) duy trì chính sách siêu nới lỏng, ngược chiều với lãi suất cao tại Hoa Kỳ, châu Âu đã và đang khiến giới đầu cơ liên tục đặt cược giá đồng Yen sẽ giảm. Từ mức 115 Yen đổi 1 đồng USD, giá đồng tiền này trượt dài, phá các mốc 145 và 150, buộc Bộ Tài chính Nhật Bản trong giai đoạn tháng 9 – 10 năm 2022 đã phải chi kỷ lục 6.350 tỷ Yen, hơn 62 tỷ USD cho các biện pháp can thiệp thị trường tiền tệ. Biện pháp này đã có tác dụng, khi Yen bật tăng về mức 127 Yen đổi 1 USD trong tháng 01/2023. Tuy nhiên, tình thế không duy trì được lâu khi FED và ECB liên tục nâng lãi suất. Yen mất giá và tiệm cận mốc 150.
Thị trường đang có nhiều đồn đoán rằng, việc Yen bật tăng mạnh hôm thứ Ba (03/10) sau khi trượt qua mốc 150 Yen đổi 1 đồng USD là do đã có sự can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách mua đồng Yen bán đồng USD hoặc BOJ đã thực hiện rà soát tỷ giá. “Vẫn chưa có thông báo chính thức nào, song đúng là đã có nhiều rò rỉ cho rằng, BOJ đã có sự can thiệp nhẹ trên thị trường tiền tệ. Tỷ giá 150 Yen trên 1 USD là quá cao. Tình hình năm nay đã khác so với lần can thiệp năm ngoái. Chênh lệch lãi suất giữa BOJ và FED là rất lớn. Do vậy nếu có can thiệp thật thì cũng khó có thể khiến tỷ giá thay đổi đáng kể. Chỉ có thể giữ trong thời gian rất ngắn’’, Giáo sư Yasuhiro Doi, chuyên gia kinh tế, Đại học Nagoya, cho biết.
Các chuyên gia nhận định, nếu mốc tỷ giá trên bị phá vỡ mà vẫn chưa có động thái chính thức nào từ nhà chức trách, thì giới hạn tiếp theo sẽ là 151,94 Yen đổi 1 USD – mốc tỷ giá dẫn tới đợt can thiệp gần đây nhất hồi tháng 10/2022 và giới hạn tiếp theo sẽ là 155 Yen đổi 1 USD. “Hiện tại ưu tiên của chính phủ Nhật đang là hỗ trợ tiêu dùng nội địa. Đó là lý do mà chúng ta sắp đón nhận thêm một gói kích thích kinh tế mới để hạ nhiệt lạm phát. Còn việc đồng Yen yếu lại đang mang lại tín hiệu tích cực cho xuất khẩu, sản xuất, du lịch. Do đó tôi cho rằng sẽ khó có một động thái can thiệp mạnh tay như năm ngoái, trừ khi có những diễn biến bất ngờ, bởi FED cũng sẽ chỉ còn tối đa một lần nâng lãi suất trong năm nay’’, Giáo sư Yasuhiro Doi, chuyên gia kinh tế, Đại học Nagoya, cho biết thêm.
Nhật Bản sở hữu dự trữ ngoại hối hơn 1,25 nghìn tỷ USD, nhưng dự trữ này có thể giảm đáng kể nếu Tokyo liên tục có động thái can thiệp vào thị trường ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ. Thực tế này khiến giới chức Nhật Bản lo ngại về việc họ có thể ngăn đà mất giá của đồng Yen trong bao lâu, liệu đã đến lúc BOJ cần xem xét tới công cụ lãi suất kể từ đầu năm sau.

Anh Quang, nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/dong-yen-co-the-thung-moc-quan-trong-20231006152604252.htm, ngày 06/10/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>