Trong một báo cáo được công bố ngày 09/4/2024, Tổ chức Bàn tròn Công nghiệp châu Âu (ERT), một nhóm vận động hành lang có ảnh hưởng ở Brussels, cho biết mục tiêu của Liên minh châu Âu (EU) là giảm và đạt mức phát thải CO2 ròng bằng 0 vào năm 2050, điều sẽ đòi hỏi đầu tư lớn vào lưới điện, cơ sở lưu trữ năng lượng và thu hồi các-bon. Khoản đầu tư 800 tỷ Euro là cần thiết để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu năm 2030, song khối này cần tổng cộng 2.500 tỷ Euro để hoàn thành quá trình chuyển đổi xanh vào năm 2050 và duy trì hoạt động kinh doanh. Chủ tịch Ủy ban chuyển đổi năng lượng và biến đổi khí hậu của ERT, ông Dimitri Papalexopoulos, cho biết các biện pháp khuyến khích để thu hút đầu tư tư nhân cần thiết vẫn chưa có. Vì vậy các nhà hoạch định chính sách nên giải quyết vấn đề này một cách khẩn cấp.
Từ năm 2010 đến năm 2018, tổng vốn đầu tư vào lưới điện ở các nước EU đạt khoảng 32 tỷ Euro. ERT cho biết thêm nếu nguồn tài chính vẫn ở mức đó cho đến năm 2050 thì mức chênh lệch giữa số vốn đầu tư và số tiền cần thiết sẽ là 60%. Tuy nhiên, tờ Financial Times dẫn nguồn từ các cơ quan công nghiệp hàng đầu cho hay những khoản đầu tư lớn như vậy không thể chỉ do khu vực tư nhân gánh vác nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ.
Người dân tập trung tại khu vực đài phun nước
ở quảng trường Schwarzenberg, Áo để
tránh đợt nắng nóng. Ảnh: THX/TTXVN
Ông Marco Mensink, Giám đốc Hội đồng công nghiệp hóa chất châu Âu (Cefic) cho biết các doanh nghiệp EU vẫn đang phải vật lộn với hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 2008, do nhu cầu không ổn định sau đại dịch, nạn quan liêu và cuộc khủng hoảng năng lượng do căng thẳng giữa Nga và Ukraine gây ra, đẩy giá năng lượng lên mức cao kỷ lục. Các tổ chức của EU đã ước tính rằng khối này cần hàng trăm tỷ USD đầu tư bổ sung để thực hiện chương trình nghị sự xanh, hầu hết trong số đó cần phải là vốn tư nhân.
Trong tháng 02/2024, gần 1.000 cơ quan và công ty công nghiệp EU đã ký một tuyên bố nêu rõ nhu cầu cấp thiết về sự minh bạch, khả năng dự đoán và niềm tin vào châu Âu cũng như chính sách công nghiệp của khu vực này. Tuyên bố này cũng kêu gọi quỹ phục hồi hậu đại dịch trị giá 800 tỷ Euro của EU cần được đưa vào hoạt động để tài trợ cho cơ sở hạ tầng năng lượng bao gồm thu hồi và lưu trữ các-bon “càng sớm càng tốt”. Tổng Thư ký của Hiệp hội Điện lực châu Âu (Eurelectric), ông Kristian Ruby, cho biết những thách thức an ninh mới mà châu Âu phải đối mặt cũng có tác động đến việc tìm kiếm nguyên liệu cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh.
Minh Hằng, nguồn: https://bnews.vn/chau-au-can-800-ty-euro-de-dap-ung-cac-muc-tieu-khi-hau-vao-nam-2030/329442.html, ngày 09/4/2024 (TN trích dẫn)