Theo Báo cáo mùa Thu được các viện nghiên cứu hàng đầu của Đức công bố ngày 26/9, tổng sản phẩm quốc nội của Đức dự kiến sẽ giảm 0,1% trong năm nay, năm giảm thứ hai liên tiếp. Trước đó, hồi tháng 3, các viện nghiên cứu đều nhận định kinh tế Đức sẽ tăng rất nhẹ 0,1% năm 2024. Năm 2025, kinh tế Đức được dự báo sẽ tăng 0,8% thay vì 1,4% như dự báo trước. Mức tăng trưởng 1,3% được dự báo cho năm 2026. Bà Geraldine Dany-Knedlik, Người đứng đầu bộ phận dự báo và chính sách kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW) ở Berlin, cho biết: “Ngoài sự yếu kém về kinh tế, sự thay đổi cơ cấu cũng đang gây căng thẳng cho nền kinh tế Đức. Khử carbon, số hóa, thay đổi nhân khẩu học và có lẽ cả sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ các công ty Trung Quốc đã kích hoạt các quá trình điều chỉnh cơ cấu đang làm giảm triển vọng tăng trưởng của kinh tế Đức”.
Kinh tế Đức đã trì trệ trong hơn hai năm qua. Theo các viện nghiên cứu, quá trình phục hồi chậm có thể sẽ bắt đầu trong năm tới, nhưng tăng trưởng kinh tế khó có thể tiếp tục xu hướng trước đại dịch COVID-19 “trong tương lai gần”. Các viện nghiên cứu này cũng nhận thấy ngành công nghiệp đang chịu áp lực đặc biệt. Khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp đang bị đè nặng bởi chi phí năng lượng ngày càng tăng và sự cạnh tranh ngày càng mạnh từ hàng hóa công nghiệp chất lượng cao của Trung Quốc, vốn đang thay thế hàng xuất khẩu của Đức trên thị trường thế giới. Nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu được phản ánh qua việc thiếu đơn đặt hàng mới. Việc thiếu đầu tư kéo dài là triệu chứng của những vấn đề trong lĩnh vực sản xuất. Lãi suất cao liên tục và sự bất ổn lớn về kinh tế và địa chính trị làm ảnh hưởng đến đầu tư của các công ty và xu hướng mua hàng của các hộ gia đình tư nhân.
Các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức vừa
đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế
lớn nhất châu Âu trong năm 2024 xuống mức âm.
Ảnh minh họa – Ảnh: Bloomberg
Báo cáo cho biết: “Các hộ gia đình đang ngày càng tiết kiệm thu nhập của mình thay vì chi tiền cho nhà ở mới hoặc tiêu dùng”. Suy thoái kinh tế kéo dài cũng làm ảnh hưởng đến thị trường lao động. Năm nay và năm tới, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng lên 6%, trong khi năm 2023 là 5,7% – tỷ lệ dự kiến sẽ không thể đạt được một lần nữa cho đến năm 2026. Tuy nhiên, các nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát sẽ giảm bớt. Năm nay, giá tiêu dùng dự kiến chỉ tăng trung bình 2,2% sau khi đạt 5,9% trong năm ngoái. Trong hai năm tới, tỷ lệ lạm phát có thể sẽ chững lại ở mức 2%. Dự báo kinh tế chung của các viện kinh tế thuộc Chính phủ Liên bang, bao gồm RWI ở Essen, Viện Ifo ở Munich, IfW ở Kiel, IWH ở Halle và DIW, đóng vai trò định hướng cho dự báo tăng trưởng của chính phủ vào tháng 10, từ đó tạo thành cơ sở cho ước tính thuế vào tháng 11. Trong dự báo mùa Xuân, Bộ Kinh tế Liên bang dự kiến mức tăng trưởng 0,3% trong năm nay và dự đoán mức tăng 1,0% năm 2025.
Ngày 25/9, Viện Ifo cũng công bố kết quả khảo sát khoảng 9.000 nhà quản lý cho thấy chỉ số môi trường kinh doanh, thước đo quan trọng nhất của nền kinh tế Đức, cũng giảm từ 86,6 xuống 85,4 điểm, lần giảm thứ tư liên tiếp. Chỉ số Ifo thậm chí còn giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020, khi đại dịch COVID-19 làm tê liệt phần lớn nền kinh tế. Chủ tịch Ifo, Clemens Fuest, cho biết: “Nền kinh tế Đức đang chịu áp lực ngày càng tăng”.
VTV Digital, nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/du-bao-kinh-te-duc-suy-giam-trong-nam-2024-20240927094814576.htm, ngày 27/9/2024 (TN trích dẫn)