Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

Giới chuyên gia đang dự báo như thế nào về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc?

06/03/2023

Giờ đây, khi Trung Quốc đã chấm dứt các biện pháp chống dịch hà khắc, nền kinh tế nước này có thể trở lại với tốc độ tăng trưởng hơn 5%. 


Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng khoảng 5,5% cho năm 2022, nhưng chính sách Zero COVID và cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản đã gây áp lực lớn đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Bởi vậy, cả năm ngoái, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3%. Giới phân tích kỳ vọng tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc sắp khai mạc vào cuối tuần này, Bắc Kinh sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng hoặc hơn 5% cho năm 2023.
Trong một nhà máy sản xuất thiết bị điện
 ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc Ảnh: Getty/CNBC.
“Năm nay có thể sẽ chứng kiến sự phục hồi của thị trường bất động sản Trung Quốc. Việc này cũng với việc chấm dứt Zero COVID sẽ giúp tăng trưởng GDP của Trung Quốc khởi sắc”, một báo cáo của ngân hàng Pháp Societe Generale nhận định. Trong một cuộc khảo sát của hãng tin CNBC về triển vọng kinh tế Trung Quốc năm nay, Societe Generale là tổ chức đưa ra quan điểm lạc quan nhất. Nhà băng Pháp dự báo nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng 5,8% trong năm nay. Tính bình quân, giới chuyên gia dự báo kinh tế Trung Quốc tăng 5,21% trong năm nay, cao hơn một chút so với mục tiêu chính thức được kỳ vọng.
Oxford Economics là tổ chức đưa ra dự báo ảm đạm nhất về kinh tế Trung Quốc năm 2023, với mức tăng trưởng 4,5%. “Những hiệu ứng tích cực từ việc mở cửa trở lại đồng nghĩa Chính phủ Trung Quốc có thể nhận thấy không cần thiết phải hành động nhiều, chẳng hạn triển khai một gói kích cầu lớn như trong các chu kỳ trước đây, nhất là sau một năm mà ngân sách đã bị kéo căng”, chuyên gia kinh tế trưởng Louise Loo của Oxford Economics nhận định trong một báo cáo.
Trong một báo cáo công bố hồi đầu tháng này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc tăng trưởng bình quân khoảng 4% mỗi năm trong thời gian từ nay đến năm 2027, sau đó giảm còn 3% trong thập kỷ sau đó. Dự báo này đồng nghĩa với GDP bình quân đầu người của Trung Quốc cũng tăng với tốc độ tương tự. Đó sẽ là một sự giảm tốc mạnh so với mức tăng trưởng GDP thực tế bình quân khoảng 7% mỗi năm mà Trung Quốc đạt được trong thập kỷ qua, IMF nhấn mạnh. Trong cùng khoảng thời gian, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc tăng 6% mỗi năm. Sự giảm tốc như vậy sẽ là một trở ngại lớn đối với mục tiêu mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề ra về GDP bình quân đầu người. Ông Tập muốn đến năm 2035, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đạt ngưỡng của một quốc gia thu nhập trung bình. Các chuyên gia kinh tế ước tính mục tiêu đó đòi hỏi nền kinh tế Trung Quốc phải đạt tăng trưởng bình quân 4,7% mỗi năm trong vòng 15 năm tính đến năm 2035.
Trung Quốc đang đối mặt với một loạt vấn đề kinh tế dài hạn được cho là sẽ ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng, bao gồm dân số lão hoá và tổng năng suất lao động tăng chậm lại – theo IMF. Nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo của IMF cũng nhấn mạnh mặt hạn chế của mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư của Trung Quốc. Trong mô hình này, dòng vốn khổng lồ được rót vào các doanh nghiệp quốc doanh và lĩnh vực bất động sản. Theo báo cáo, việc đặt trọng tâm vào những khu vực kém năng suất như vậy đẩy cao nguy cơ nợ công chồng chất. Triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn cũng đang bị phủ bóng bởi những yếu tố như căng thẳng địa chính trị và cuộc cạnh tranh khốc liệt toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ – IMF nhận định. Tuy nhiên, các số liệu công bố trong tuần này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi nhanh và bền vững.

An Huy, nguồn: https://vneconomy.vn/gioi-chuyen-gia-dang-du-bao-nhu-the-nao-ve-tang-truong-kinh-te-trung-quoc.htm, ngày 03/3/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>