Trung Quốc đã giảm nhập khẩu 3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày - Ảnh: foxbusiness.com
Hãng tin Bloomberg ghi nhận Trung Quốc đã giảm nhập khẩu 3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương 20% mức tiêu thụ. Đây là mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.
Công ty Tư vấn thị trường Kayrros cũng ghi nhận Trung Quốc đã giảm mua dầu thô 2 tuần liên tiếp với mức bình quân 8,5 triệu thùng/ngày.
Quan sát ảnh vệ tinh, Kayrros nhận thấy trữ lượng dầu Trung Quốc không giảm, nghĩa là mức tiêu thụ của các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc đã chậm lại.
Giao thông giảm, tiêu thụ giảm
Tiến sĩ Francis Perrin – Giám đốc Nghiên cứu của Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) – ghi nhận do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), người dân bị cách ly kéo dài, kinh tế phát triển chậm lại và hàng không đình trệ ở Trung Quốc.
Tình hình này chắc chắn tác động đến mức tiêu thụ xăng dầu. Có 2 lý do để giải thích.
Thứ nhất, Trung Quốc tiêu thụ dầu nhiều thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Sức tiêu thụ vẫn chưa ổn định và tiếp tục tăng nên lúc nào đó sẽ vượt qua Mỹ.
Thứ hai, mặc dù là nhà sản xuất dầu thô lớn nhưng Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu xăng dầu lớn nhất thế giới.
Để đối phó với dịch bệnh, Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp hạn chế đi lại và các biện pháp này đã tác động trực tiếp đến mức tiêu thụ nhiên liệu trong giao thông.
Ngoài ra, phải tính đến yếu tố dịch virus Corona bùng phát ngay dịp Tết âm lịch, thời điểm người dân Trung Quốc đi lại nhiều.
Ước tính có đến 56 triệu người Trung Quốc không thể đi lại khiến lưu lượng giao thông giảm 86%, theo Bộ Giao thông Trung Quốc.
Trong lĩnh vực công nghiệp, nhiều người bị cách ly cũng không thể đi làm nên hoạt động công nghiệp giảm.
Nhiều khu vực bị cách ly, lưu lượng giao thông giảm ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến giá dầu thô – Ảnh: GETTY IMAGES
Hai kịch bản sắp tới
Tiến sĩ Francis Perrin ghi nhận vào thời điểm này, các nhà kinh doanh xăng dầu lập luận dịch virus Corona đã tác động đến ngành giao thông vận tải tại quốc gia nhập khẩu xăng dầu lớn nhất thế giới (Trung Quốc) thì giá dầu thô giảm là chuyện đương nhiên.
Hồi đầu năm, giá dầu tăng vọt do căng thẳng giữa Iran với Mỹ. Sau đó, giá dầu bắt đầu giảm do virus Corona và thậm chí trong 8 ngày giảm gần 10%. Đây là phản ứng thông thường trong thị trường hàng hóa.
Tiến sĩ Francis Perrin ghi nhận hiện nay có 2 thực tế.
Thị trường dự đoán mức tiêu thụ giảm nên đã giảm giá và giá "giảm 10% là không tệ" vì đừng quên phần còn lại của thế giới vẫn tiêu thụ xăng dầu và căng thẳng ở Trung Đông vẫn còn rất cao.
Trong tình hình ấy có 2 kịch bản. Kịch bản đầu tiên là các nhà giao dịch sẽ bình tĩnh trở lại với suy nghĩ giá dầu đã giảm đủ. Kịch bản này được đánh giá là khá hiện thực.
Kịch bản thứ 2 là giá dầu tiếp tục giảm nhưng chỉ xảy ra khi số ca nhiễm và ca tử vong tăng mạnh với nhiều phản ứng quốc tế, song không ai biết giá dầu sẽ giảm sâu đến đâu.
Dù sao chăng nữa, Tiến sĩ Francis Perrin khẳng định giá dầu thô sẽ không sụp đổ vì virus Corona chỉ tác động đáng kể đến giá dầu trong giai đoạn ngắn hạn.
Do Trung Quốc vẫn phải tiêu thụ dầu và kinh tế Trung Quốc sẽ phải đứng dậy nên về dài hạn, giá dầu rồi sẽ trở lại ổn định.
Giá dầu thô thế giới chỉ giảm trong giai đoạn ngắn hạn – Ảnh: AP
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tổ chức họp Ủy ban kỹ thuật trong hai ngày 04 và 05/02/2020 tại Vienna (Áo).
Tiến sĩ Philippe Sébille-Lopez ở Công ty tư vấn Géopolia (Pháp) nhận xét cuộc họp nêu trên chỉ tạo tâm lý ổn định cho thị trường dầu mỏ chứ không đưa ra quyết định gì trước Hội nghị các bộ trưởng dầu mỏ dự kiến vào tháng 6/2020.