Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

80% sản lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu

11/12/2023

80% sản lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. 


30 doanh nghiệp nông, lâm thủy sản được công nhận thương hiệu quốc gia
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển thương hiệu nông sản’’ do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN–PTNT tổ chức tại TP.HCM, ngày 04/12/2023. Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, nông sản Việt Nam có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu, sức sáng tạo của người nông dân. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh thấp, giá thành cao, chất lượng không ổn định, thương hiệu không có. Việt Nam có gần 11.000 sản phẩm OCOP, có nhiều sản phẩm trời phú, nhưng sự nhận diện thương hiệu trên thị trường quốc tế còn thấp. Giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt con số đáng kể, tuy nhiên chất lượng, năng lực cạnh tranh kém. Vì vậy, theo ông Tiệp, việc xây dựng thương hiệu rất quan trọng giúp nâng cao giá trị năng lực cạnh tranh của nông sản Việt.
Bà Nguyễn Mai Hương, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2022 đạt 53,22 tỷ USD. Trong đó, 11 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; 7 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD gồm gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, cao su, hạt điều, rau quả. “Nông sản Việt Nam có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản) và có đến 90% nông sản vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Đặc biệt, 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Phó giám đốc IPSARD thông tin.
Đại diện IPSARD cho rằng, ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn tới việc tham gia vào chương trình thương hiệu quốc gia, số lượng doanh nghiệp tăng lên qua từng năm. Qua 8 kỳ xét duyệt (năm 2022) đã có 325 sản phẩm của 172 doanh nghiệp được công nhận là thương hiệu quốc gia. Nhưng có chưa tới 30 doanh nghiệp có sản phẩm nông, lâm thủy sản. Theo bà Hương, vấn đề xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản được đề cập nhiều nhưng vẫn chung chung, chưa cụ thể; chưa có chiến lược, chương trình tổng thể đặc thù cho nông sản; chưa có sự kết nối, điều phối giữa các bên liên quan... Do đó, đến nay, mới chỉ có hai sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam gồm nhãn hiệu “Cao su Việt Nam” (năm 2016) và nhãn hiệu “Gạo Việt Nam” (năm 2018).
Trong đó, nhãn hiệu “Gạo Việt Nam” do Bộ NN–PTNT sở hữu và quản lý nhãn hiệu. Đến tháng 10/2021, nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice được bảo hộ tại 22 quốc gia. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ sở pháp lý trong quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nên đến nay, chưa có doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận trong sản xuất và thương mại sản phẩm. Việc đăng ký/gia hạn bảo hộ ra nước ngoài gặp khó khăn do thiếu kinh phí đăng ký và duy trì (do không sử dụng thương hiệu).
Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” do Hiệp hội Cao su Việt Nam quản lý. Đến tháng 11/2022, cấp quyền sử dụng cho 89 sản phẩm thuộc 31 nhà máy của 19 doanh nghiệp và đã được bảo hộ tại Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Campuchia… Còn nhãn hiệu “cà phê Việt Nam” chất lượng cao đã nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, Bộ NN–PTNT ban hành Đề án khung các sản phẩm quốc gia đối với tôm nước lợ; các sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu…
19 doanh nghiệp đạt nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” năm 2022
Hoàn thiện chính sách phát triển thương hiệu nông sản Việt
“Phần lớn các chương trình thương hiệu quốc gia, thương hiệu thực phẩm Việt Nam chưa được bố trí ngân sách. Chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể cho các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia nên sự hưởng ứng, đồng hành của các doanh nghiệp trong Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam chưa cao. Hiện đang tồn tại quá nhiều loại hình giải thưởng, xét chọn, bình chọn… thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, làm giảm khả năng nhận diện của các thương hiệu quốc gia. Chưa có hành lang pháp lý chung về việc sử dụng tên gọi địa danh quốc gia (Việt Nam) để đăng ký bảo hộ với các sản phẩm nông sản chủ lực cấp quốc gia”, bà Hương nhận định.
Theo bà Hương, thương hiệu nông sản ngày càng có vị trí trong phát triển nông nghiệp nông thôn, phát huy đa giá trị, có tác động lớn đến nhận thức, sự quan tâm và đầu tư nguồn lực của từ các cấp, từ Trung ương cho đến địa phương. Bên cạnh đó, thương hiệu cộng đồng đã giúp địa phương phát triển các tổ chức tập thể, kết nối vào các các chương trình lớn của Nhà nước (OCOP, nông thôn mới…). Khung thể chế bảo hộ sở hữu trí tuệ ngày càng đồng bộ, việc Việt Nam là thành viên của Công ước và Nghị định thư Madrid giúp cho các sản phẩm của các doanh nghiệp, nhãn hiệu tập thể có thể đăng ký trên cổng thông tin Một cửa của Tổ chức thế giới.
Ngoài ra, đã hình thành các doanh nghiệp, tập đoàn có năng lực quản trị, tài chính, có kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản Việt tại thị trường trong nước và quốc tế: TH True Milk, Vinamilk, Hoàng Anh Gia Lai…. Tuy vậy, nông sản Việt cũng còn nhiều hạn chế, khoảng trống cần xem xét trong quá trình xây dựng những chính sách chiến lược trong thời gian tới. Nhất là thiếu một định hướng chiến lược tổng thể ở cấp quốc gia trong việc xây dựng thương hiệu nông sản, nguồn lực bị phân tán. Việc quản trị, phát triển thương hiệu nông sản còn yếu, thiếu chủ thể có năng lực để quản lý và khai thác hiệu quả.
Do đó, để phát triển thương hiệu nông sản, theo bà Hương, điều đầu tiên cần ứng dụng khoa học tạo ra các dòng sản phẩm tốt, có chất lượng; tổ chức lại sản xuất; xây dựng tiêu chuẩn cho những nhóm sản phẩm. Cần có những doanh nghiệp tốt, tham gia quy mô lớn. Từ đó, hỗ trợ quảng bá sản phẩm nông sản; có chính sách hỗ trợ DN/HTX tham gia xây dựng, phát triển thương hiệu; Gắn kết các thương hiệu lớn hướng tới lợi ích chung, bảo vệ thương hiệu uy tín của nông sản Việt; Tạo hệ sinh thái tốt cho phát triển thương hiệu nông sản thông qua thúc đẩy liên kết theo chuỗi để cùng tạo ra sản phẩm tốt, chất lượng ổn định; Hội, hiệp hội cùng bảo vệ thương hiệu; Tư vấn xây dựng, quản trị, phát triển thương hiệu...

Nguyễn Thủy, nguồn: https://nongnghiep.vn/80-san-luong-nong-san-xuat-khau-cua-viet-nam-chua-xay-dung-duoc-thuong-hieu-d370449.html, ngày 06/12/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>