Bắt sóng giá quý III, doanh nghiệp lãi “ấm”
Lợi nhuận các doanh nghiệp cao su
tăng mạnh trong quý III năm 2024
Công ty CP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI) vừa công bố báo cáo tài chính quý III năm 2024 với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh. Cụ thể, doanh thu thuần riêng quý III năm nay đạt 143 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tài chính tăng trong khi chi phí tài chính giảm nhanh cũng là động lực đẩy lợi nhuận doanh nghiệp đi lên. Kết thúc quý III, lợi nhuận sau thuế của DRI đạt 41,7 tỷ đồng, gấp 4 lần kết quả quý III năm 2023, đây là khoản lợi nhuận theo quý lớn nhất của DRI kể từ năm 2018 đến nay. Lũy kế 9 tháng, công ty này đạt 86 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 72,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hiện đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra. Giải trình kết quả này, DRI cho biết, trong quý III vừa qua giá bán mủ cao su tăng cao, đồng thời công ty còn có thêm nguồn thu từ sầu riêng khiến doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng.
Trên sàn chứng khoán, các doanh nghiệp niêm yết ngành cao su cũng vừa báo cáo lợi nhuận tăng trưởng đáng kể. Có thể kể đến Công ty CP Cao su Phước Hòa (PHR) vừa báo cáo lợi nhuận sau thuế quý III năm 2024 đạt 32,5 tỷ đồng, tăng cao so với khoản lãi hơn 700 triệu cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, doanh thu thuần đạt 317,7 tỷ đồng, tăng 12%. PHR cũng cho biết, lợi nhuận tăng cao nhờ giá bán mủ tăng trong kỳ, đẩy lợi nhuận gộp tăng 13,5 tỷ đồng. Ngoài ra, PHR còn ghi nhận cổ tức từ Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn. Còn tại Công ty CP Cao su Tây Ninh (TRC), doanh thu thuần quý III tăng 28% cùng doanh thu tài chính, lợi nhuận khác tăng tốt khiến lợi nhuận sau thuế ghi nhận 73 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần lợi nhuận cùng kỳ năm ngoái. Đây là khoản lãi theo quý lớn nhất của TRC kể từ 2024 đến nay. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, TRC đã đạt 101 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (cùng kỳ 2023 lãi hơn 20 tỷ), vượt qua kỳ vọng lợi nhuận trước đó của ban lãnh đạo doanh nghiệp là 70,5 tỷ đồng cả năm 2024.
Giá bán cao su tăng trở lại trong quý III vừa qua cũng là niềm vui chung của các doanh nghiệp cao su – từng được ví như là “vàng trắng” của người dân Tây Nguyên trong thời kỳ giá trị kinh tế cao. Nhiều năm qua, giá cao su èo uột khiến các doanh nghiệp trong ngành nhiều nơi phải thu nhỏ quy mô trồng cao su, lấn sân thêm sang các lĩnh vực khác để xoay xở tồn tại. Song đến nay, những doanh nghiệp vẫn còn gắn bó với loại nguyên liệu này đang ghi nhận kết quả tăng trưởng tốt trong quý III khi triển vọng giá cao su tiếp tục trong xu hướng đi lên. Tại thời điểm cuối tháng 9/2024, giá cao su RSS 3 và TSR 20 trên thị trường quốc tế lần lượt tăng 83% và 55% so với cùng kỳ, nguyên nhân do diễn biến thời tiết cực đoan. Điều này đã hỗ trợ tích cực cho giá cao su xuất khẩu của Việt Nam, giá xuất khẩu bình quân trong tháng 9 đạt 1,697 USD/tấn, tăng 30% so với cùng kỳ và giá bán 9 tháng 2024 đạt 1,588 USD/tấn, tăng 19%. Nhờ đó, tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 9 tháng tăng 12% dù sản lượng xuất khẩu giảm 6%.
Thủy Triều, nguồn: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-vang-trang-quay-lai-thoi-ky-tang-truong-d228574.html, ngày 29/10/2024 (HV trích dẫn)