Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Hỗ trợ doanh nghiệp - yêu cầu cấp thiết

09/01/2023
Trái ngược với tình hình suôn sẻ, tăng trưởng cao của quý II và III năm 2022, hiệu quả kinh doanh và sức tăng trưởng trong quý IV của nền kinh tế đã suy giảm, kèm theo những lo ngại tình hình sẽ ảm đạm trong thời gian tới. Doanh nghiệp gặp khó, đơn hàng xuất khẩu suy giảm, lao động thiếu việc làm, bên cạnh tác động của lạm phát, lãi suất tăng. Như vậy, hỗ trợ doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

 


 

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử. Ảnh: Đỗ Tâm
Tình hình bất lợi
Không phải ngẫu nhiên mà từ tháng 11/2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Diễn đàn kinh tế 2023 Cùng doanh nghiệp “vượt sóng”. Có thể coi đó như một sự lo xa trước khả năng nhiều khó khăn, thách thức sẽ phát sinh, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2023. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp như quan điểm chỉ đạo của Chính phủ.
Trên thực tế, dù doanh nghiệp đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Tính sơ bộ, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thị trường thì có 7 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương trước những khó khăn của thế giới và trong nước. Trong khi đó, Bộ Công Thương xác nhận, nhịp độ sản xuất công nghiệp đã suy giảm từ đầu quý IV năm 2022. 
Tình trạng trên thể hiện qua sự suy giảm đơn hàng của doanh nghiệp trong nước; đặc biệt đối với đơn vị sản xuất hàng tiêu dùng, xuất khẩu. Từ tháng 7 đến tháng 11/2022, khoảng 37.000 công nhân thuộc ngành gỗ, da giày, may mặc đã phải giãn ca hoặc tạm nghỉ do thiếu đơn hàng từ các đối tác châu Âu, Hoa Kỳ. Một số doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, Long An cho “công nhân nghỉ về quê ăn Tết sớm” trước cả tháng. Rõ ràng, thiếu việc làm có thể ảnh hưởng cả đến an sinh xã hội thời gian tới.
Một số chuyên gia nhận định, các yếu tố thuận lợi đã giảm dần từ quý III năm 2022 và có thể kéo dài sang năm 2023. Nói cách khác, doanh nghiệp đang đứng trước nhiều bất lợi, trong đó chủ yếu do yếu tố khách quan khi kinh tế thế giới suy giảm, nhất là ở các khu vực, đối tác quan trọng của Việt Nam. Còn theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, năm 2023 có thể gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi bối cảnh khu vực và quốc tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường.
Nhận diện vướng mắc để trợ giúp doanh nghiệp
Ngoài khó khăn do khách quan, vẫn còn một số nguyên nhân chủ quan gây khó cho doanh nghiệp. Chẳng hạn mới đây, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã gửi văn bản, kiến nghị ngành Thuế về việc đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) của một số đơn vị được giải quyết chậm trễ, gây khó cho doanh nghiệp. Trên thực tế, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Thủ tướng Chính phủ cũng nhận xét, việc hoàn thuế VAT cho các mặt hàng xuất khẩu thuộc ngành gỗ, cao su không nhất quán trong cách làm giữa các địa phương, giữa thời gian xác minh, gây đọng vốn trong bối cảnh dòng tiền của doanh nghiệp hạn hẹp. Nói cách khác, sự tương đồng trong cách xử lý của các cơ quan quản lý rất quan trọng, bởi nó tạo ra sự ổn định, nhất quán cho một quy định.
Tất nhiên, vướng mắc trên sẽ được cơ quan chức năng vào cuộc, xem xét tháo gỡ. Song theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, do quy mô nhỏ, thiếu vốn và phải chịu thiệt hại nặng nề vì dịch COVID-19, một bộ phận doanh nghiệp vẫn đối diện khó khăn, sức chống chịu giảm sút, chưa thể phục hồi như mong muốn. Do đó, rất cần sự tiếp tục đồng hành, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả hơn. Đặc biệt, cần theo dõi, phát hiện những tồn tại, nhất là các vấn đề liên quan đến quản lý, để giải quyết kịp thời. Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn thông tin, Bộ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp về thuế, phí, lệ phí trong thời gian tới, vì thực tiễn cho thấy đây là giải pháp hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp thụ hưởng.
Nhìn chung, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, đồng hành cùng doanh nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Ở cấp độ địa phương, Hà Nội đã chủ trương lắng nghe ý kiến và giải quyết vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, chính quyền Thủ đô luôn chủ động gặp gỡ, nắm bắt thông tin cũng như vấn đề nảy sinh từ doanh nghiệp, trên tinh thần đồng hành và cầu thị. Những việc vượt thẩm quyền thành phố sẽ tổng hợp, báo cáo cấp trên, đề xuất giải pháp tháo gỡ. Hà Nội luôn chủ động cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vì doanh nghiệp.
Đặc biệt, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương CIEM) Nguyễn Minh Thảo nhận định, năm 2023, Chính phủ sẽ tập trung mạnh mẽ cho việc hỗ trợ các nội dung liên quan đến việc làm, người lao động để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp trong bối cảnh thiếu đơn hàng, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập. Hơn nữa, các cấp, ngành cần tạo ra, duy trì áp lực cải cách một cách thường xuyên để “giữ lửa” cải cách, từ đó mang lại sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn.
Các chuyên gia cũng cho rằng, rất cần sự phối hợp giữa các cấp, ngành, cơ quan trong tiến trình cải cách vì doanh nghiệp. Trong đó, tập trung nhấn mạnh và giải quyết những vấn đề đã nhận diện, cộng hưởng cùng sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, từ đó nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc tạo không gian cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển tối đa.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>