Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Tháo gỡ điểm nghẽn, mở đường cho kinh tế tư nhân bứt phá

19/05/2025

Kinh tế tư nhân đóng góp hơn 51% GDP nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng; nghị quyết mới của Quốc hội kỳ vọng sẽ “cởi trói” để khu vực này bứt phá mạnh mẽ.
 


Khu vực kinh tế tư nhân, một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, hiện đang đóng góp khoảng 51% GDP và hơn 30% thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, mức độ phát triển của khu vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68 vào đầu tháng 5, Quốc hội tiếp tục thông qua một nghị quyết riêng nhằm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù, từ đó tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và thực chất hơn. Một số điểm nhấn quan trọng trong dự thảo nghị quyết mới bao gồm: cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tư nhân tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất; mở rộng tiếp cận tài chính, tín dụng; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; cũng như khuyến khích hình thành các DN tư nhân quy mô lớn, có vai trò tiên phong trong nền kinh tế.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, cho biết: “Nghị quyết Quốc hội sẽ thể chế hóa rõ quan điểm của Nghị quyết 68 là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Trong trường hợp sai phạm có thể xử lý hình sự hoặc không, sẽ ưu tiên không xử lý hình sự, thay vào đó là xử lý kinh tế, khắc phục hậu quả’’. Theo ông Cường, điều này giúp phân định rạch ròi giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm pháp nhân, không đánh đồng sai phạm của một cá nhân với cả DN. Đồng thời, cũng phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp và tài sản có nguồn gốc từ sai phạm. “Cơ chế này sẽ tạo động lực để doanh nhân yên tâm đầu tư, kinh doanh, không sợ rủi ro dẫn đến hệ lụy hình sự khiến họ chùn bước’’, ông Cường nhấn mạnh.
Quốc hội dự kiến sẽ tiếp tục thông qua một nghị quyết riêng với
các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn
và tạo điều kiện thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân
Dự thảo nghị quyết nổi bật với chủ trương chuyển từ thanh, kiểm tra tiền kiểm sang hậu kiểm. GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, việc thanh kiểm tra quá nhiều trước đây gây đình trệ sản xuất và tâm lý bị soi xét cho doanh nghiệp. Với chuyển đổi số, các cơ quan quản lý có thể kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh từ xa, theo thời gian thực, ví dụ theo dõi nguồn nguyên liệu và quy trình vận hành. Hậu kiểm vì thế hiệu quả hơn, giúp tránh gián đoạn sản xuất và tiết kiệm nguồn lực. Hai từ khóa “cởi trói” và “dẫn dắt” được xem là đột phá thể chế trong dự thảo. “Cởi trói” nghĩa là tháo bỏ rào cản, thủ tục không cần thiết để doanh nghiệp được quyền làm những gì pháp luật không cấm. “Dẫn dắt” thể hiện vai trò chủ động của Nhà nước trong việc tạo lập thị trường, hỗ trợ và định hướng doanh nghiệp phát triển. Nhà nước kiến tạo không chỉ là không can thiệp mà còn phải định hướng phát triển qua hỗ trợ hạ tầng, điều kiện vật chất và đặt hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực chiến lược.
Một trong những rào cản lớn nhất đối với khu vực kinh tế tư nhân hiện nay là chi phí tuân thủ và thủ tục hành chính. GS.TS. Hoàng Văn Cường cho biết, DN mất nhiều thời gian và tiền bạc để thực hiện thủ tục, thậm chí có thể mất cơ hội kinh doanh do chờ đợi quá lâu. Để tháo gỡ, dự thảo nghị quyết đặt mục tiêu trong năm 2025 phải rà soát và cắt giảm ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết, đồng thời giảm thời gian xử lý thủ tục ít nhất 30%. Tuy nhiên, theo Văn phòng Chính phủ, tiến độ cắt giảm thủ tục hành chính tại một số bộ, ngành và địa phương vẫn chậm, thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho DN tư nhân và giảm hiệu quả cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh cần thay đổi tư duy quản lý kinh tế tư nhân, chuyển từ quản lý sang hỗ trợ, từ giám sát sang đồng hành, và phát triển kinh tế tư nhân tự do nhưng có liên kết để hình thành chuỗi giá trị bền vững. Đây là hướng đi phù hợp với tinh thần Nhà nước kiến tạo, giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững cho khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, cũng theo ông Cường, bên cạnh nỗ lực cải cách từ phía Nhà nước, thành công còn phụ thuộc vào chính các DN. DN cần nhìn lại năng lực, tiềm lực của mình để tận dụng cơ hội. Họ phải dám đổi mới sáng tạo, đầu tư công nghệ, chấp nhận rủi ro để tạo đột phá. Ông cũng cho rằng, DN cần tạo liên kết, hình thành các chuỗi giá trị, trong đó các DN đầu đàn sẽ là “chim đầu đàn” dẫn dắt nhóm DN nhỏ cùng phát triển, tạo nên một hệ sinh thái mạnh mẽ. So với chính mình cách đây một đến hai thập kỷ, khu vực DN tư nhân đã có những bước tiến vượt bậc, hiện đóng góp khoảng 51% GDP, tạo ra hơn 40 triệu việc làm và chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế.
Dự kiến tới đây, nghị quyết của Quốc hội nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 68 của Trung ương mở ra cú hích mới cho kinh tế tư nhân tăng tốc mạnh mẽ. Khi các điểm nghẽn dần được tháo gỡ, nguồn lực được khai thông, và cùng với sự phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế khác, khu vực kinh tế tư nhân được kỳ vọng sẽ đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới.

Ban Thời sự, nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/thao-go-diem-nghen-mo-duong-cho-kinh-te-tu-nhan-but-pha-20250517161843491.htm, ngày 17/5/2025 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>