Thái Lan hiện là nước sản xuất – xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, chiếm tới 40% nguồn cung toàn cầu nhưng nông dân trồng cao su tại nước này đang gặp khó khăn do giá cao su thấp liên tục trong nhiều năm qua cùng với suy giảm nhu cầu thế giới.
Để đẩy giá cao su tăng và bình ổn thu nhập cho nông dân, chính phủ Thái Lan đã vạch ra một loạt các mục tiêu đạt được vào năm 2036, theo người phát ngôn chính phủ, bà Rachada Dhnadirek cho hay. Các mục tiêu này bao gồm giảm diện tích trồng cao su 21% từ 3,73 triệu ha năm 2016 xuống 2,94 triệu ha và tăng giá trị xuất khẩu cao su thiên nhiên từ 250 tỷ Baht lên 800 tỷ Baht hàng năm. Chính phủ Thái Lan cũng muốn nâng năng suất cao su tăng 60% và thu nhập trên một đơn vị diện tích tăng 65%, tăng tỷ lệ tiêu dùng cao su nội địa từ 13,6% lên 35% tổng sản lượng cao su hàng năm.
Nước này cũng đang triển khai những nỗ lực lớn nhằm tăng xuất khẩu cao su trong những tháng gần đây sau khi cắt giảm xuất khẩu trong thời gian 4 tháng, từ cuối tháng 5 tới cuối tháng 9, là một phần trong kế hoạch của các nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới nhằm thúc đẩy giá cao su thế giới. Cú hích này đưa ra sau khi xuất khẩu cao su Thái Lan giảm mạnh do các căng thẳng thương mại quốc tế và sự mạnh lên của đồng Baht – đồng tiền tăng giá mạnh nhất châu Á năm 2019 – càng gây áp lực lên nền kinh tế trọng thương mại này.
Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit cho hay nước này đã ký các thỏa thuận xuất khẩu cao su trị giá 1,13 tỷ USD, bao gồm các thỏa thuận bán 140.000 tấn các sản phẩm cao su, được ký trong dịp triển lãm ngành cao su kéo dài 3 ngày tại Bangkok tuần trước.