EUDR từng được xem là bước ngoặt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhưng các quốc gia và doanh nghiệp đến từ Brazil và Malaysia lại cho rằng, quy định này mang tính bảo hộ và có thể khiến hàng triệu tiểu điền bị loại khỏi chuỗi cung cho thị trường EU. Ngoài ra, ngành công nghiệp cũng đưa ra nhiều cảnh báo rộng rãi, rằng quy định EUDR sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Liên minh châu Âu và đẩy giá lên cao.Vào tháng 3/2024, 20 trong số 27 quốc gia thành viên EU đã yêu cầu Brussels thu hẹp quy mô và có thể đình chỉ quy định EUDR, với lý do luật sẽ gây hại cho chính những người nông dân trong khối, những người sẽ bị cấm xuất khẩu các sản phẩm được trồng trên đất bị phá rừng.
EC cho biết đề xuất này sẽ cần sự chấp thuận của Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên. Ủy ban cũng đang công bố các tài liệu hướng dẫn bổ sung. Các nhà lãnh đạo EU đã nới lỏng nhiều biện pháp bảo vệ môi trường trong năm nay để cố gắng dập tắt các cuộc biểu tình của nông dân về chính sách xanh của khối và hàng nhập khẩu giá rẻ. Tuy nhiên, chính điều này bị các nhà vận động môi trường chỉ trích.Tổ chức Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đánh giá, sự chậm trễ này làm dấy lên nghi ngờ nghiêm trọng về cam kết của EC trong việc thực hiện các lời hứa về môi trường của EU.
Ảnh: Reuters
Theo quy định EUDR, các công ty nhập khẩu đậu nành, thịt bò, ca cao, cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su và các sản phẩm liên quan đều phải chứng minh chuỗi cung ứng không góp phần vào việc phá hủy rừng trên thế giới, nếu không sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt nặng.Các công ty sẽ phải lập bản đồ kỹ thuật số chuỗi cung ứng của mình đến tận nơi nguyên liệu thô được trồng, ngay cả trên các trang trại nhỏ ở vùng nông thôn xa xôi, tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới.Những người chỉ trích cho rằng điều này cực kỳ phức tạp trong chuỗi cung ứng trải dài toàn cầu và không chỉ liên quan đến hàng triệu trang trại mà còn nhiều bên trung gian có dữ liệu không dễ xác minh.
Tổ chức Eurocommerce, đại diện cho ngành bán lẻ châu Âu, đánh giá quyết định này thể hiện EC đã ghi nhận những lo ngại về vấn đề tuân thủ và khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng. Trước đó, vào cuối tháng 9/2024, gần 30 hiệp hội thương nhân, nhà sản xuất, trang trại, tổ chức xã hội dân sự và thậm chí cả các nhà xuất bản báo chí châu Âu đã đề nghị hoãn việc thực hiện EUDR và kiến nghị cung cấp đầy đủ các công cụ tuân thủ cần thiết, với thời gian đủ đảm bảo để chuẩn bị đầy đủ.Nhóm này đưa ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh rằng, hậu quả nếu áp dụng EUDR từ năm 2025 sẽ gây ra gián đoạn thị trường nghiêm trọng, gây tổn hại nặng nề cho các nhà sản xuất chính của châu Âu, đồng thời đe dọa đến an ninh chuỗi cung ứng, làm giảm khả năng tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và lâm nghiệp quan trọng của EU.
Bảo Thắng, nguồn: https://nongnghiep.vn/hoan-thuc-thi-eudr-1-nam-d402208.html, ngày 03/10/2024 (HG trích dẫn)