Tin tức >> Tin cao su trong nước

Giải pháp giữ ổn định diện tích cao su ở Phú Yên

30/08/2016

 Từng được mệnh danh là cây “vàng trắng” đem lại lợi nhuận cao cho người dân, nhưng mấy năm gần đây người trồng cao su cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng gặp phải khó khăn do mủ liên tục rớt giá. 


 Khó cầm cự, một số người phải chặt bỏ bớt diện tích, bán vườn hoặc chuyển sang cây trồng khác. Trước thực trạng trên, chính quyền và các ngành chức năng khuyến cáo nông dân cố gắng giữ ổn diện tích, giảm suất đầu tư, giãn thời gian cạo mủ, chờ mủ cao su lên giá.

Giá mủ liên tục lao dốc, người trồng cao su ở tỉnh Phú Yên rất lo lắng và có hộ phải chặt bỏ bớt diện tích để chuyển sang trồng cây khác vì không đủ bù đắp chi phí đầu tư, công chăm sóc.
Là một trong những vùng trồng cao su sớm nhất tỉnh Phú Yên, không như trước đây, những ngày này, tại các vườn trồng cao su ở các xã Sơn Định, Sơn Long thuộc huyện miền núi Sơn Hòa đang vào vụ thu hoạch rộ mủ cao su, nhưng không khí rất ảm đảm, ít bóng dáng người lao động mặc dù những cái bát gắn trên thân cây đã đầy mủ. Ông Đào Trọng Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa cho biết: “Xã chúng tôi phát triển cây cao su từ năm 2005, đến nay được 495ha; trong đó có 315ha đang cho khai thác mủ. Mấy năm qua, giá mủ cao su quá thấp, người trồng gặp nhiều khó khăn”.
Theo những người có kinh nghiệm trồng cây cao su, mặc dù giá mủ chỉ còn 10 nghìn đồng/kg, nhưng nếu trồng giống mới và nắm rõ kỹ thuật khai thác, tiết kiệm công lao động, thì một ngày mỗi hecta cao su cũng thu được khoảng 40kg mủ, bán được 400 nghìn đồng. Ông Nguyễn Văn Chung, người có thâm niên hơn 15 năm trồng cao su ở nhiều nơi trong nước, nay về đầu tư 2 ha tại xã Sơn Định cho rằng: “Khí hậu ở xã Sơn Định mát mẻ hơn Bà Rịa – Vũng Tàu, nên cây cao su cho mủ rất nhiều. Tuy nhiên, năng suất mủ thấp là do giống. Ngoài ra, còn do bà con cạo mủ chưa đúng kỹ thuật”. Anh Chung cho biết thêm, vườn cao su của tôi trồng 560 cây/ha, mỗi ngày cho hơn 40 kg mủ. Nếu cạo mủ đúng kỹ thuật, với giá cả hiện nay, một ha cao su cũng cho thu nhập ít nhất 40 triệu đồng/năm.
Hiện nay, mặc dù nhiều hộ trồng cao su ở Phú Yên đã bắt đầu biết dùng các phương pháp khai thác mủ mang lại hiệu quả kinh tế, kết hợp với sử dụng nhân công của gia đình để giảm chi phí và giữ ổn định diện tích cao su, chờ mủ lên giá. Tuy nhiên, do vay vốn ngân hàng quá lớn, có hộ trồng gần 7 ha, vay đến gần 300 triệu đồng. Nếu như sắp tới, giá mủ cao su không được cải thiện, nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần vì không có tiền trả lãi ngân hàng. Để giúp người dân yên tâm sản xuất, không nên nhất thời phá bỏ cây cao su, ông Đào Trọng Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Định – cho biết, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân cố gắng chăm sóc và giữ nguyên diện tích cao su hiện có, kết hợp luân canh, thâm canh các loại cây trồng khác.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh có gần 4.000 ha cao su, tập trung lớn ở hai huyện miền núi Sông Hinh và Sơn Hòa, trong đó hơn 1.800ha đã cho khai thác. Mấy năm gần đây, do ảnh hưởng chung của thị trường cao su trong nước và thế giới, giá mủ cao su liên tục giảm, người trồng gặp phải khó khăn.
Giải quyết vấn đề này, theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, đối với những vườn cao su sinh trưởng tốt và trung bình đang trong thời kỳ kinh doanh, nên giảm đầu tư phân bón, giãn thời gian cạo mủ (từ 3 đến 4 ngày một lần) để kéo dài tuổi thọ cây và dùng công lao động trong gia đình để giảm chi phí, chờ mủ lên giá. Đối với vườn cao su kém phát triển, đề nghị UBND các huyện kiểm tra đánh giá thực tế. Trên cơ sở đó, Sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng, đề xuất ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ.
Trình Kế  – Phương Nam, nguồn: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/30527502-giai-phap-giu-on-dinh-dien-tich-cao-su-o-phu-yen.html, ngày 27/8/2016 (TD trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>