Hoạt động >> Hỗ trợ Hội viên

Tham dự diễn đàn nâng cao năng lực tiếp cận thị trường liên minh châu Âu EU thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)

15/01/2020

Ngày 19 tháng 12 năm 2019, Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP HCM (CIIS), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư TP HCM (ITPC) đã tổ chức diễn đàn nâng cao năng lực tiếp cận thị trường Châu Âu (EU) thông qua hiệp định thương mại tự do Việt Nam ­– EU (EVFTA)


Tham dự diễn đàn có sự tham gia của ông Vũ Xuân Phong – Phó Chủ tịch, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam; ông Phạm Bình An – Giám đốc Trung tâm Hội nhập quốc tế TP HCM; ông Võ Chí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng CIEM, Trọng tài viên VIAC; bà Nguyễn Thảo Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu, và một số đại biểu khác cùng với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội thuộc nhiều nhóm ngành và giới truyền thông. Văn phòng Hiệp hội cao su Việt Nam cũng đã cử đại diện tham dự sự kiện này.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Vũ Xuân Phong đã cho biết Hiệp định thương mai tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một trong những cam kết rộng nhất từ trước đến nay của nước ta. Hiệp định này mở rộng cánh cửa đầu tư Việt Nam – EU và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng đứng trước những rào cản lớn trong việc đáp ứng điều kiện sản phẩm xuất khẩu sang EU vì đây là nơi có các quy tắc bảo vệ người tiêu dùng rất nghiêm ngặt. Qua một khảo sát gần đây cho thấy, hiện chỉ có 1.55% các doanh nghiệp đã tìm hiểu kỹ và đã đáp ứng được các yêu cầu của EVFTA và có tới 65,29% doanh nghiệp tuy đã biết nhưng vẫn chưa tìm hiểu kỹ và chưa đáp ứng được các yêu cầu của hiệp định này. Đứng trước tình hình này, ban tổ chức đã tổ chức diễn đàn nâng cao năng lực tiếp cận thị trường liên minh Châu Âu (EU), nhằm nâng cao nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Phạm Bình An – Giám đốc Trung tâm Hội nhập quốc tế TP HCM phát biểu tại diễn đàn
Ông Phạm Bình An – Giám đốc Trung tâm Hội nhập quốc tế TP HCM đã báo cáo về nội dung của diễn đàn là những chia sẻ, trao đổi thẳng thắn các thông tin có định hướng cao về: cơ hội tiếp cận thị trường EU của doanh nghiệp nhằm tận dụng tốt nhất hiệp định EVFTA; thách thức của doanh nghiệp Việt Nam; nhu cầu của doanh nghiệp và cần chuẩn bị gì để khai thác có hiệu quả thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực.
Tại diễn đàn, ông Võ Chí Thành đã có những phát biểu về Hiệp định thương mai tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và những cơ hợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, ông đã đưa ra những lý do vì sao nước ta lại ký hiệp định EVFTA với EU. Qua số liệu thống kế về tỷ trọng và tăng trưởng XK/NK hàng hóa đến từ các thị trường chính, thấy rằng, từ năm 2011 – 2018 tỷ trọng xuất khẩu của nước ta vào EU lên đến 18,15% tương đương 41,9 tỷ USD và đã tăng 17,68% kể từ năm 2011 đến 2018, còn tỷ trọng nhập khẩu của nước ta từ các nước EU là 6,39% và đã tăng 10,24%. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nước tăng thường nhanh hơn là nhập khẩu và hầu hết xuất khẩu của nước ta vào các thị trường lớn như Asian, Hàn Quốc đều thâm hụt lớn, trong khi đó xuất khẩu vào các nước EU và Hoa Kỳ thì lại mang lại thặng dư cao. Từ những điều này cho chúng ta thấy việc thông qua hiệp định EVFTA sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho kim ngạch xuất – nhập khẩu của nước ta. Không những vậy, nước ta cũng có nhiều lợi thế khi hiệp định EVFTA được thông qua đó là: EU sẽ mở cửa sâu rộng, thuế quan sẽ dần bằng 0 theo lộ trình, và do nước ta còn nghèo nên EU cũng sẽ mở cửa nhanh hơn.
EVFTA được thông qua sẽ mang ý nghĩa to lớn cho Việt Nam có thể kể đến như:
-          Tăng cường xuất nhập khẩu (thương mại) và mở rộng nhiều hoạt động kinh doanh khác;
-          Gia tăng thu hút đầu tư nhất là FDI;
-          Chất xúc tác (áp lực thúc đẩy cải cách thế chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh);
-          Cách thức cơ cấu lại kinh tế (doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, nông nghiệp,…);
-          Nền kinh tế “nhạy cảm” dễ bị tổn thương trước các cú xốc từ bên ngoài (cú xốc giá hàng hóa cơ bản, chiến tranh thương mại,…);
-          Đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro thị trường, giảm thiểu tác động chệch hướng thương mại ;
-          Phí tổn và rủi ro có thể cũng không nhỏ: chi phí điều chỉnh đối với một số ngành/lĩnh vực thiếu khả năng cạnh tranh; chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp (đầu tư, thời gia, công sức) và cả chính phủ; nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô (như không có chính sách phù hợp với dòng vốn vào)
Tại diễn đàn, các diễn giả cũng đã nêu bật lên xu hướng phát triển trong tương lại khi EVFTA được thông qua. Đầu tiên không thể không nhắc tới đó là vấn đề biến đổi khí hậu, phát triển bền vững; tiêu dùng xanh; công nghệ số; và sự phát triển của quản trị bất định… Tuy nước ta có nhiều thuận lợi khi EVFTA được thông qua, nhưng các diễn giả cũng không quên nhắc tới những thách thức mà chúng ta đang sắp phải đối đầu. Đầu tiên phải nhắc tới đó là hàng rào phi thuế quan đối với hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU, tuy thuế quan sẽ được giảm về 0 theo lộ trình nhưng EUcũng đãđưa ra nhiều chỉ tiêu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, sức khỏe động, thực vật, an toàn đối với môi trường: hàng rào kỹ thuật đối với tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn kỹ thuật, bao bì, gián nhãn, nhãn sinh thái EU,…; hạn chế nhập khẩu áp dụng đối với một số sản phẩm nông nghiệp (cần có giấy phép xuất khẩu), sản phẩm nhôm thép; tiêu chuẩn về Marketing; các tiêu chuẩn về môi trường đối với hóa chất, chất độc hại, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón,…Không những vậy, nước ta cũng phải ứng phó với những biện pháp phòng về thương mại của EU về chống bán phá giá, chống trợ cấp, biệp pháp tự về.Ngoài ra,các doanh nghiệp cần lưu ý việc các nước là đối tác của Việt Nam lợi dụng EVFTA để xuất khẩu hàng sang các nước EU.
Đứng trước những thách thức đó, các diễn giả cũng đưa ra những lưu ý trước khi hiệp định này được thông qua như: cam kết về lao động, tiêu chuẩn về hàng hóa và xuất xứ hàng tiêu dùng, mua sắm chính phủ, vấn đề phát triển bền vững và tính hợp tác. Tại diễn đàn một số giải pháp cũng đã được đưa ra như: đối với sản phẩm, các giải pháp phải đi liền với từng sản phẩm, tương tác trực tiếp với khách hàng; đối với các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu các quy định pháp lý đối với EVFTA, các doanh nghiệp cũng phải đồng hành với chính phủ để cập nhật những thay đổi liên quan đến hiệp định này. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm hiểu các thông tin về hiệp định EVFTA thông qua công thông tin điện tử EVFTA dự kiến sẽ được mở vào năm 2020. Bên cạnh đó, đặc biệt đối với các doanh nghiệp muốn xuất/nhập hàng hóa vào EU, Bộ Công Thương cũng đã thiết kế riêng website: http://trade.ec.europa.eu/tradehelp/ tại đây các doanh nghiệp có thể tìm hiểu tất cả các thông tin để xuất khẩu hàng hóa vào EU. Không những vậy, tại diễn đàn các diễn giả cũng đã cũng cấp những thông tin bổ ích khác cho doanh nghiệp về: cách tính PPCT để xác định xuất xứ hàng tiêu dùng, và các doanh nghiệp, tổ chức, tập đoàn chuyên nhập khẩu để cung cấp hàng hóa cho các doanh nghiệp ở EU.
Cuối diễn đàn, diễn giả cũng đã có những nhận định sau: các doanh nghiệp muốn phát triển được thì cần có “ hội nhập đi liền với cải cách” để “bắt kịp và đi cùng với thời đại”. Song thế giới thì không luôn đứng chờ chúng ta cho nên chúng ta cần nhìn ra xu thế để có những hướng đi đúng, tận dụng triệt để những lợi thế của mình, không ngừng sáng tạo, chia sẻ và kết nối là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển. Thông qua chia sẻ của các diễn giả, các doanh nghiệp và hiệp hội,… đã có cái nhìn rộng hơn về EVFTA, hiểu được những cơ hội và thách thức của nước ta khi hiệp định này được thông qua. Từ đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những sự chuẩn bị kỹ càng hơn cho bước tiến quan trọng của nền kinh tế nước nhà này.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam tổng hợp (Hồng Mai)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>