.png)
Tại buổi Tọa đàm, ông Trương Tất Đơ đã trình bày Khung Hướng dẫn tạm thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ngành gỗ thích ứng với EUDR. Hướng dẫn này được thiết kế dựa trên chuỗi giá trị ngành gỗ, cung cấp tổng quan về EUDR và các quy định cơ bản mà tổ chức, DN và cá nhân phải tuân thủ, đặc biệt nhấn mạnh các yêu cầu về thu thập thông tin, lập hồ sơ và đảm bảo trách nhiệm giải trình. Hướng dẫn chỉ ra ba bước triển khai chính để tuân thủ EUDR: (1) DN cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể; (2) Xây dựng hệ thống thẩm định để kiểm tra và xác nhận nguồn gốc gỗ hợp pháp; (3) Vận hành hệ thống thẩm định này để đảm bảo hiệu quả và tuân thủ liên tục. Ngoài ra, Khung Hướng dẫn cũng đề cập đến việc đánh giá rủi ro và biện pháp giảm thiểu, giúp các bên liên quan tránh những tác động tiêu cực nếu không tuân thủ EUDR.
Ông Nguyễn Văn Tiến đã chia sẻ về truy xuất nguồn gốc gỗ trong chuỗi cung ứng theo quy định tại Nghị định 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 102/2020/NĐ-CP và Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT. Nghị định 120/2024 mở rộng phân loại DN và điều chỉnh định nghĩa về gỗ hợp pháp, đặc biệt là quy định gỗ bị xử lý hoặc tịch thu không được phép lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, quy định về hồ sơ gỗ xuất khẩu trong Nghị định 102/2020 hiện chưa có hướng dẫn thi hành, vì vậy các DN xuất khẩu vẫn thực hiện theo Điều 19 Thông tư 26/2022. Truy xuất nguồn gốc lâm sản là quá trình giám sát để xác định tính hợp pháp và nguồn gốc của sản phẩm gỗ qua từng công đoạn trong chuỗi cung ứng, bao gồm sản xuất, chế biến, lưu trữ, vận chuyển và phân phối.
Ông Trần Lê Huy, Trưởng nhóm Công tác EUDR của các hiệp hội gỗ và lâm sản, đã cung cấp thông tin hướng dẫn DN ngành gỗ tuân thủ các yêu cầu EUDR. Các hệ thống chứng nhận như FSC và PEFC tiếp tục được sử dụng làm bằng chứng thẩm định các yêu cầu của EUDR. Ông cũng giới thiệu các hoạt động thích ứng EUDR trong ngành gỗ, bao gồm triển khai các giải pháp tại các tỉnh/thành phố, thực thi Nghị định 102 và Nghị định 120 của Chính phủ, cùng các Thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT như Thông tư 26 về quản lý và truy xuất nguồn gốc lâm sản, và Thông tư 21 phân loại DN chế biến và xuất khẩu gỗ. Các tổ công tác EUDR đã được thành lập để hỗ trợ DN, tổ chức các buổi tọa đàm, khảo sát và biên soạn Sổ tay hướng dẫn thích ứng EUDR.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã giải đáp thắc mắc của DN về việc tuân thủ các yêu cầu liên quan đến bảng kê lâm sản của sản phẩm gỗ, như viên nén từ phế phụ phẩm, và các nội dung trong Hướng dẫn tạm thời của Cục Lâm nghiệp. Các đại biểu đã thống nhất rằng, việc kết hợp các quy định về phân loại DN và hồ sơ gỗ xuất nhập khẩu trong Nghị định 120 và Nghị định 102 với các quy định về hồ sơ lâm sản tại Thông tư 26 sẽ tạo ra sự liền mạch trong chuỗi cung ứng gỗ từ trong nước đến sản phẩm xuất khẩu.
Văn phòng HHCSVN tổng hợp (Diệu Bùi)