Hoạt động >> Hỗ trợ Hội viên

Tham dự cuộc họp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để rà soát các hoạt động thích ứng với EUDR

07/02/2024

Ngày 31/01/2023, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) tham dự cuộc họp trực tuyến do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) chủ trì nhằm rà soát các hoạt động thích ứng với Quy định chống phá rừng của Ủy ban châu Âu (EUDR) của các cơ quan/tổ chức liên quan trong thời gian qua và thảo luận cũng như đề xuất các hoạt động thích ứng với EUDR trong thời gian tới. Cuộc họp do ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ NN&PTNT chủ trìvới sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ: Cục Trồng trọt, Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp. Ngoài ra, còn có đại diện của các hiệp hội ngành hàng cao su, gỗ và cà phê cùng tổ chức quốc tế có các dự án liên quan gồm Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Việt Nam (IDH) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ). 


Cuộc họp do Bộ NN&PTNT chủ trì
Theo chia sẻ của đại diện từ GIZ, Việt Nam gần đây đã bắt đầu tham gia dự án hợp tác kỹ thuật toàn cầu “Nông nghiệp bền vững vì các hệ sinh thái rừng” (dự án SAFE), được triển khai từ tháng 01/2024 đến tháng 5/2028, tập trung vào cà phê và lâm sản ở tỉnh Sơn La, với sự hỗ trợ của EU và Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ). GIZ Việt Nam đang hợp tác với Cục Trồng trọt để khảo sát tại tỉnh Sơn La và thảo luận với Bộ NN&PTNT tổ chức sự kiện truyền thông. Họ cũng đưa ra đề xuất chính sách và tham mưu để giúp ngành cà phê và các ngành hàng khác thích ứng nhanh chóng với thông tin mới.
Ngoài ra, IDH lựa chọn thí điểm quản lý và truy xuất nguồn gốc ngành cà phê tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Theo bà Trần Quỳnh Chi – Quản lý IDH tại Việt Nam chia sẻ: “UBND tỉnh đã ra văn bản giao các xã rà soát diện tích đất nông nghiệp không canh tác để tái sinh thành rừng; Vận động các xã giữ nguyên hiện trạng hoặc trồng xen cây lâm nghiệp; Đưa trở lại quy hoạch 3 loại rừng (gồm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất) đối với các vùng đất nông nghiệp đã tái sinh thành rừng”.
Theo chia sẻ của các Hiệp hội ngành hàng cà phê, gỗ và cao su, hiện tại 3 ngành hàng vẫn còn khá lúng túng trong việc thực hiện các yêu cầu đáp ứng EUDR. Cụ thể, việc thiếu cơ sở dữ liệu trong quản lý rừng dẫn đến việc chứng minh sản phẩm không trồng trên đất phá rừng vẫn còn khó khăn và chưa đủ tính xác thực. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2023, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cà phê, gỗ và cao su đã đạt các chứng nhận quốc tế về quản lý và khai thác bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với 3 tiêu chí: kinh tế, xã hội và môi trường. Điều này giúp cho hành trình đáp ứng quy định EUDR của các ngành hàng trở nên lạc quan và dễ dàng hơn.
Nhìn chung, các Hiệp hội ngành hàng và các tổ chức quốc tế đều đồng tình với các hướng đề xuất: Thứ nhất, cần tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông qua nền tảng kỹ thuật số, tiếp cận đến từng hộ nông dân. Thứ hai, đề xuất Bộ NN&PTNT kết hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường và Cục Lâm nghiệp đẩy nhanh hoàn thiện bản đồ số giúp việc truy xuất nguồn gốc trở nên dễ dàng hơn, đồng thời giúp tăng tính pháp lý khi có yêu cầu đối chiếu của các đối tác kinh doanh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. Thứ ba, cần sự vào cuộc khẩn trương của Bộ ngành có liên quan nhằm thống nhất với EU về mẫu thông tin cần khai báo đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam để có thể đáp ứng tốt quy định EUDR trong thời gian sớm nhất.
Văn phòng HHCSVN (Thanh Ngân)
 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>