Kính gửi: Hội viên Hiệp hội Cao su Việt Nam
Tính đến đầu tháng 5/2020, thế giới có hơn 3,6 triệu người dương tính với virus corona chủng mới (Covid-19) tại 214 quốc gia, vùng lãnh thổ và hơn 250 ngàn ca tử vong, toàn thế giới trong tình trạng hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới và bước đầu phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh với tinh thần cảnh giác cao độ trong việc phòng chống sự bùng phát trở lại của dịch bệnh.
Tác động của đại dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế và các loại hình doanh nghiệp. Tỷ lệ tăng trưởng trong năm được dự báo sụt giảm còn 1,5% thay cho dự báo trước đó 2,4%, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Xét đến bối cảnh nền kinh tế Việt Nam, các lĩnh vực từ bất động sản, logistics, hàng tiêu dùng, xây dựng, sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp đã và đang bị kéo theo trong làn sóng từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên sản xuất. Ngành cao su cũng chịu tác động nghiêm trọng từ tình hình chung của cả nước và trên toàn thế giới. Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cao su 4 tháng đầu năm 2020 giảm 35,4% về lượng và giảm 31,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Dịch bệnh Covid-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hàng trăm ngàn người lao động và hộ gia đình, đặc biệt là nông dân tiểu điền phụ thuộc sinh kế vào vườn cây cao su. Hiện nay, hàng trăm ngàn lao động buộc phải cắt giảm giờ làm do doanh nghiệp có xu hướng thu nhỏ quy mô và tiết giảm chi phí tối đa. Trong khi đó, nông dân buộc phải thu hoạch và bán sản phẩm để có thu nhập nuôi gia đình. Như vậy, có thể thấy rằng toàn ngành cao su đang phải chống chọi căng thẳng với các ảnh hưởng của dịch bệnh trong bối cảnh chung của cả nước.
Tình trạng tạm ngưng hoạt động trên diện rộng của các nhà máy sản xuất, sự sụt giảm mạnh về nhu cầu do tâm lý cắt giảm chi tiêu sau đại dịch cũng như việc giá dầu mỏ gần như chạm đáy đã tác động mạnh mẽ lên giá cao su trong thời gian vừa qua. Theo báo cáo của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), sản lượng cao su thiên nhiên thế giới trong năm 2020 dự báo sẽ tăng 2,2% trước khi có dịch, trong khi nhu cầu lại giảm 1,5% so với năm trước. Trong bối cảnh ảm đạm của giá dầu mỏ và sự phục hồi chậm của các nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19 cùng tình trạng dư cung, tình hình giá cao su dự kiến sẽ không có nhiều tín hiệu khả quan cho đến hết năm 2020.
Diễn biến chung thay đổi từng ngày và trong tình huống nguy cơ tiềm ẩn vô số cơ hội. Đại dịch càng thúc đẩy các nhà đầu tư tương lai trong làn sóng dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và khối châu Âu (EVFTA) được phê chuẩn mang lại tiềm năng cho nền kinh tế Việt Nam so với các nước trong khu vực. Với sự chỉ đạo và hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã khẩn trương được nghiên cứu, ban hành kịp thời. Tuy nhiên, cùng với các chính sách hỗ trợ từ bên ngoài, doanh nghiệp ngành cao su cũng phải chủ động cho các bài toán phục hồi sản xuất, kinh doanh phù hợp; đồng thời, xem xét nhiều kịch bản khác nhau để đưa ra các phương án ứng phó phù hợp cho từng kịch bản và hành động nhanh chóng. Đây là thời điểm thích hợp cho các doanh nghiệp phải tự đánh giá lại tất cả nguồn lực, điều kiện kinh doanh để từ đó tái cấu trúc lại, cắt giảm chi phí, quy mô sản xuất… sao cho phù hợp và thích ứng với tình hình mới.
Trước hình hình khó khăn chung, Hiệp hội Cao su Việt Nam rất chia sẻ và sẽ luôn đồng hành cùng Hội viên, doanh nghiệp ngành cao su tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép”: vừa phòng chống dịch, vừa duy trì, ổn định sản xuất và phát triển kinh doanh. Hiệp hội sẽ tăng cường trao đổi thông tin, ghi nhận ý kiến về khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị của Hội viên để báo cáo kịp thời đến Chính phủ và các cơ quan Bộ, ngành nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, phát triển thị trường một cách phù hợp đối với ngành cao su. Đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế để đóng góp tiếng nói của ngành cao su Việt Nam trên trường quốc tế. Hiệp hội mong muốn và chúc các Hội viên cùng vượt qua khó khăn, có phương án ứng phó phù hợp và đạt kết quả tốt nhất trong điều kiện hiện nay.
Ngành cao su đã trải qua nhiều thăng trầm cùng đất nước hơn trăm năm, tôi tin tưởng vào sự chung tay góp sức và quyết tâm vượt khó của các Hội viên, doanh nghiệp để tận dụng được các thời cơ và phát huy tối đa năng lực cạnh tranh của toàn ngành nhằm tồn tại và phục hồi, tìm cơ hội mới tăng tốc và phát triển bền vững.
Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam
Ông Trần Ngọc Thuận