Tại hội thảo, bà Trương Thùy Linh – Phó Cục trưởng Cục PVTM – cho biết gần như chắc chắn DOC sẽ khởi kiện vào giữa tháng 6, do đó các DN cần chuẩn bị kỹ. Hoa Kỳ xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường nên biên độ thuế sẽ được xác định theo nước thứ ba, có thể rất cao. Cục PVTM sẽ có hướng dẫn cụ thể để các DN, hiệp hội nắm bắt, đồng thời khuyến nghị DN cần hợp tác nghiêm túc và có thể liên hệ Cục để được hỗ trợ kịp thời.
Ông Cao Xuân Thanh – Chánh Văn phòng VIFOREST – cho biết, giai đoạn 2020–2024, Việt Nam là nước xuất khẩu gỗ dán (HS 441233) lớn vào Hoa Kỳ, với kim ngạch năm 2024 đạt 669,79 nghìn m³, trị giá 310,73 triệu USD, chiếm hơn 30% thị phần. Sự tăng trưởng nhanh và tỷ trọng lớn đã khiến Việt Nam trở thành đối tượng bị đề nghị điều tra trong hồ sơ DOC tiếp nhận ngày 22/5/2025 từ Liên minh Thương mại Công bằng đối với ván ép gỗ cứng. Đơn kiện cáo buộc sản phẩm từ Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ.
Theo Cục PVTM, nguyên đơn đề xuất Indonesia làm nước tham chiếu để tính biên độ phá giá, trong khi với CTC, cáo buộc tập trung vào 26 chương trình trợ cấp tại Việt Nam như: vay vốn ưu đãi, ưu đãi thuế, miễn giảm thuế nhập khẩu, ưu đãi đất đai, tài trợ trực tiếp và cung cấp tiện ích giá thấp. Đặc biệt, nguyên đơn còn đưa ra cáo buộc Việt Nam có trợ cấp xuyên quốc gia từ Trung Quốc – thông qua việc DN Trung Quốc chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam nhằm tránh thuế và tận dụng nguyên liệu giá rẻ, liên quan sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Hiện Trung Quốc chiếm gần 75% lượng gỗ lạng nhập khẩu (HS 4408) vào Việt Nam.
Cục PVTM khuyến nghị DN phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, gửi đầy đủ Bản trả lời và tài liệu theo yêu cầu của DOC. Việc không hợp tác hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ sẽ bị coi là bất hợp tác, dẫn đến nguy cơ bị áp thuế cao và mất thị trường Hoa Kỳ. DN cũng cần xác nhận tham gia vụ việc, đề nghị hỗ trợ, chủ động thuê luật sư và xây dựng chiến lược ứng phó dài hạn. Cần chuẩn bị sẵn sàng cho việc thẩm tra tại chỗ, bình luận kịp thời các kết luận sơ bộ và cuối cùng, cũng như theo sát nội dung về thiệt hại.
Ngoài ra, các DN cần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng trong nước, bố trí nhân sự, tài chính phù hợp và đăng ký tài khoản ACCESS trên cổng thông tin DOC để nộp văn bản đúng thời hạn. Đặc biệt, cần lưu ý nguy cơ bị áp dụng biện pháp khẩn cấp, do đó việc phối hợp liên tục, chặt chẽ với Cục PVTM là điều kiện then chốt để giảm thiểu rủi ro và bảo vệ quyền lợi trong vụ việc.
Văn phòng HHCSVN tổng hợp (Diệu Bùi)