Tại hội thảo, bà Maja Drča – Đại diện EU tại PEFC International, cho biết EU đã công bố một số thông tin về EUDR trên các trang tin điện tử chính thức của Ủy ban châu Âu, trong đó có giải đáp cho các câu hỏi thường gặp được nhiều bên trong ngành đặt ra[1]. Bản cập nhật của tài liệu này sẽ tiếp tục được công bố vào cuối tháng 3/2024. Ngoài ra, EU cũng đã thiết lập và tiếp tục phát triển Hệ thống Quan sát EU về nạn phá rừng và suy thoái rừng (EU Observatory on Deforestation and Forest Degradation – EUFO)[2]. Đây là một công cụ không bắt buộc nhưng có thể hỗ trợ việc đánh giá rủi ro, thực hiện nghĩa vụ thẩm định (due deligence), cung cấp thông tin vị trí địa lý nhằm đáp ứng yêu cầu của EUDR thông qua tính năng cung cấp quyền truy cập vào bản đồ rừng toàn cầu và thông tin không gian liên quan đến rừng và lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, EU cũng đang tiếp tục xây dựng và vận hành thí điểm hệ thống cho phép các doanh nghiệp đăng tải, kê khai thông tin liên quan đến thực thi EUDR. Theo dự kiến, EU sẽ công bố văn bản hướng dẫn chi tiết về EUDR cùng các nội dung như định nghĩa các khái niệm, tính pháp lý, đánh giá rủi ro của các quốc gia... vào cuối năm 2024. Ngoài ra, hiện đã có 15/27 nước thành viên EU chỉ định một hoặc nhiều cơ quan đáp ứng yêu cầu về thẩm quyền, sự độc lập về chức năng và các nguồn lực để thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ Quy định EDUR [3].
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, PEFC đang phát triển một công cụ là DDS (hệ thống thẩm định) được điều chỉnh theo EUDR, với những định nghĩa mới và yêu cầu thông tin cần cung cấp được sửa đổi và bổ sung phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức được chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC CoC tuân thủ các quy tắc EUDR. Công cụ này sẽ không thay thế nhưng vẫn tương thích và bổ sung cho hệ thống PEFC DDS tiêu chuẩn cho Chuỗi hành trình sản phẩm (ST 2002) và giới hạn cho các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng.
Ngoài ra, PEFC cũng đang xây dựng Nhóm công tác chịu trách nhiệm xác định và đánh giá những khoảng cách giữa tiêu chuẩn Quản lý rừng bền vững PEFC (ST 1003) và các yêu cầu của EUDR, từ đó nghiên cứu các đề xuất kỹ thuật để đáp ứng các yêu cầu này. PEFC lưu ý rằng việc đạt các chứng nhận tự nguyện không đảm bảo được trực tiếp công nhận là tuân thủ yêu cầu của EUDR nhưng bằng cách yêu cầu các công ty phải trải qua quá trình thẩm định, chứng nhận PEFC sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty tuân thủ EUDR.
Nhóm công tác về dữ liệu của PEFC cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu và thu nhận thông tin về các bên và các giải pháp công nghệ, trong đó có giải pháp về cung cấp thông tin vị trí địa lý. Các nỗ lực trên cho thấy khả năng thích ứng và phát triển nhanh chóng của thị trường, mở ra khả năng các công ty lớn có thể hỗ trợ toàn bộ chuỗi cung ứng trong việc thu thập và phân tích dữ liệu để thích ứng với EUDR. Tuy nhiên, do vẫn cần các cập nhật và hướng dẫn cụ thể hơn từ EU, hiện PEFC chưa thể đưa ra khuyến nghị về giải pháp công nghệ thích hợp nhất.
Văn phòng HHCSVN (Hương Giang)
Các tài liệu được chia sẻ tại Hội thảo