Hoạt động >> Hoạt động khác

Tham dự tập huấn “Phòng vệ thương mại – Công cụ bảo vệ ngành sản xuất nội địa trong các FTAs và những lưu ý quan trọng cho doanh nghiệp”

19/01/2016

 Vào ngày 01 và 02/10/2015, Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cử đại diện tham dự  tập huấn “Phòng vệ thương mại – Công cụ bảo vệ ngành sản xuất nội địa trong các FTAs và những lưu ý quan trọng cho doanh nghiệp” do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TP. HCM (HCC-WTO) tổ chức với sự phối hợp của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Sở Công Thương TP.HCM, Sở Tư pháp TP.HCM, Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM.


 Nội dung chương trình tập huấn nhằm giới thiệu tổng quan về các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM); cách ứng phó hiệu quả với các vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra; quy trình, thủ tục điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam…

PVTM bao gồm các biện pháp như chống bán phá giá, tự vệ, chống trợ cấp và chống lẩn tránh thuế. Các chuyên gia đến từ Cục Quản lý cạnh tranh nhận định, PVTM là một biện pháp được WTO cũng như pháp luật quốc tế công nhận, vì vậy các vụ việc PVTM không những gia tăng về lượng mà ngày càng phức tạp hơn, cụ thể: nếu như trước những năm 2000 các vụ kiện PVTM thường được các nước phát triển sử dụng thì nay xu hướng này đang chuyển dần sang các nước đang phát triển; hiệu ứng dây chuyền (nước này kiện thì nước kia cũng kiện) xảy ra thường xuyên; các phương pháp tính mới liên tục được đưa vào áp dụng; xu hướng kiện kép (vừa kiện chống trợ cấp vừa kiện chống bán phá giá) ngày càng tăng.
Theo thống kê từ Cục Quản lý cạnh tranh, trong 9 tháng đầu năm 2015 đã phát sinh 12 vụ việc liên quan đến PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 6 vụ về chống bán phá giá đối với mặt hàng thép. Từ trước đến nay, Việt Nam đối mặt với nhiều vụ PVTM từ các nước và khu vực như Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Canada… Đối với sản phẩm cao su, Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) từ các thị trường Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ đối với một số mặt hàng lốp xe máy và lốp xe đạp, cụ thể: Năm 2012, Brazil áp thuế CBPG đối với lốp xe đạp (HS 40115000) và lốp xe máy (HS 40114000) của Việt Nam. Trước đó, năm 2004, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành áp thuế CBPG với lốp xe đạp (HS 401150000000, 401320000000) và lốp xe máy (HS 401140,401390000011) nhập khẩu từ Việt Nam. Năm 2006, nước này lại khởi kiện và áp thuế CBPG sản phẩm dây curoa (V-Belt) Việt Nam (HS 401032000000, 401034000000,401039000000). Năm 2010, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục rà soát và áp thuế CBPG đối với lốp xe đạp từ 30% - 44%, lốp xe máy từ 29% - 49%. Vào tháng 7/2015, các nhà sản xuất lốp xe đạp và xe máy của Việt Nam lại đối mặt với đơn khởi kiện CBPG từ Thổ Nhĩ Kỳ đối với lốp xe đạp (HS: 4013.20, 4011.50) và lốp xe máy (HS: 4011.40, 4012.90) (nguồn: Cục Quản lý cạnh tranh, http://service.canhbaosom.vn/vi/data/adm).
Vì vậy, các chuyên gia của Cục Quản lý cạnh tranh cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp cần quan tâm đến vấn đề PVTM nhiều hơn khi xuất khẩu hàng hóa, nhất là đối với các thị trường được cảnh báo bởi vì thiệt hại từ các vụ kiện PVTM là vô cùng lớn. Đối với doanh nghiệp Việt Nam khi bị áp thuế PVTM, việc mất thị phần và mất thị trường là điều gần như chắc chắn, cùng với đó là hiệu ứng dây chuyền (khi doanh nghiệp bị kiện ở thì trường nào đó, nếu chuyển sang thị trường khác thì thông thường trong vòng khoảng từ 2 - 3 năm sau sẽ có khả năng tiếp tục bị kiện ở thị trường mới này). Đối vơi thị trường nội địa, doanh nghiệp trong nước cũng chưa chắc sẽ được lợi thế “sân nhà” nếu như doanh nghiệp và cơ quan quản lý không đồng hành cùng nhau trong việc sử dụng công cụ PVTM để chống lại các doanh nghiệp/sản phẩm đến từ các thị trường nước ngoài có hành vi bán phá giá, lẩn tránh thuế hay đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đối với sản xuất trong nước. PVTM là một trong các biện pháp mà Việt Nam có thể thực hiện được để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh quá trình tự do hóa ngày càng sâu rộng và các hàng rào thương mại truyền thống như thuế quan được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều kho khăn do sự hiểu biết, nhận thức về các biện pháp PVTM còn hạn chế cũng như giới hạn về nguồn lực, rào cản ngôn ngữ, pháp lý, hệ thống kế toán, sổ sách tài chính, không có nguồn kinh phí dự trù cho việc tham gia kháng kiện ở nước ngoài, chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó và xử lý… Do đó, để đối phó tốt hơn với các vụ PVTM, các doanh nghiệp cần sắp xếp có hệ thống sổ sách tài chính, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội hay liên minh có cùng lợi ích, sử dụng chuyên gia tư vấn và luật sư, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm… Mặt khác, cơ quan Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, cảnh báo sớm, hỗ trợ trong quá trình kháng kiện, tham vấn trước cho doanh nghiệp để tiến hành khởi kiện và áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa của nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. Trong đó, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TP.HCM và Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác với các doanh nghiệp và các đơn vị trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế qua các chương trình tập huấn, đào tạo, tư vấn … Bên cạnh đó, các kênh thông tin, phân tích, cảnh báo về vụ việc PVTM được HCC-WTO và Cục Quản lý cạnh tranh cập nhật thường xuyên và cung cấp qua các địa chỉ website: www.hoinhap.org.vn; vca.gov.vn; canhbaosom.vn.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam tổng hợp (Thanh Danh, Việt Hồng) 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>