Hoạt động

Hội nghị quốc tế về ngành hàng cao su xuất khẩu năm 2015: Hơn 400 doanh nhân nước ngoài vào Việt Nam giao dịch cao su

19/01/2016

 Thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2015 được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 11855/QĐ-BCT ngày 26 tháng 12 năm 2014, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã tổ chức Hội nghị quốc tế về ngành hàng cao su xuất khẩu kết hợp với sự kiện truyền thống Họp mặt Doanh nhân Cao su Việt Nam vào ngày 04/12/2015 tại Trung tâm Hội nghị Adora, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện này diễn ra đồng thời với Hội nghị & Triển lãm Cao su toàn cầu (Global Rubber Conference – GRC 2015) do Tập đoàn Confexhub (Malaysia) đồng tổ chức với Hiệp hội từ ngày 03 – 05/12/2015, được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đăng cai làm đơn vị chủ nhà và tài trợ chính.


 Mục tiêu của chuỗi sự kiện này nhằm duy trì quan hệ kinh doanh thân thiện với khách hàng truyền thống và tiếp xúc với khách hàng mới để chuẩn bị các hợp đồng giao dịch cho năm sau, đồng thời trao đổi với chuyên gia, đại biểu quốc tế về chất lượng, cơ cấu sản phẩm cao su xuất khẩu và dự báo thị trường cung cầu, xu hướng giá cả để chủ động điều tiết kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

Hiệp hội Cao su Việt Nam vinh dự được đón tiếp Tiến sĩ Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – đến khai mạc Hội nghị & Triển lãm Cao su toàn cầu GRC 2015 vào sáng ngày 04/12/2015. Hiệp hội cũng được vinh dự đón tiếp Tiến sĩ Trần Tuấn Anh – Thứ trưởng Bộ Công Thương đến phát biểu tại Hội nghị quốc tế về ngành hàng cao su xuất khẩu và Họp mặt Doanh nhân Cao su vào tối ngày 04/12/2015. Trong chuỗi sự kiện này, đây là lần đầu tiên hầu hết các tổ chức quốc tế và quốc gia đầu ngành cao su đến tham dự và chia sẻ thông tin với ngành cao su Việt Nam, gồm Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC: Association of Natural Rubber Producing Countries), Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG: International Rubber Study Group), Ủy hội Nghiên cứu và Phát triển Cao su quốc tế (IRRDB: International Rubber Research and Development Board), Công ty Cao su quốc tế (IRCo: International Rubber Consortium  Ltd), Hội đồng Doanh nghiệp Cao su Đông Nam Á (ARBC: ASEAN Rubber Business Council) và hiệp hội cao su của các nước thành viên (Campuchia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore), Học viện Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới Trung Quốc, Hiệp hội Cao su và Chất dẻo Đài Loan, Tổng cục Cao su Malaysia, Viện Cao su Philippines… Bên cạnh các tổ chức và cơ quan quản lý ngành cao su, sự kiện đã hân hạnh đón tiếp trên 860 đại biểu và doanh nhân, trong đó có hơn 400 đại biểu nước ngoài đến từ 35 quốc gia và 460 đại biểu Việt Nam, đạt số lượng đông nhất so với các năm trước. 
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – nhận định: “Đây là chuỗi sự kiện đầy ý nghĩa của ngành cao su Việt Nam trong năm 2015”. Ông đã chia sẻ về những khó khăn của ngành cao su trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi yếu sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ngành cao su Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để vươn lên thứ hai về năng suất cây cao su, giữ vững vị trí thứ ba về sản lượng và thứ tư về xuất khẩu cao su thiên nhiên trên thế giới. Năm 2014, diện tích cây cao su đã đạt 977.700 ha, năng suất đạt 1.692 kg/ha và sản lượng đạt 953.700 tấn, có triển vọng đạt trên 1 triệu tấn cao su năm 2015. Cao su Việt Nam đã xuất khẩu trên 86 quốc gia năm 2014 với hơn 1 triệu tấn, chiếm 11,2% thị phần thế giới, giá trị xuất khẩu 1,78 tỷ USD. Năm 2015, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam ước đạt 1,1 triệu tấn, tăng nhẹ về lượng khoảng 3% và giá trị ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm khoảng 10% do giá sụt giảm. Để đảm bảo chất lượng cao su thiên nhiên, Việt Nam đã có bộ tiêu chuẩn quốc gia và trên 28 phòng kiểm nghiệm chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện để tham gia hài hòa tiêu chuẩn ASEAN trong thời gian tới. Ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm cao su Việt Nam như lốp xe, găng tay, cao su kỹ thuật, linh kiện cao su, băng tải… cũng đang phát triển nhanh với giá trị xuất khẩu tăng trên 33% mỗi năm trong giai đoạn 2010 – 2014 và đạt 1,5 tỷ USD năm 2014.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cũng đánh giá cao sự đóng góp hiệu quả của ngành cao su trong chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, cải thiện điều kiện kinh tế, xã hội, an ninh, cơ sở hạ tầng, phủ xanh các vùng đất đồi và phát triển công nghiệp chế biến. Sắp đến, ngành cần tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô và tăng xuất khẩu sản phẩm cao su. Thực tế năm 2014 cho thấy trên 85% sản lượng cao su nguyên liệu xuất khẩu chỉ đạt gần 1,8 tỷ USD, trong khi đó, 15% sản lượng được chế biến ra thành phẩm lại có giá trị xuất khẩu hơn 1,5 tỷ USD. Trước mắt, trong tình hình cung vượt cầu, giá sụt giảm lâu dài, ngoài việc kiềm chế sản lượng để sớm cân đối cung cầu, ngành cao su cần cắt giảm giá thành, đa dạng hóa nguồn thu trên vườn cao su, đồng thời, cùng với các nước tìm các giải pháp tăng cường sử dụng cao su thiên nhiên.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định Hội nghị rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay để ngành cao su Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các giải pháp, xu hướng phát triển của ngành cao su thế giới nhằm vượt qua khó khăn trước mắt và phát triển vững mạnh lâu dài. Trong đó, ngành cao su Việt Nam cần tập trung không ngừng đổi mới công nghệ, đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh của cao su Việt Nam trên thị trường thế giới; chủ động điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cao su để phù hợp hơn với nhu cầu của thế giới; ngành và doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu của cao su Việt Nam. 
Trong Hội nghị, đã có một số chuyên gia quốc tế chia sẻ những thông tin hữu ích về tình hình và xu hướng thị trường cao su thế giới, giúp ngành cao su Việt Nam có cơ sở chuẩn bị kế hoạch phát triển trong năm 2016 và chiến lược dài hạn.
Theo TS. Abdul Aziz Kadir, Chủ tịch Tập đoàn Confexhub (Malaysia), thị trường cao su thế giới gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây và cả trong thời gian tới do lượng cao su tồn kho còn nhiều, nhu cầu tiêu thụ cao su của thế giới chậm vì các nền kinh tế phục hồi yếu và không đồng đều, châu Âu vẫn còn nợ công lớn, kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chững lại, giá dầu thô sụt giảm, là những nguyên nhân gây áp lực làm giảm giá cao su. Các nước cần hợp tác để tìm giải pháp ứng phó hiệu quả và lâu dài.
Bà Sheela Thomas, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cho biết, sản lượng cao su thiên nhiên của các quốc gia thành viên đã giảm do một số người trồng cao su ngưng cạo mủ vì giá quá thấp. Việc sử dụng cao su thiên nhiên và nhu cầu lốp xe phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng kinh tế. Để giảm lệ thuộc vào ngành lốp xe, cần phải đa dạng hóa việc sử dụng cao su thiên nhiên. Đồng thời, để cân đối cung cầu và giữ giá ổn định, cần quản lý chặt chẽ nguồn cung cao su theo kế hoạch tăng trưởng có trật tự, phù hợp với nhu cầu thế giới.
Tại Lễ khai mạc Hội nghị, Ban Tổ chức GRC 2015 đã trao giải thưởng GRC – Wickham cho ông Lê Mậu Túy – Trưởng Bộ môn Giống, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong việc đổi mới công nghệ (Lai tạo và tuyển chọn giống cao su năng suất cao, thích hợp với từng vùng trồng cao su ở Việt Nam) và ông Nguyễn Thành Được – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã có thành tích xuất sắc trong việc thương mại hóa công nghệ (ứng dụng kỹ thuật biến tính vật lý và hóa học cao su thiên nhiên để chế biến và thương mại hóa các cấp hạng cao su có giá trị gia tăng và cao su ly tâm có protein thấp). Đây là dịp vinh danh công lao đóng góp của những cá nhân và đơn vị liên quan, cũng như giới thiệu cho khách quốc tế những thành tựu khoa học kỹ thuật của ngành cao su Việt Nam.
Ngoài ra, vào tối ngày 04/12/2015, Hội nghị quốc tế về ngành hàng cao su xuất khẩu kết hợp Họp mặt Doanh nhân Cao su Việt Nam năm 2015 đã diễn ra long trọng với sự tham dự của trên 860 đại biểu từ 35 quốc gia, trong đó có đại diện của Chính phủ, các cơ quan Bộ, ngành,địa phương, đặc biệt với sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đại diện các tổ chức quốc tế và quốc gia đầu ngành cao su. Đồng thời tại sự kiện này, 30 Hội viên đã được trao tặng Giấy khen của Hiệp hội Cao su Việt Nam về thành tích xuất sắc trong xuất khẩu, có lợi nhuận và đã đạt Danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2014 do Bộ Công Thương xét chọn.
Bên lề Hội nghị, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã có buổi làm việc cùng Hiệp hội Cao su và Chất dẻo Đài Loan (TRIA). Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Tiến Đức – Phó Chủ tịch VRA, ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VRA, ông Hung Chung Lu – Chủ tịch TRIA cùng các đại diện của hơn 10 doanh nghiệp cao su Đài Loan. Tại buổi làm việc, ông Đức đã giới thiệu tổng quan ngành cao su Việt Nam. Theo đó, ngành cao su thiên nhiên Việt Nam có tiềm năng rất lớn, hiện đứng thứ ba thế giới về sản lượng và thứ tư về xuất khẩu. Theo ông Hung Chung Lu – Chủ tịch TRIA, Việt Nam là nhà cung cấp cao su thiên nhiên quan trọng cho ngành sản xuất sản phẩm cao su Đài Loan trong nhiều năm qua. Một số doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu cao su thiên nhiên dồi dào tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, VRATRIA sẽ tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin cũng như giới thiệu các cơ hội giao thương nhằm góp phần phát triển bền vững ngành cao su của hai nước.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>