Hoạt động >> Quan hệ quốc tế

Tham dự trực tuyến Hội thảo "Tham vấn Báo cáo Phân tích mối liên hệ giữa các quy định trong nước, các cơ chế chứng nhận và truy xuất nguồn gốc được áp dụng cho ngành cao su tại Việt Nam với các yêu cầu của EUDR"

07/02/2025

Ngày 10/01/2025, Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam tham dự trực tuyến buổi họp tham vấn do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức. Cuộc họp nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu chính từ báo cáo “Phân tích mối liên hệ giữa các quy định trong nước, các cơ chế chứng nhận và truy xuất nguồn gốc được áp dụng cho ngành cao su tại Việt Nam với các yêu cầu EUDR” thuộc dự án “EUDR Engagement”, đồng thời thu thập ý kiến để hoàn thiện nội dung báo cáo. Tham dự Hội thảo bao gồm đại diện từ Cục Lâm nghiệp, Cục Trồng trọt, Vụ Hợp tác Quốc tế, các đơn vị và cá nhân đã tham gia phỏng vấn trong quá trình thực hiện nghiên cứu và Nhóm tư vấn.


 

Báo cáo đã phác họa tổng quan về chuỗi cung ứng cao su, các thách thức và thuận lợi trong việc đáp ứng EUDR, đồng thời đưa ra khuyến nghị cụ thể. Hiện nay, ngành cao su là một trong những ngành kinh tế quan trọng với định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng cao su được xuất khẩu đến hơn 160 thị trường, trong đó EU là thị trường lớn thứ ba sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, chiếm 7,8% tổng giá trị xuất khẩu trong năm 2023. Chuỗi cung ngành cao su Việt Nam bao gồm nhiều tác nhân tham gia từ khâu sản xuất, nhập khẩu, chế biến đến phân phối/xuất khẩu.
Tuy nhiên, ngành cao su Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR, đặc biệt là tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún và phân tán của diện tích tiểu điền và hệ thống thu mua qua tầng cấp đại lý trung gian không có thói quen ghi chép giao dịch, gây khó khăn trong truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, việc thiếu thông tin tọa độ địa lý của vườn cây và bản đồ hiện trạng rừng tính đến ngày 31/12/2020 gây khó khăn trong việc chứng minh vùng trồng cao su tiểu điền không gây mất rừng. Cao su nhập khẩu từ Campuchia và Lào cũng tiềm ẩn rủi ro do thiếu minh bạch, có thể trộn lẫn các nguồn khác nhau bao gồm cả nguồn khai thác bất hợp pháp và mủ ăn trộm. Dù vậy, ngành cao su Việt Nam có nhiều lợi thế khi các doanh nghiệp (DN) lớn đã đầu tư hệ thống quản lý và cơ sở dữ liệu, giúp đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc và minh bạch chuỗi cung. Mô hình liên kết DN – đại lý – hộ tiểu điền, áp dụng các bộ tiêu chuẩn chứng chỉ quản lý rừng bền vững phù hợp đáp ứng EUDR, đang cho kết quả tích cực nhằm ổn định và rút ngắn chuỗi cung ứng.
Để đáp ứng EUDR, ngành cao su Việt Nam cần sự phối hợp chặt chẽ từ tất cả các bên trong chuỗi cung ứng. EU và chính phủ Việt Nam cần sớm ban hành hướng dẫn chi tiết, giải quyết các yêu cầu chưa rõ ràng, chưa hiểu đúng giữa hai bên, đồng thời làm rõ rằng EUDR không bắt buộc hay khuyến khích các bên phải có chứng chỉ bền vững. Việc thiết lập cơ chế trao đổi thông tin đa quốc gia (EU, Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan) là cần thiết để giải quyết các vấn đề mang tính vùng/toàn cầu liên quan. Đồng thời, báo cáo GIZ cũng khuyến cáo cần đẩy mạnh truyền thông đa kênh để nâng cao nhận thức về EUDR cho DN, cán bộ địa phương, thương lái và hộ tiểu điền. Ngoài ra, tạo cơ chế thúc đẩy hợp tác với các tổ chức nhằm tận dụng nguồn lực và thế mạnh của các bên khác nhau hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời phát triển mô hình liên kết DN chế biến – đại lý – hộ tiểu điền giúp giảm đầu mối và chi phí giao dịch, rút ngắn chuỗi cung ứng, đảm bảo nguồn cung ổn định và minh bạch.
Văn phòng HHCSVN  tổng hợp (Thanh Vân)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>