Hoạt động >> Quan hệ quốc tế

Tham dự Hội thảo “Ngành cao su thiên nhiên – Triển vọng và phát triển bền vững” và Họp mặt thường Hiệp hội Thương mại cao su Singapore (RTAS)

20/03/2023

 Ngày 24/02/2023, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã tham dự Hội thảo “Ngành cao su thiên nhiên – Triển vọng và phát triển bền vững” do Hiệp hội Thương mại cao su Singapore (RTAS) tổ chức. Thông qua các sự kiện, các đại biểu và tổ chức từ các nước sản xuất cao su thiên nhiên (CSTN) đã cùng chia sẻ, thảo luận về triển vọng năm 2023 cũng như diễn biến mới nhất về phát triển bền vững trong ngành và định hướng hành động cho tương lai của các quốc gia.


Tại Hội thảo, Tiến sỹ Lekshmi Nair, Trưởng Ban Kinh tế và Thống kê của Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG) cho biết, tình hình kinh tế năm 2022 và triển vọng cho năm 2023 chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát, căng thẳng địa chính trị. Ngoài ra, khả năng phục hồi của Trung Quốc cũng được dự báo sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu nói chung và ngành cao su nói riêng. Trước bối cảnh trên, thị trường cao su những năm gần đây vẫn ghi nhận tác động của diện tích trồng mới, tái canh thấp, xu hướng giá thấp và biến động. Sự giảm tốc trong tăng trưởng lượng bán xe thương mại hạng trung và hạng nặng tại Trung Quốc cùng nhu cầu lốp thay thế ở các thị trường đã ảnh hưởng đến mức tăng trưởng nhu cầu CSTN năm 2022. Năm 2023, IRSG dự báo mức tiêu thụ CSTN toàn cầu sẽ đạt 16 triệu tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ, tuy nhiên, tăng trưởng bền vững trong dài hạn của ngành cao su phụ thuộc vào diễn biến của cuộc xung đột Nga – Ukraine và kết quả tăng trưởng thực sự của Trung Quốc trong thời gian tới. Bà Lekshmi Nair cũng nhận định, định hướng phát triển tuần hoàn, bền vững được đánh giá có tiềm năng đem lại lợi ích kinh tế cũng như nhiều cơ hội việc làm mới và việc chú trọng vào tái sử dụng, sửa chữa, tái sản xuất cũng mở ra cơ hội đổi mới trong ngành cao su.

Ông Jom Jacob, Chuyên gia phân tích trưởng và Nhà đồng sáng lập tại WhatNext Rubber Media International cũng nhận định, căng thẳng địa chính trị, lạm phát và chính sách tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế và ngành cao su. Giá cả tăng cao đã dẫn đến việc người tiêu dùng tập trung vào các mặt hàng thiết yếu và hạn chế mua sắm. Xu hướng này tại Hoa Kỳ, châu Âu – các thị trường xuất khẩu chính của Trung Quốc đã dẫn đến nhu cầu đối với nguyên vật liệu, như CSTN, suy giảm. Về triển vọng trong tương lai, ông Jom Jacob nhận định, tốc độ phát triển của nhu cầu CSTN có thể sẽ không cao như kỳ vọng, trong khi sản lượng của một số quốc gia sản xuất lớn như Indonesia, Malaysia có thể sẽ giảm khi tỷ lệ trồng mới, tái canh thấp, tiểu điền chuyển đổi sang ngành khác và dịch bệnh nấm lá. Tuy nhiên, Bờ Biển Ngà sẽ tiếp tục nổi lên như một quốc gia sản xuất CSTN lớn trên thị trường toàn cầu.
Tại phiên thảo luận, các chuyên gia về phát triển bền vững từ các công ty CSTN, lốp xe và ca cao hàng đầu chia sẻ, việc đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định về bền vững, truy xuất nguồn gốc liên quan rất nhiều đến thu thập thông tin, bao gồm cả thông tin về tình hình thực tế tại nơi sản xuất, đến theo sát những thay đổi về thị trường và tìm hiểu kỹ lưỡng yêu cầu của khách hàng. Các đại lý thu mua và bên trung gian – với đặc điểm là mắt xích kết nối với nhiều bên trong chuỗi cung ứng phức tạp của ngành CSTN, có thể đóng vai trò tìm hiểu và chia sẻ các thông tin này giữa các bên, thúc đẩy sự thấu hiểu và chuyển dịch sang định hướng phát triển bền vững toàn ngành.
Văn phòng HHCSVN (Hương Giang)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>