Hoạt động >> Quan hệ quốc tế

Tham gia buổi làm việc trực tuyến giữa PEFC và một số tổ chức trong ngành cao su tại châu Á

05/04/2022

Ngày 11/3/2022, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su đã tham gia buổi làm việc trực tuyến giữa Hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC) và một số tổ chức trong ngành cao su tại châu Á, trong đó có sự góp mặt của đại diện các nước Ấn Độ, Malaysia, Myanmar, Thailand, Lào và Campuchia.


Các chuyên gia đã chia sẻ về bối cảnh và diễn biến của công cuộc phát triển bền vững trong ngành cao su tại mỗi quốc gia, qua đó cho thấy nhận thức về vấn đề này đang gia tăng. Phát triển bền vững dần trở thành mối quan tâm và mục tiêu được chú trọng của doanh nghiệp, tổ chức và Chính phủ các nước. Tuy nhiên việc triển khai các hoạt động nhằm đạt chứng chỉ bền vững và hỗ trợ tiểu điền – mắt xích quan trọng nhưng dễ chịu tổn thương của chuỗi cung ứng – vẫn đang ở những bước đầu tiên và cần sự phối hợp giữa các bên, không chỉ liên kết trong nước mà hỗ trợ hợp tác quốc tế thông qua các tổ chức như PEFC cũng hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội phát triển. Đại diện Văn phòng Chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCO) cũng bày tỏ mong muốn nhận được hỗ trợ của PEFC trong việc phát triển bộ công cụ nhằm giới thiệu các tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững tới các chủ rừng, đặc biệt là các hộ cao su tiểu điền; đồng thời hỗ trợ quảng bá, mở rộng thị trường cho các sản phẩm đạt chứng nhận VFCS/PEFC, từ đó gia tăng giá trị của chứng nhận này. Nâng cao nhận thức của cao su tiểu điền cũng là một yếu tố được Ủy ban chứng nhận rừng Myanmar (MFCC) quan tâm, đại diện của tổ chức này cũng cho biết tuy chưa phân biệt hay thậm chí hiểu rõ về các chứng nhận bền vững, tiểu điền sẵn sàng hợp tác và nhận hỗ trợ từ các nhà máy lớn hoặc tổ chức chứng nhận, hướng tới mục tiêu gia tăng giá trị sản xuất, đảm bảo sinh kế. Đại diện Mạng lưới Chứng chỉ và Bảo tồn Rừng (NCCF) cũng đề xuất PEFC ghi nhận và chia sẻ thông tin về lợi ích thực tế tiểu điền nhận được tại các quốc gia có diện tích vườn cao su đạt chứng nhận PEFC lớn.

Đại diện PEFC cũng đã chia sẻ về các hoạt động, dự án mà qua đó tổ chức này đã góp phần kết nối bên sản xuất đạt chứng nhận với khách hàng. Cao su thiên nhiên (CSTN) do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cung cấp hiện đang được thử nghiệm, lấy mẫu, đánh giá độ phù hợp để ứng dụng vào sản phẩm của Cariuma – thương hiệu giày thể thao bền vững, thoải mái và hợp thời trang được làm bằng chất liệu tự nhiên cao cấp đến từ Brazil và Clarks – nhà sản xuất và bán lẻ giày dép hàng đầu thế giới đến từ Vương quốc Anh. PEFC tiếp tục duy trì hợp tác với Weber & Schaer – nhà phân phối CSTN hàng đầu có trụ sở tại Hamburg, Đức và Unilin – nhà sản xuất sàn gỗ công nghiệp cao ở thị trường Bỉ và châu Âu. Weber & Schaer cũng đã quảng bá về PEFC tới các khách hàng, đồng thời lên kế hoạch cùng PEFC tổ chức đào tạo kỹ thuật cho nhà cung ứng và bên tiêu thụ của công ty. Trong khi đó, Unilin bày tỏ mong muốn cùng phối hợp với PEFC để đạt những mục tiêu về bền vững xuyên suốt chuỗi giá trị của công ty. Đây là những doanh nghiệp có khả năng dẫn đầu xu hướng tăng nhu cầu nguyên liệu có chứng chỉ PEFC trong chuỗi cung của ngành cao su tại châu Âu và trên toàn thế giới.
Dữ liệu từ các trang mạng xã hội trong khoảng thời gian tháng 12/2021 – 3/2022 cũng cho thấy những dấu hiệu tích cực, với các từ khóa liên quan đến các chiến dịch của PEFC và công cuộc phát triển bền vững trong ngành cao su nhận được sự quan tâm, gia tăng mức độ truy cập, chia sẻ.
Văn phòng HHCSVN (Hương Giang)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>