Buổi làm việc được tổ chức nhằm trao đổi thông tin về tình hình ngành cao su 2 nước trong năm vừa qua, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm hoạt động cùa 2 Hiệp hội và thảo luận về một số lĩnh vực các bên có thể cùng hợp tác trong tương lai.
Tại buổi làm việc, đại diện VRA đã chia sẻ một số thông tin về ngành cao su Việt Nam. Năm 2021, ngành cao su Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa chống dịch hiệu quả, vừa thi đua sản xuất kinh doanh đạt kết quả tốt. Với sản lượng trong năm ước đạt 1,2 triệu tấn, ngành cao su thiên nhiên (CSTN) Việt Nam đứng vị trí thứ 3 trên thế giới, chiếm thị phần 8,7%; và xuất khẩu đạt 1,9 triệu tấn, chiếm 17,4% thị phần toàn cầu. Năng suất năm 2021 của cao su Việt Nam ước đạt 1.682 kg/ha, tiếp tục đứng đầu châu Á, vượt các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia,… Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có diện tích cao su tại Lào và triển khai hoạt động canh tác, sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương; đồng thời cũng nhập khẩu CSTN từ Lào để hỗ trợ hoạt động chế biến, sản xuất. Từ năm 2019 – 2021, lượng CSTN Việt Nam đã nhập khẩu từ Lào ước đạt 342,5 ngàn tấn, trong đó năm 2021 Việt Nam nhập lượng ước đạt 140,5 ngàn tấn, tăng 42,2% so với 2020. Chủng loại được Việt Nam nhập nhiều nhất từ Lào là cao su khối SVR 10, Cup lump, cao su dạng nguyên sinh…
Tiếp nối chia sẻ trên, LRA đã có phần giới thiệu về Hiệp hội và tổng quan ngành cao su Lào. Diện tích cao su tại Lào ước đạt 300 ngàn ha, chủ yếu trồng theo định hướng công nghiệp. Trong những năm qua, ngành cao su Lào đã phát triển tích cực, diện tích tăng nhanh, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương, đóng góp tích cực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo. Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương Lào, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu CSTN của Lào ước đạt hơn 214 triệu USD, đứng vị trí thứ 2 trong tổng kim ngạch xuất khẩu sau ngành đá quý/khoáng sản. Tuy hiện tại, ngành cao su tại Lào chỉ mới tập trung vào xuất khẩu CSTN, chưa có hoạt động xuất khẩu sản phẩm cao su hay gỗ cao su, nhưng với những kết quả tích cực trên, ngành đã khẳng định được vị thế quan trọng đối với lĩnh vực xuất khẩu. Ngành cao su Lào hiện đang đối mặt với một số thách thức như chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ người trồng về giống cây cao su và kỹ thuật chuyên môn; việc thu nhập số liệu thống kê phục vụ công tác quản lý, phát triển thị trường còn hạn chế.
Bên cạnh việc chia sẻ về tình hình ngành cao su tại 2 quốc gia, 2 hiệp hội cũng đã chia sẻ về hoạt động của mỗi bên trong năm 2021. Về phía VRA, tính đến ngày 16/12/2021, Hiệp hội đã có 125 hội viên, các sản phẩm chính của Hội viên thuộc các lĩnh vực CSTN; Sản phẩm cao su; Gỗ cao su cùng Dịch vụ hỗ trợ. Trong năm vừa qua, VRA đã tích cực phát huy vai trò kiến nghị chính sách, hỗ trợ hoạt động của Hội viên trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch. Đồng thời, VRA đã tăng cường kết nối với các tổ chức cao su quốc tế, các nước tiêu thụ/sản xuất cao su; đồng thời phát huy vai trò đề xuất chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và phát triển bền vững trong ngành. VRA cũng đã tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu ngành cao su Việt Nam thông qua sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam/Viet Nam Rubber”. Cao su là nông sản đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, có Nhãn hiệu chứng nhận, được bảo hộ tại 5 thị trường gồm Đài Loan, Ấn Độ, Lào, Trung Quốc, Campuchia. Tính đến ngày 16/12/2021, đã có 82 sản phẩm của 29 nhà máy thuộc 17 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu “Cao su Việt Nam”.
Về phía Lào, trong năm vừa qua, LRA đã phát huy vai trò tuyên truyền, phổ biến thông tin, chính sách của Chính phủ về việc phát triển ngành cao su; đồng thời đề xuất chính quyền có chính sách hỗ trợ thông tin về kỹ thuật trồng cao su cho người trồng/nhà đầu tư cao su, chính sách đào tạo nguồn nhân lực; cũng như phối hợp với chính quyền, hỗ trợ tổ chức các tổ thu mua cao su tại địa phương. Ngoài ra, LRA còn có kế hoạch mở rộng hợp tác với hiệp hội cao su các nước, đặc biệt là trong khu vực ASEAN.Trong năm 2022, LRA sẽ tổ chức Đại hội lần 2 và đẩy mạnh việc phát triển Hội viên, đa dạng hóa thành phần Hội viên. LRA mong muốn tiếp tục trao đổi cùng VRA về kinh nghiệm kết nối với cơ quan Bộ, ngành, Chính phủ trong quá trình hoạt động và cách thức phát triển Hội viên. Cuộc họp giữa hai hiệp hội là tiền đề để phát triển sự hợp tác của các bên tham gia; góp phần định hướng cho hoạt động của LRA nói riêng và toàn ngành cao su Lào nói chung trong tương lai.
Nhằm chia sẻ kinh nghiệm, góp phần hỗ trợ LRA phát huy vai trò hỗ trợ Hội viên, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA, cũng đã đề xuất LRA phát huy công tác kiến nghị chính sách; có kiến nghị hàng năm tới Chính phủ, cơ quan Bộ, ngành để phát triển ngành cao su, cụ thể là kiến nghị về chính sách thu hút đầu tư; ưu đãi về tiền thuê đất, thuế, vay vốn cho doanh nghiệp cao su. Ngoài ra, đề xuất LRA nghiên cứu và triển khai thêm phát triển thị trường và thương hiệu, thúc đẩy mở rộng sang các ngành sản phẩm cao su, gỗ cao su để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành cao su Lào. Bên cạnh đó, đề xuất LRA nghiên cứu huy động, tận dụng nguồn lực từ Chính phủ và Hội viên để duy trì, đảm bảo hoạt động của Hiệp hội.
Đại diện 2 Hiệp hội đã thảo luận và đề xuất một số hoạt động hợp tác, tập trung vào 3 nội dung chính, bao gồm: Trao đổi thông tin, số liệu thị trường ngành cao su 2 nước; Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động hiệp hội; Thúc đẩy phát triển bền vững, trao đổi kinh nghiệm đạt được chứng chỉ bền vững liên quan từ các doanh nghiệp Việt Nam tới các đơn vị tại Lào. Với sự thống nhất về sứ mệnh và định hướng, VRA và LRA cùng tổ chức Forest Trends thống nhất cùng đồng hành trong công cuộc phát triển ngành cao su tại Việt Nam và Lào theo hướng bền vững; góp phần tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa 2 quốc gia.
Văn phòng HHCSVN (Hương Giang tổng hợp)