Hoạt động >> Quan hệ quốc tế

Tham dự cuộc họp đầu tiên của Nhóm công tác về cao su thiên nhiên bền vững của ANRPC

08/08/2019

Theo thông báo của Ban Thư ký Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) về  cuộc họp đầu tiên của Nhóm công tác về cao su thiên nhiên bền vững được tổ chức từ ngày 11 – 13/6/2019 tại Siêm Riệp, Campuchia, Văn phòng Hiệp hội đã cử đại diện cùng đại diện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tham dự sự kiện này. 


Thành phần tham dự cuộc họp gồm 48 đại biểu đến từ 9 quốc gia thành viên ANRPC như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam. Đoàn Việt Nam gồm 03 đại biểu, gồm có: Bà Trần Thị Thúy Hoa – Thành viên thường trực Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; Ông Diệp Xuân Trường – Phó Trưởng Ban Công nghiệp, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Bà Phan Trần Hồng Vân – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam.

Nội dung cuộc họp chủ yếu chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về các giải pháp thực hiện cao su thiên nhiên bền vững tại từng quốc gia thành viên. Đồng thời, Dự thảo khung hướng dẫn về cao su thiên nhiên bền vững và Điều khoản tham chiếu của Nhóm công tác về cao su thiên nhiên bền vững cũng được đưa ra thảo luận tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, Tổng Thư ký ANRPC đã trình bày về cách thức sản xuất cao su thiên nhiên bền vững. Theo đó, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được tất cả các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc thông qua vào năm 2015, cung cấp một kế hoạch chung cho hòa bình và thịnh vượng cho con người và hành tinh, hiện tại và trong tương lai. Trọng tâm của Chương trình này là 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), đây là lời kêu gọi hành động khẩn cấp của tất cả các quốc gia - được xây dựng và phát triển - trong quan hệ đối tác toàn cầu.
Xu hướng PTBV của ngành lốp xe tập trung vào 4 điểm chính: Nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm phát khí thải, nguyên liệu bền vững, phục hồi và tái chế. So với cao su nhân tạo, sản xuất cao su thiên nhiên tiêu tốn ít nhiên liệu hơn, đồng thời, vườn cây cao su giữ được các chất dinh dưỡng và nước cho đất trồng. Tuy nhiên, cao su luôn bị cáo buộc về việc làm giảm sự đa dạng sinh học so với rừng tự nhiên.
Các tiêu chuẩn phát triển bền vững mà các nhà sản xuất cao su thiên nhiên cần đáp ứng, tập trung vào các điểm chính như sau:
o    Bảo vệ quyền con người
o    Sử dụng đất trồng có trách nhiệm
o    Canh tác nông nghiệp có trách nhiệm
o    Sản xuất thân thiện với môi trường
o    Đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc
Các quốc gia thành viên ANRPC cũng chia sẻ thông tin về các giải pháp thực hiện cao su thiên nhiên bền vững để trao đổi học hỏi kinh nghiệm thực tiễn của mỗi nước. Đại diện cho Đoàn Việt Nam, Tiến sỹ Trần Thị Thúy Hoa đã trình bày báo cáo về tình hình phát triển bền vững ngành cao su thiên nhiên tại Việt Nam. Theo đó, phát triển bền vững đã được Chính phủ Việt Nam hướng dẫn thông qua các quyết định từ năm 2012. Đến năm 2017, Việt Nam đã có Quyết định về kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc đến 2030, và có Quyết định về giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, theo đó, cây cao su được hỗ trợ để phát triển bền vững. Bên cạnh các chính sách của Nhà nước, đòi hỏi của khách hàng về sản xuất và quản lý cao su bền vững ngày càng tăng. Do đó, Hiệp hội Cao su Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động hướng về phát triển bền vững dựa trên nguyên tắc tăng cường hiệu quả kinh tế gắn với trách nhiệm xã hội và môi trường của doanh nghiệp. Đề án xây dựng Thương hiệu ngành cao su Việt Nam của Hiệp hội không chỉ dựa trên tiêu chí đảm bảo chất lượng, uy tín trong kinh doanh mà doanh nghiệp cần tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường và đảm bảo quyền lợi của người lao động. Tập đoàn đã có Nghị quyết về chiến lược doanh nghiệp phát triển bền vững và Chương trình phát triển bền vững giai đoạn 2019 – 2024 với kế họach hành động cụ thể. Để có công cụ thực hiện quản lý rừng, sản xuất cao su và gỗ cao su bền vững, Tập đoàn đã phối hợp với các tổ chức trong, ngoài nước xây dựng và phổ biến tài liệu hướng dẫn phát triển cao su bền vững cho toàn ngành cao su Việt Nam. Ngoài ra Tập đoàn hiện đang tiên phong thực hiện thí điểm chứng chỉ rừng bền vững của Việt Nam trên diện tích cao su. 
Các chương trình chính về phát triển bền vững cao su thiên nhiên hiện đang được thực hiện gồm có:
-   Sáng kiến ​​cao su thiên nhiên bền vững (SNR-i) của Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG): Tuyên bố bằng cơ sở tự nguyện,ra mắt vào tháng 01/2015. Nhóm công tác về Phát triển bền vững cao su thiên nhiên (SNRWG)gồm các đại diện từ Chính phủ; Các tổ chức liên chính phủ; Các hiệp hội cao su (trong đó có VRA); Các doanh nghiệp trồng, chế biến và thương mại CSTN;Các doanh nghiệp tiêu thụ CSTN. Đến cuối quý 3/2018, đã có 43/49 công ty / tổ chức đã hoàn thành việc tự khai báo trên SNR-I, trong đó, 56% DN chế biến, 23% DN sản xuất lốp xe, 12% DN thương mại và 9% DN trồng cao su. Bộ tiêu chuẩn gồm 5 tiêu chí và 12 chỉ tiêu thực hiện: Hỗ trợ cải thiện năng suất; Nâng cao chất lượng CSTN; Hỗ trợ phát triển rừng bền vững; Quản lý nguồn nước; Tôn trọng nhân quyền và các quyền lao động.
-   Nền tảng Cao su thiên nhiên bền vững toàn cầu (GPSNR): Khởi xướng bởi Giám đốc Dự án ngành công nghiệp lốp xe (TIP) của Hội đồng Kinh doanh thế giới về phát triển bền vững (WBCSD) vào tháng 11/2017. Mục tiêu là hài hòa các tiêu chuẩn nhằm cải thiện sự tôn trọng quyền con người, ngăn chặn việc chiếm đất và phá rừng, bảo vệ đa dạng sinh học và tài nguyên nước, tăng năng suất, tăng tính minh bạch chuỗi cung ứng và truy xuất nguồn gốccủa chuỗi giá trị cao su thiên nhiên. Thành viên: Doanh nghiệp cao su thiên nhiên (10), DN sản xuất xe hơi (3); DN sản xuất lốp xe và thương mại cao su thiên nhiên (12); Tổ chức dân sự xã hội (11); Thành viên liên kết (3).

Dự án thử nghiệm của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF): Nhằm mục đích biến đổi thị trường cao su toàn cầu bằng cách sản xuất cao su tự nhiên mà không cần phá rừng. Thúc đẩy cao su tự nhiên bền vững ở hai cấp độ - cấp độ công ty và nông trường cho nhà tiêu thụ và nhà sản xuất CSTN.

Trên thực tế, chính sách CSTN bền vững của các nhà sản xuất lốp xe đều dựa trên các tiêu chí của SNR-i liên quan đến Nhân quyền & Nơi làm việc; Tuân thủ pháp luật; Trách nhiệm với môi trường; Quản trị tốt: Minh bạch và truy xuất nguồn gốc; Cải thiện phương thức canh tác / Tiếp cận tiểu điền, tham gia và phát triển cộng đồng. Về cam kết từ các doanh nghiệp sản xuất xe hơi, năm 2016, BMW & Toyota đã ký kết thỏa thuận 5 năm với WWF, tập trung vào việc tăng tính bền vững của các nguồn tự nhiên bao gồm cao su thiên nhiên. Năm 2017, General Motors tuyên bố tập trung tìm nguồn cung ứng cao su tự nhiên bền vững cho lốp xe. Cooper Tyres không có Chính sách mua sắm về CSTN bền vững nhưng đã thể hiện cam kết về nguồn NR bền vững bằng việc tham gia vào GPSNR.

Kết luận tại cuộc họp, Tổng Thư ký ANRPC đã khẳng định phát triển bền vững là xu thế tất yếu của ngành cao su trên toàn thế giới. Vì vậy, việc thành lập Nhóm công tác về cao su thiên nhiên bền vững thuộc ANRPC để tập trung nghiên cứu, thảo luận và hướng đến việc xây dựng Hướng dẫn về cao su thiên nhiên bền vững phù hợp với đặc điểm và tình hình tại mỗi quốc gia thành viên là nhiệm vụ thiết thực và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

 

Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Hồng Vân)
 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>