Hoạt động

Tham dự Hội thảo “Cơ hội và các yêu cầu của thị trường Châu Âu và Hoa Kỳ” đối với sản phẩm gỗ

26/04/2019

 Ngày 06/3/2019, Văn phòng Hiệp hội cử đại diện tham dự Hội thảo “Cơ hội và các yêu cầu của thị trường Châu Âu và Hoa Kỳ” do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Đồ gỗ và Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA EXPO) 2019 tại TP.HCM. 


 Mở đầu cho phần thuyết trình, ông Helmut Merkel – Tổng biên tập tạp chí chuyên ngành nội thất nổi tiếng Mobel Markt, Giám đốc CRP Consulting (Nuremberg) đã giới thiệu về thị trường Đức và những phương thức để DN Việt Nam có thể tiếp cận thị trường này. Ông cho biết, Đức là thị trường nội thất lớn nhất tai châu Âu, mang tính dẫn dắt về xu hướng. Nếu chinh phuc được Đức, DN Việt Nam hoàn toàn có thể mở ra cánh cửa thuận lợi để tiếp cận các nước châu Âu khác. Với dân số 82 triệu người, trong đó có 42 triệu hộ gia đình, ưa thích sống ở các thành thị, người Đức rất thích mua sắm nội thất và có mức tiêu thụ cao nhất châu Âu với gần 400 Euro/người/năm. Với hệ thống bán lẻ lớn, thương mại điện tử phát triển, doanh số bán hàng lên đến hơn 30 tỉ USD/năm. Ông Helmut Merkel nhận định, với một thị trường lý tưởng như vậy, tuy nhiên, hiện nay đồ gỗ và nôi thất Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được, chỉ chiếm chưa đầy 2% và xếp thứ 13 trong các nước xuất khẩu nội thất gỗ vào Đức. Theo ông, để tiếp cận thị trường này, DN Việt Nam cần tiếp cận với hệ thống các nhóm mua lớn, là các công ty đại diện cho các nhà bán lẻ, có chức năng đàm phán, mua và phân phối hàng. Hiện nay, các nhóm mua này có xu hướng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam khi với lợi thế nhân công, giá rẻ và chất lượng tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể mở rộng thị phần sản phẩm gỗ tại Đức.

Tại Hội thảo, đại diện của Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO) đã chia sẻ xu hướng phổ biến đối với nội thất gỗ của châu Âu trong tương lai sẽ gắn liền với các tiêu chí như thân thiện môi trường, thiết kế đa dạng, tiết kiệm diện tích, dễ dàng di chuyển và có tính đa dụng. Các sản phẩm nội thất ngoài trời, trong phòng tắm và phòng làm việc được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong tương lai tại thị trường châu Âu. Ông cũng khẳng định khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ thống trị thị trường nội thất toàn cầu, trong đó các quốc gia nổi bật là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện nay, các nước châu Âu có nhu cầu cao đối với các sản phẩm nội thất mang tính bền vững, nghĩa là DN sản xuất phải đảm bảo về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Các DN nhập khẩu châu Âu đang được Chính phủ yêu cầu phải bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội đối với người lao động, tôn trọng quyền con người, đa dạng hóa đội ngũ lãnh đạo, chống tham nhũng và hối lộ
Các diễn giả cũng phân tích các cơ hội và cảnh báo từ thị trường Mỹ với ngành gỗ Việt Nam. Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam với trị giá 3,6 tỉ USD năm 2018. Theo các diễn giả, con số này có thể còn tăng hơn trong các năm tới nhưng kèm theo đó cũng là những rủi ro từ thay đổi chính sách. Đặc biệt, các yêu cầu về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng với đồ gỗ nhập khẩu từ các nước.
Hội thảo cũng đề cập đến trách nhiệm xã hội của ngành gỗ, các chính sách lao động, nhân công, tiền lương, kiểm định chất lượng sản phẩm nhằm giúp DN Việt Nam nắm bắt, thích ứng trước những thay đổi về các quy tắc thương mại hiện hành trên thế giới.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam tổng hợp (Hồng Vân)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>