Hội thảo nhằm chia sẻ kết quả và đánh giá tác động của dự án đối với việc thúc đẩy sự phát triển của quản lý rừng bền vững (QLRBV) ở các nước thuộc tiểu vùng hạ lưu sông Mê Kông (Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar). Dự án do UN-REDD tài trợ và PEFC thực hiện tại các nước khu vực Đông Nam Á trong thời gian từ tháng 02/2021 đến tháng 10/2022, với Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCO) là đối tác dự án và chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động của dự án tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ dự án, VFCO, PEFC khu vực châu Á, Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG) và Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng cũng đã có buổi chia sẻ kinh nghiệm thực hiện phương án QLRBV và chương trình chứng chỉ rừng VFCS/PEFC với trên 60 đại biểu tham dự đến từ các nước Úc, Lào, Campuchia, Myanmar, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Những hoạt động trên đã quy tụ các chuyên gia, các bên liên quan trong ngành và các đại biểu đại diện các cơ quan quản lý lâm nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức trong khu vực đến Việt Nam để tìm hiểu về hệ thống chứng chỉ rừng, các phương pháp QLRBV, chuỗi hành trình sản phẩm và hoạt động của PEFC tại Việt Nam chung và trong ngành cao su nói riêng. Các chuyên gia của dự án chia sẻ tại Hội thảo, mục tiêu của dự án là hướng đến thúc đẩy hợp tác giữa các bên tại từng quốc gia và hợp tác quốc tế, cải thiện công cuộc quản lý rừng và đẩy mạnh giao thương theo hướng bền vững, có trách nhiệm, từ đó tạo nên tác động nhằm giảm tình trạng phá rừng và suy thoái rừng, và phát triển công cuộc quản lý rừng bền vững tại khu vực hạ lưu song Mê Kông. Quá trình phát triển bền vững cũng cần bao gồm nhiều chu kỳ của quy trình đánh giá – áp dụng thực tiễn – nhận xét, phản hồi để ngày càng được cải thiện, đem lại nhiều lợi ích cải tiến, thiết thực cho các bên liên quan. Đồng thời, việc xây dựng năng lực để đáp ứng các yêu cầu về bền vững cần phải có thời gian, và sự ủng hộ của Chính phủ cũng như các cơ quan Bộ, ngành các nước đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hoạt động trên.
Bên cạnh đó, việc hợp tác và học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nước bạn là rất cần thiết, một phương pháp có thể đem lại kết quả tốt ở một quốc gia, khu vực, tuy nhiên, cần được xem xét và điều chỉnh phù hợp trước khi áp dụng tại một nơi khác. Đối với việc nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý rừng bền vững cấp quốc gia, việc trao đổi, hợp tác với các tổ chức chuyên môn trong nước cũng như quốc tế có thể giảm áp lực cho các cơ quan Bộ, ngành, đồng thời đem lại hiệu quả cao.
Trong tương lai, PEFC sẽ thành lập các nhóm hỗ trợ các vấn đề về rừng, đất đai, nông nghiệp cũng như xây dựng mạng lưới tư vấn hỗ trợ các cơ quan, công ty, nơi các đơn vị không phải là thành viên của PEFC cũng có thể cùng tham gia trao đổi, nhằm nâng cao năng lực và thúc đẩy hơn nữa công cuộc phát triển bền vững tại ASEAN. PEFC cũng định hướng mở rộng hoạt động sang Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ cao su hàng đầu và hy vọng quốc gia này sẽ phối hợp, tham gia các hoạt động về phát triển bền vững trong khu vực ASEAN.
Văn phòng HHCSVN (Hương Giang)