Hoạt động

Tham dự Hội nghị ngành gỗ “Định hướng phát triển ngành gỗ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam”

09/09/2022

Ngày 19/8/2022, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã tham dự Hội nghị ngành gỗ “Định hướng phát triển ngành gỗ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam” do Tập đoàn Công nghiêp Cao su Việt Nam (VRG) tổ chức nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong thời gian qua, từ đó đề ra giải pháp, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. Hội nghị diễn ra dưới dưới sự chủ trì của lãnh đạo VRG và sự tham dự của các doanh nghiệp thành viên.


 

Quang cảnh buổi Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Hữu Phước – Phó Tổng giám đốc VRG, cho biết trong số các ngành nghề kinh doanh của VRG, ngành gỗ là một trong những ngành sản xuất chínhcó biên lợi nhuận khá tốt, đặc biệt có cơ hội phát triển trong điều kiện Việt Nam và các nước đang thắt chặt chính sách đóng cửa rừng, nhu cầu về sản phẩm sản xuất từ gỗ nói chung và gỗ cao su tiếp tục tăng trong các năm. Những năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành chế biến gỗ có sự gia tăng về mặt sản lượng, doanh thu, lợi nhuận... góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch chung của VRG. Mặc dù, công tác trồng rừng nguyên liệu bước đầu đã đạt được những thành tích đáng tự hào nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ cho chế biến. Lượng gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững phục vụ sản xuất sản phẩm gỗ xuất sang các thị trường chính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU còn thấp.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Võ Hoàng An – Tổng thư ký VRA cho biết, dù có mức tăng trưởng ấn tượng, nhưng việc giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao (chi phí vật tư sản xuất, vận chuyển tăng mạnh); các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát co xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng đang có dấu hiệu giảm mạnh, đây được xem là những thách thức của các doanh nghiệp gỗ nói chung và doanh nghiệp chuyên về gỗ cao su nói riêng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Lê Thanh Hưng – Tổng Giám đốc VRG cho biết, ngành gỗ sẽ là ngành chủ lực và then chốt của VRG trong thời gian tới, do đó các công ty gỗ, công ty cao su và các ban chuyên môn Tập đoàn cần tập trung tham mưu và đẩy mạnh hiệu quả hoạt động các công ty gỗ. Tập đoàn sẽ nghiên cứu thành lập các nhóm ngành để có sự hỗ trợ hợp tác trong sản xuất, thị trường, trao đổi thông tin, đề xuất các kiến nghị như nhóm gỗ phôi, ghép tấm; nhóm tinh chế và nhóm các công ty sản xuất MDF…
Về định hướng phát triển ngành gỗ giai đoạn 2022 – 2025, tiếp tục tái cơ cấu hoạt động các công ty, mỗi công ty phải xây dựng sản phẩm có thế mạnh riêng. Nghiên cứu mở rộng một số sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị gia tăng cao và sử dụng gỗ cao su hiệu quả nhất. Có giải pháp thúc đẩy mục tiêu giảm lượng gỗ phôi xuất bán, tăng tỷ lệ gỗ cao su tinh chế, áp dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh, mục tiêu tăng tưởng mỗi công ty từ 7 – 10%/năm. Định hướng đến 2030, xây dựng năng lực sản xuất gỗ các công ty đạt trình độ và năng lực tiên tiến, tất cả các sản phẩm gỗ xuất bán được sử dụng từ nguồn gỗ hợp pháp và có chứng chỉ rừng bền vững, hoàn chỉnh chuỗi giá trị gỗ cao su từ khâu trồng đến sản phẩm tiêu dùng mang thương hiệu VRG, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hàng năm duy trì từ 8 – 10%/năm.
Văn phòng HHCSVN tổng hợp (Diệu Bùi)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>