Tại hội thảo, bà Phan Trần Hồng Vân – Phó Tổng Thư ký VRA cho biết, hiện diện tích cao su ở Việt Nam đạt 930,5 ngàn ha. Sản lượng thu hoạch mủ cao su của nước ta đạt gần 1,3 triệu tấn năm 2021, với năng suất bình quân là 1.691 kg/ha, đứng đầu châu Á (cập nhật số liệu tháng 6/2022). Với bối cảnh các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do tác động của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng thường xuyên và trầm trọng, doanh nghiệp và người tiêu dùng trở nên quan tâm đến vấn đề môi trường nhiều hơn. Trước những thách thức, yêu cầu của thị trường, trên cơ sở khung pháp luật của Việt Nam và kinh nghiệm của một số ngành hàng khác, VRA đã đề xuất Kế hoạch hành động vì phát triển bền vững (PTBV) ngành cao su Việt Nam, khuyến khích các hội viên sớm xây dựng Chương trình PTBV theo điều kiện phù hợp. Đồng thời, VRA hợp tác với một số tổ chức xây dựng những tài liệu hướng dẫn quản lý và sản xuất cao su bền vững, giảm thiểu rủi ro về môi trường và xã hội cho nhà đầu tư Việt Nam trồng cao su. Ngoài ra, VRA đã xây dựng và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”. Theo đó, VRA thực hiện giám sát định kỳ hàng năm đối với các sản phẩm được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó có những quy định về trách nhiệm xã hội và môi trường. Một số Hội viên VRA đã triển khai các kế hoạch PTBV tại đơn vị, nổi bật là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, và nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của một số tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là mô hình liên kết hộ tiểu điền thực hiện chứng chỉ nhóm.
Theo TS.Tô Xuân Phúc, Chuyên gia của Forest Trends, tại Việt Nam diện tích cao su đại điền (chủ yếu của các công ty cao su nhà nước) chiếm khoảng gần 48% tổng diện tích cao su của cả nước, khoảng 52% diện tích còn lại thuộc về tiểu điền. Ông cho rằng, song song với các doanh nghiệp lớn, các hộ tiểu điền cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển cao su thiên nhiên. Bên cạnh đó, TS. Tô Xuân Phúc cũng chia sẻ, xu hướng tiêu thụ cao su trên thế giới đang có nhiều thay đổi. Những quy định về nguồn gốc xuất xứ và tính bền vững đối với nguồn cao su nguyên liệu đầu vào, trong đó có cao su, đang ngày càng trở nên chặt chẽ.
Ông Jeff Martin – Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc điều hành công ty Yulex – cho biết, nhu cầu cho cao su thiên nhiên bền vững ngày càng gia tăng. Vừa qua, Công ty Yulex đã thực hiện các chuyến khảo sát tới một số công ty cao su và các hộ tiểu điền để tìm hiểu khả năng thực hiện các liên kết nhằm thúc đẩy sản xuất cao su bền vững tại Việt Nam. Đại diện công ty Yulex đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ về bao tiêu đầu ra sản phẩm và trả giá cao hơn giá thị trường đối với nguồn cung cao su thiên nhiên bền vững. Với sứ mệnh bảo vệ sức khỏe của hành tinh và con người, công ty hiện đang tiến hành cải thiện quy trình sản xuất, hướng tới sản xuất sản phẩm cao su thân thiện với môi trường.
Ông Hans Evers – Quản lý Phát triển bền vững của công ty Weber & Schaer – cho biết, các DN quốc tế ngày càng quan tâm đến nguồn nguyên liệu bền vững, đặc biệt là các DN trong mảng thời trang công nghệ cao. Weber & Schaer sẵn sàng chi trả cho các DN và hộ tiểu điền Việt Nam mức giá cao đối với cao su thiên nhiên có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đáp ứng được quy định của chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu.
Đại diện Công ty CP Cao su Đắk Lắk – đã chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận chứng chỉ FSC cùng với những khó khăn và thuận lợi. Việc phát triển cao su bền vững sẽ đem đến nhiều lợi ích cho DN như: Nâng cao nhận diện thương hiệu, tăng lợi thế cạnh tranh; Tăng cường khả năng tuân thủ quy định phap luật; Nhận được sự đồng thuận của xã hội; Cơ hội tạo nên khác biệt hóa, các cơ hội kinh doanh và nguồn doanh thu mới… Trong quá trình tiếp cận chứng chỉ FSC, công ty đã có nhiều thuận lợi như: Sự hỗ trợ, đồng hành của nhiều tổ chức (như Forest Trends, Pan Nature, FSC Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam,…) khi bắt đầu triển khai chương trình phát triển cao su bền vững. Bên cạnh đó, công ty cũng gặp một số khó khăn như: Diện tích phát triển cây cao su bị thu hẹp hàng năm do những thay đổi trong chính sách quản lý quỹ đất; Thực hiện phục hồi 10% diện tích rừng tự nhiên trong tổng số diện tích quản lý; Người dân bản địa cũng như một số bên liên quan trong ngành chưa thực sự thấu hiểu để ủng hộ chương trình PTBV của DN (cụ thể như việc tùy tiện sử dụng hóa chất, sử dụng lao động trẻ em trong hoạt động sản xuất).
Ông Phan Đỗ Trọng Nhân, Quản lý thu mua – Trưởng Ban FSC tại Công ty TNHH Cao su Liên Anh (Tây Ninh) – cũng chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi trong việc thực hiện liên kết nhóm hộ lớn tại Tây Ninh. Khi tham gia mô hình liên kết, hộ tiểu điền sẽ có những lợi ích như: Thị trường ổn định hơn, tốt hơn; Giá bán cao su có chứng chỉ cao hơn so với mủ cao su không có chứng chỉ; Được hỗ trợ miễn phí về chuyên môn quản lý, kỹ thuật về lâm nghiệp; Không bị cạnh tranh khi tham gia nhóm chứng chỉ; Hoà nhập được xu thế thị trường cao su có chứng chỉ rừng của trong nước và quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Thương – Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm nghiệp Hòa Phát – chia sẻ, các hộ tiểu điền hiện nay chưa dành nhiều sự quan tâm đến chứng chỉ PTBV cho gỗ cao su. Là một công ty tiên phong trong việc tham gia chuỗi cung ứng gỗ được cấp chứng chỉ cho các DN nội thất quốc tế như IKEA, Hòa Phát sẵn sàng hỗ trợ các hộ tiểu điền trong việc tiếp cận chứng chỉ PTBV quốc tế cho gỗ cao su thông qua việc đầu tư phân bón, giống, kỹ thuật cũng như hỗ trợ chi phí cho 10% diện tích để lại.
Quang cảnh Hội thảo
TS.Tô Xuân Phúc khẳng định để tạo cao su thiên nhiên bền vững tại Việt Nam trong tương lai cần còn những chương trình hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa những người mua tiềm năng như Yulex hay Weber & Schaer và các công ty cao su của Việt Nam cũng như các hộ cao su tiểu điền. Xây dựng và nâng cao năng lực cho các bên liên quan trong liên kết, hỗ trợ hình thành liên kết, xây dựng lòng tin, chia sẻ lợi ích công bằng giữa các bên tham gia liên kết, hỗ trợ chính quyền địa phương là các yếu tố tiên quyết để đảm bảo mô hình thành công. Hội tụ được các yếu tố này đòi hỏi nỗ lực thực sự của tất cả các bên liên quan.
Văn phòng HHCSVN (Khánh Linh)