Dự án được sự tài trợ của chính phủ Úc thông qua tổ chức The Nature Conservancy (TNC) và thực hiện đến tháng 3 năm 2018. Dự án sẽ tập trung vào hỗ trợ Việt Nam tăng cường thực hiện quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản hợp pháp và có trách nhiệm, hướng các hoạt động quản lý rừng trồng bền vững thành hoạt động thường xuyên.
Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra kế hoạch hành động Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) năm 2003 trong đó các quốc gia xuất khẩu gỗ vào EU phải chứng minh được nguồn gốc gỗ hợp pháp của sản phẩm. Xác định EU là một trong những thị trường xuất khẩu gỗ chính, Việt Nam cần tuân thủ các quy định về nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Trước những yêu cầu khắt khe về gỗ nhập khẩu hợp pháp, cần xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề phân loại và nhận diện gỗ hợp pháp. Mặc dù Nghị định 32/2006/NĐ-CP về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và công ước CITES đã được ban hành, nhưng hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về nhận dạng các loại gỗ thuộc danh mục cấm, bị hạn chế buôn bán theo Nghị định. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc quản lý gỗ xuất và nhập khẩu.
Ông Lê Văn Bách, Vụ trưởng Vụ Quản lý Sản xuất Lâm nghiệp – Tổng cục Lâm nghiệp, Tổ trưởng tổ thực hiện dự án, khẳng định: “Dự án Quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản có trách nhiệm sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động quản lý rừng bền vững. Ngoài ra, trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện FLEGT với EU thì các hoạt động tăng cường năng lực về thương mại gỗ hợp pháp và có trách nhiệm là rất cần thiết.”
Dự án chia thành 2 hợp phần chính tập trung vào thúc đẩy quản lý rừng trồng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế và tăng cường thực hiện thương mại gỗ hợp pháp và có trách nhiệm. Ngoài ra, hiện người dân Việt Nam vẫn còn khá xa lạ với các khái niệm về lâm sản được sản xuất bền vững và có trách nhiệm. Do đó, dự án sẽ triển khai nâng cao nhận thức cho người dân, những nhà sản xuất và kinh doanh để bước đầu tạo định hướng trong tư duy và phát triển các sản phẩm gỗ có trách nhiệm cho thị trường Việt Nam. Cách tiếp cận này không chỉ mang lại những lợi ích lâu dài cho môi trường và xã hội, mà còn góp phần giảm thiểu hoạt động khai thác gỗ trái phép, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao vị thế gỗ hợp pháp trên thị trường Việt Nam.
Nói về mục tiêu cụ thể hơn, ông Lê Thiện Đức, Cán bộ Quản lý Chương trình Rừng của WWF-Việt Nam cho biết: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đặt ra mục tiêu Việt Nam có ít nhất 500.000 ha rừng được cấp chứng chỉ vào năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay trên cả nước mới có 219.245 ha rừng trồng có chứng chỉ. Để góp phần vào mục tiêu này, Dự án đặt mục tiêu là có thêm ít nhất 3.000 ha rừng trồng được nâng cao tầm quản lý và đạt chứng chỉ rừng. Thêm vào đó, ít nhất một chính sách quan trọng về thúc đẩy quản lý rừng bền vững được xây dựng hoặc sửa đổi, thương mại gỗ hợp pháp và minh bạch được tăng cường, và bước đầu thị trường nội địa đối với mặt hàng lâm sản có chứng chỉ được khởi sắc.”
Để thực hiện được tham vọng trên, Dự án sẽ tìm kiếm diện tích rừng có tiềm năng quản lý bền vững để tạo cơ hội cho các dự án; đồng thời thúc đẩy Chính phủ đầu tư để phát triển thành diện tích rừng được cấp chứng chỉ; nâng cao năng lực cho các chủ rừng thông qua xây dựng sổ tay hướng dẫn chứng chỉ rừng trồng, giúp họ quản lý rừng theo hướng bền vững; hỗ trợ rà soát và sửa đổi chính sách của Nhà nước về thúc đẩy quản lý rừng bền vững, hoạt động quản lý rừng theo hướng có lợi cho môi trường và xã hội. Các hoạt động này nếu được thực hiện sẽ mang lại lợi ích về xã hội và môi trường cho người dân sống gần rừng, cũng như các công nhân lâm nghiệp, giảm khai thác rừng tự nhiên bất hợp pháp và mang lại giá trị bảo tồn cao về mặt lâu dài./.